Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Cách nhận diện và phòng tránh

Cụm từ “tích cực độc hại” có vẻ còn khá mới mẻ nhưng số đông mọi người đều từng nhiều hơn một lần thể hiện tư duy tích cực độc hại. Tích cực là điều tốt nhưng tích cực độc hại lại gây ra nhiều ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần. Biết cách nhận biết và tránh tích cực độc hại sẽ giúp chúng ta tiếp cận cảm xúc và sức khỏe tinh thần một cách lành mạnh hơn.

Bạn đang đọc: Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Cách nhận diện và phòng tránh

Đã khi nào bạn gặp phải một vấn đề tồi tệ, bạn chia sẻ cùng với ai đó và rồi nhận lại lời đáp như “tích cực lên, rồi sẽ ổn thôi”? Lời động viên ấy thực sự không giúp bạn thoải mái hơn, bạn vẫn cảm thấy rối ren, áp lực, căng thẳng cùng vấn đề chưa tìm được cách giải quyết. Việc cố gắng tỏ ra lạc quan trái với cảm xúc bên trong như vậy gọi là sự tích cực độc hại (Toxic Positivity).

Tích cực độc hại là gì?

Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là thuật ngữ diễn tả sự tích cực thái quá, xảy ra khi mọi người chỉ tập trung vào những gì tích cực, từ chối thừa nhận hoặc thể hiện những cảm xúc tiêu cực. Vui vẻ, hạnh phúc hay tức giận, chán nản, thất vọng,… đều là những cảm xúc tự nhiên của con người. Việc kìm nén cảm xúc tiêu cực bằng tích cực độc hại thực ra là đang chối bỏ cảm xúc và cổ xúy cho sự vui vẻ không chân thật.

Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Cách nhận diện và phòng tránh

Tích cực độc hại diễn tả sự tích cực thái quá, kìm nén những cảm xúc tiêu cực

Khi bạn thể hiện sự tích cực một cách không đúng nghĩa, ví dụ như bên ngoài cười tươi, rạng rỡ nhưng bên trong là những cảm xúc hỗn độn chưa được bộc lộ và giãi bày, đó là tích cực độc hại. Điều này không những không khiến cho cảm xúc của chúng ta thấy tốt hơn mà còn làm hạn chế khả năng xử lý, đối phó với khó khăn, thách thức.

Nhận diện tích cực độc hại

Tích cực thường là một thái độ tốt, mang lại niềm tin, hy vọng và có thể giúp an ủi tâm trạng một người. Tuy vậy, sự tích cực bắt đầu độc hại khi nó khiến bạn phủ nhận cảm xúc thật của mình và cả những người khác.

Những người mang tư duy tích cực độc hại thường không biết hoặc không thừa nhận họ đang mắc phải tình trạng này, nhưng những biểu hiện có thể dễ dàng nhận ra, chẳng hạn như:

  • Che giấu, không thừa nhận cảm xúc thật của bản thân.
  • Cố gắng chịu đựng cảm xúc tiêu cực bằng cách phớt lờ hoặc loại bỏ cảm xúc.
  • Cảm thấy tội lỗi về cảm xúc tiêu cực (giận dữ, xấu hổ, thất vọng,…) của chính mình.
  • Chỉ trích hoặc hạ thấp người khác khi họ có những cảm xúc không tích cực.
  • Gạt bỏ cảm giác khó khăn hay trải nghiệm tiêu cực của người khác bằng những câu nói tích cực.
  • Đưa ra những lời an ủi, động viên sáo rỗng.
  • Chỉ ra một viễn cảnh tồi tệ hơn với mong muốn xoa dịu tình hình thay vì tập trung vào trạng thái hiện tại của người khác.

Trong cuộc sống, bạn có thể nhận thấy sự hiện diện của hội chứng tích cực độc hại cụ thể hơn qua những hành vi điển hình:

  • Thường bị phủ nhận và so sánh mỗi khi bạn nói về áp lực của mình với người lớn, thường là người khác thế hệ.
  • Bạn tự thuyết phục mình rằng “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, nhưng phải làm thế nào để vượt qua thì bạn chưa tìm ra cách.
  • Bạn được người khác cổ vũ, động viên “tích cực” trong những tình huống tồi tệ, và thực tế thì người ấy lại không quan tâm là bạn đang cảm thấy khó khăn đến mức nào.

Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Cách nhận diện và phòng tránh

Bạn thường được động viên trong những tình huống tồi tệ và thực tế thì người ấy lại không quan tâm là bạn đang cảm thấy khó khăn như thế nào

Tác hại của tích cực độc hại

Ai ai trong chúng ta cũng sẽ không mong muốn những cảm xúc tiêu cực đến với mình, chẳng ai lại chọn nỗi buồn thay cho niềm vui. Tuy vậy, cảm xúc tồi tệ, tiêu cực vẫn là một phần trong cuộc sống, là sự đa dạng trong cung bậc cảm xúc của con người.

Tại sao những cảm xúc tiêu cực lại cần thiết?

Tương tự như cảm giác đau, cảm xúc tiêu cực đôi khi đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo. Khi sợ hãi, bạn sẽ đề phòng; khi lo lắng về rủi ro, bạn sẽ cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định; khi tức giận, bạn biết rằng có điều gì đó không ổn và cần phải giải quyết; khi buồn, bạn biết đâu là những điều mình quan tâm trong cuộc sống.

