Áp xe tuyến Bartholin không phổ biến nhưng biến chứng của nó lại có thể đe dọa thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Triệu chứng của bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Bạn đang đọc: Áp xe tuyến Bartholin – Nguy cơ đe dọa sức khỏe sinh sản nữ
Thống kê cho thấy gần 2% phụ nữ có thể bị áp xe tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời. Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất. Áp xe dạng này có thể có đường kính lên tới 3cm, gây đau đáng kể. Hầu hết trường hợp bị áp xe ở tuyến Bartholin có thể hồi phục hoàn toàn nhưng đôi khi, u nang sẽ tái phát và bị nhiễm trùng trở lại.
Contents
Áp xe tuyến Bartholin là gì? Nguyên nhân và triệu chứng
Áp xe tuyến Bartholin là gì? Tình trạng này có thể xảy ra khi một trong các tuyến Bartholin, nằm ở hai bên cửa âm đạo bị nhiễm trùng. Tuyến này bị tắc có thể hình thành u nang. Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra căn bệnh này và triệu chứng phổ biến của nó.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng áp xe tuyến Bartholin
Tuyến Bartholin nằm ở vị trí hai bên mép âm đạo. Bộ phận này tiết ra dịch nhờn để môi trường vùng kín luôn đủ độ ẩm và cũng nhờ đó mà quá trình giao hợp giảm bớt đau đớn và trở nên dễ dàng hơn. Áp xe tuyến Bartholin xảy ra khi tuyến này bị viêm, bị tắc khiến dịch trong tuyến tích tụ lại và gây nhiễm trùng.
Những nguyên nhân chính gây ra áp xe ở tuyến Bartholin gồm:
- Hoạt động tình dục không an toàn, gây nhiễm lậu cầu và Chlamydia.
- Mắc bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa như: Viêm âm đạo, viêm âm hộ… Các bệnh lý này là yếu tố khiến tác nhân gây bệnh xâm nhập vào tuyến Bartholin và khiến cho tuyến này bị viêm tắc và ứ đọng dịch nhầy.
- Bị chấn thương ở vùng sinh dục phía ngoài.
Triệu chứng phổ biến khi bị áp xe tuyến Bartholin
Tình trạng ứ đọng dịch nhầy khi bị áp xe tuyến Bartholin khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng:
- Sưng, đau ở một hoặc cả hai bên của môi bé. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn mỗi khi người bệnh có quan hệ tình dục.
- Sờ thấy cục nổi lên ở một hoặc cả hai bên môi bé, có thể gây vướng víu.
- Có thể xảy ra tình trạng tăng tiết dịch âm đạo hoặc bị rối loạn tiểu tiện.
- Sốt và đau mỏi toàn thân.
Hầu hết các trường hợp bị áp xe ở tuyến này chỉ gặp phải tình trạng viêm tắc dịch nhầy, ứ đọng và sưng, đau ở một bên môi bé. Rất hiếm khi xảy ra tình trạng này cùng lúc ở cả hai bên của tuyến Bartholin.
Mức độ nguy hiểm của áp xe tuyến Bartholin
Để thực sự hiểu áp xe tuyến Bartholin là gì, mỗi người chúng ta cũng cần nắm rõ mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Tùy vào mức độ bệnh khác nhau mà áp xe ở tuyến Bartholin sẽ gây nên những ảnh hưởng khác nhau đến sức khỏe con người. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể gây ra những tình trạng sau:
- Đau đớn mỗi khi quan hệ tình dục.
- Nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa, dẫn tới đe dọa sức khỏe sinh sản của nữ giới.
- Thai phụ mắc áp xe tại tuyến Bartholin sinh thường có thể gây nguy cơ nhiễm trùng cho em bé khi sinh.
- Đặc biệt, bệnh lý này ở mức độ nghiêm trọng có thể gây ra nhiễm trùng huyết.
Tìm hiểu thêm: Liệu pháp insulin tích cực là gì? Những điều cần biết về liệu pháp này
Cách thức chẩn đoán và điều trị áp xe tuyến Bartholin
Sau khi đã trả lời được câu hỏi áp xe tuyến Bartholin là gì, nhiều người sẽ quan tâm đến cách thức chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào. Nếu có những triệu chứng nghi ngờ của bệnh lý này, bạn nên đến gặp bác sĩ phụ khoa ngay để kiểm tra.
Các phương pháp chẩn đoán áp xe tuyến Bartholin
Để chẩn đoán bệnh áp xe tuyến Bartholin, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, kiểm tra sự hiện diện của tuyến Bartholin và chỉ định các biện pháp chẩn đoán bệnh phù hợp như:
- Lấy mẫu dịch âm đạo, cổ tử cung để xét nghiệm nhằm tìm kiếm tác nhân gây ra các bệnh lây qua đường tình dục.
- Tầm soát ung thư cổ tử cung sớm thông qua các xét nghiệm PAP-Smear và HPV.
- Siêu âm ở vị trí của nang tuyến Bartholin.
- Siêu âm đầu dò âm đạo để đánh giá tử cung và hai phần phụ.
- Một số xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng nhiễm trùng như: Tổng phân tích tế bào máu, CRP, tổng phân tích nước tiểu.
Cách điều trị áp xe tuyến Bartholin
Sau khi đã có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân. Người bệnh cần lưu ý rằng, áp xe ở tuyến Bartholin rất dễ bị tái phát nên bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ bác sĩ đã đưa ra.
Để điều trị áp xe ở tuyến Bartholin, bác sĩ thường dùng thủ thuật mở thông dẫn lưu sau quá trình điều trị kháng sinh tích cực trước đó vài ngày cho người bệnh. Việc làm này sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu trong 24 giờ sau đó.
>>>>>Xem thêm: Cách bấm huyệt chữa lạnh chân hiệu quả
Vì áp xe có thể do tình trạng nhiễm trùng gây ra nên bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân đơn thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không cần dùng đến thuốc kháng sinh nếu ổ áp xe có thể được loại bỏ đúng cách.
Khoảng 20% số bệnh nhân áp xe tuyến này có thể bị tái phát. Các trường hợp tái phát thường xảy ra khi tác nhân gây bệnh là do bị nhiễm trùng lây qua đường tình dục, do quan hệ tình dục không an toàn, ví dụ như lậu hay Chlamydia. Nếu sau khi điều trị, áp xe tại tuyến Bartholin vẫn tái phát nhiều lần, bệnh nhân có thể được đề xuất áp dụng thủ thuật được gọi là ghép túi.
Nếu đã áp dụng những phương pháp điều trị trên mà bệnh nhân vẫn chưa khỏi bệnh hoàn toàn, bác sĩ có thể sẽ tư vấn bóc bỏ khối u tuyến Bartholin. Số ca phẫu thuật dạng này khá hiếm và cần tiến hành gây mê toàn thân. Điều trị theo cách này, đa số bệnh nhân sẽ không bị tái phát bệnh trở lại.
Để phòng ngừa bệnh áp xe tuyến Bartholin, bạn nên duy trì đời sống tình dục an toàn và giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Khi đó, vi khuẩn sẽ ít có cơ hội xâm nhập cơ quan sinh dục và gây nhiễm trùng tại vị trí này. Ngoài ra, phái nữ cũng nên duy trì khám phụ khoa định kỳ để làm xét nghiệm sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm kịp thời điều trị bệnh từ sớm nếu có. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn những hệ lụy không mong muốn do áp xe Bartholin gây ra.