Khi nhìn thẳng vào cảm xúc của mình, bạn sẽ thu thập được nhiều thông tin để phân tích và đưa ra quyết định. Thay vì giả vờ rằng mình mình hoàn toàn ổn, việc có khả năng chấp nhận những tổn thương và nỗi buồn sẽ giúp bạn trở nên mạnh mẽ và có nhiều trải nghiệm hơn đối với cuộc sống muôn màu.

Tác hại của tư duy tích cực độc hại

Việc đè nén hoặc tìm cách né tránh những cảm xúc tiêu cực có thể mang đến cho bạn lợi ích trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài thì lại có thể trở thành một vấn đề lớn hơn ban đầu rất nhiều. Khi không được sống với cảm xúc thật của mình, cảm xúc dồn nén bên trong sẽ gây ra u uất và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường:

  • Gia tăng mức độ của cảm xúc tiêu cực: Chúng ta thường được khuyến khích việc kiểm soát cảm xúc, tuy nhiên kiểm soát cảm xúc hoàn toàn khác với phủ định và phớt lờ. Khi bị chối bỏ, những cảm xúc tiêu cực không được xử lý không mất đi mà vẫn còn đó, theo thời gian, những cảm xúc này ngày càng nặng nề sẽ làm gia tăng các vấn đề về tâm lý, đặc biệt là trầm cảm.
  • Hình thành chuỗi cảm xúc thứ cấp: Cảm giác buồn bã sẽ kéo theo những cảm xúc thứ cấp khác như bi quan, thất vọng, lo âu, sợ hãi,… Chuỗi cảm xúc thứ cấp kéo theo này có thể khiến cho tinh thần của bạn ngày càng suy kiệt.
  • Cảm giác tội lỗi: Tích cực độc hại sẽ khiến người ta cảm thấy tội lỗi vì chính cảm xúc của mình, đánh giá những cảm xúc “không tích cực” một cách cực đoan trong khi nó cũng chỉ là những cảm xúc rất đỗi tự nhiên của con người.
  • Ảnh hưởng đến động lực: Việc luôn suy nghĩ tích cực đôi khi lại ngăn bạn đạt được mục tiêu của mình, vì bạn sẽ ít có động lực để thực hiện mục tiêu, và nếu không đạt được, bạn cũng sẽ phớt lờ cảm giác thất vọng.

Tìm hiểu thêm: Hội chứng sợ tắm rửa (Ablutophobia): Nguyên nhân và cách khắc phục

Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Cách nhận diện và phòng tránh
Tích cực độc hại có thể khiến bạn gia tăng mức độ cảm xúc tiêu cực

Làm sao để tránh tích cực độc hại?

Cảm xúc của bạn sẽ nói cho bạn biết về những gì đang xảy ra với bạn và xung quanh bạn. Chấp nhận cảm xúc của bạn tốt hơn việc lảng tránh rất nhiều.

Chấp nhận cảm xúc của chính mình

Đúng vậy, cách tốt nhất để tránh tích cực độc hại chính là cho phép bản thân đối diện với cảm xúc thật của mình. Thay vì cố gắng gạt bỏ tất cả cảm xúc tiêu cực và ép buộc bản thân phải “cảm thấy” tích cực, bạn có thể chấp nhận và học cách phân loại cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực có thể không mấy dễ chịu, nhưng công nhận những cảm xúc thật của mình là cách giải quyết vấn đề tốt hơn và hạn chế được sự tích cực độc hại.

Sau đó, hãy học cách từ tốn và nhẹ nhàng hơn với bản thân – tập trung vào cảm xúc thay vì khắt khe với chính mình. Yêu thương chính mình không phải là cho phép bản thân yếu đuối, lười biếng, mà là cho phép bản thân có đủ không gian tư tưởng để phát triển và chấp nhận nhiều rủi ro hơn.

Tránh những lời động viên sáo rỗng

Chúng ta đều có nhu cầu chia sẻ khi buồn bã, chán nản. Người chia sẻ luôn mong nhận được sự thấu hiểu, không phán xét, không xem nhẹ hay phủ định cảm xúc của mình. Trải nghiệm và khả năng chịu đựng ở mỗi người là khác nhau. Vậy nên, đừng đánh giá nỗi đau của người khác hay đưa ra những lời an ủi sáo rỗng. Thay vì phủ định cảm xúc của họ, hãy thừa nhận rằng cảm xúc đó là điều tất yếu, lắng nghe chân thành và kiên nhẫn ở bên cạnh họ trong thời điểm khó khăn.

Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là gì? Cách nhận diện và phòng tránh

>>>>>Xem thêm: Bé gái 11 tuổi có kinh nguyệt có sao không?

Hãy lắng nghe chân thành và kiên nhẫn

Sự tích cực độc hại (Toxic Positivity) kéo dài sẽ gây ra nhiều tác hại về mặt thể chất và tinh thần. Hãy luôn nhớ rằng việc trải qua cảm giác tồi tệ là điều hết sức bình thường. Khi gặp phải vấn đề nào đó, cần phải nhìn nhận vấn đề, thừa nhận mặt tồi tệ để từ đó tìm cách giải quyết thay vì trốn tránh, ép mình nhìn vào khía cạnh tích cực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *