Đau thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Đau thượng vị dạ dày là gì và thường xảy ra khi nào? Nguyên nhân và biểu hiện triệu chứng là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này để có giải pháp điều trị phù hợp nhất nhé!

Bạn đang đọc: Đau thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Đau thượng vị dạ dày thường xuất hiện khi ăn quá no, uống nhiều rượu bia hoặc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp người bệnh tìm được biện pháp khắc phục hiệu quả. Vậy đau vùng thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục ra sao?

Tìm hiểu về đau thượng vị dạ dày

Đau thượng vị dạ dày là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ các cơn đau xuất hiện ở giữa hai bên sườn, dưới xương ức và trên ổ bụng. Một số trường hợp chỉ đau âm ỉ, nhưng cũng có trường hợp bị đau nhói hoặc quặn thắt rất khó chịu. Thậm chí, cơn đau có thể lan rộng từ vùng bụng ra phía sau lưng. Những thời điểm có thể xuất hiện tình trạng đau ở vùng thượng vị như:

  • Khi đói: Lúc này dạ dày bị rỗng khiến dịch tiết ra nhiều hơn bình thường. Điều này sẽ làm tổn thương và gây cảm giác đau quặn ở ổ bụng.
  • Sau khi ăn: Quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ ma sát lên những ổ viêm loét do axit dạ dày gây ra trong thời gian dài, dẫn đến các cơn đau vùng thượng vị ở người bệnh.
  • Đau về đêm: Cơn đau thượng vị về đêm thường xảy ra vào khoảng 1 – 2 giờ sáng, do sự tăng dịch axit dạ dày khi dạ dày đã tiêu hóa hết thức ăn.

Đau thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Cơn đau thượng vị dạ dày thường xuất hiện khi đói hoặc sau khi ăn quá no

Tình trạng đau vùng thượng vị không phải lúc nào cũng đáng ngại. Đôi khi, người bệnh có thể bị đau vì một số nguyên nhân vô hại như ăn quá no hoặc không dung nạp thức ăn. Tuy nhiên, nếu bị đau thượng vị liên tục trong thời gian dài thì đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh bảo những vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, việc nhận biết nguyên nhân là vô cùng quan trọng.

Triệu chứng của đau thượng vị dạ dày

Những cơn đau ở vùng thượng vị dạ dày thường sẽ đi kèm với một số triệu chứng khác như:

  • Đau từng cơn: Những cơn đau thường đột ngột và xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày. Cơn đau co thắt có thể lan từ vùng rốn đến phía sau lưng, gây khó chịu cho người bệnh.
  • Buồn nôn và ợ hơi: Khi dạ dày tiết axit liên tục sẽ gây áp lực ở vùng ổ bụng, khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn và ợ hơi.
  • Đau âm ỉ kéo dài: Các cơn đau thượng vị dạ dày có thể kéo dài từ 15 – 20 phút và thường xuyên bị lặp lại. Đặc biệt, sẽ đau hơn khi người bệnh quá đói, quá no hoặc vận động mạnh.
  • Nóng rát vùng thượng vị: Quá trình tiêu hoá thức ăn và tiết dịch vị dạ dày có thể làm cho vùng thượng vị cảm thấy nóng rát.
  • Đau nhói và đau quặn: Cảm giác đau nhói và đau quặn thường xuyên xuất hiện ở vùng bụng dưới. Tuy nhiên, các cơn đau thường không kéo dài quá lâu, điều này có thể khiến người bệnh chủ quan không điều trị sớm.
  • Chướng bụng, khó tiêu, đi ngoài liên tục: Tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gây ra các triệu chứng như tức bụng, đầy hơi và thường xuyên phải đi ngoài.

Đau thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Đau bụng kèm theo đầy hơi khó tiêu có thể là dấu hiệu của đau thượng vị dạ dày

Nhận biết và chẩn đoán sớm những triệu chứng này là quan trọng để tìm giải pháp điều trị hiệu quả và cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Nguyên nhân gây đau thượng vị dạ dày

Cơn đau ở vùng thượng vị có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

Thường xuyên sử dụng chất kích thích

Thường xuyên uống rượu bia và thói quen hút thuốc lá có thể sẽ làm tăng quá trình bài tiết pepsin và dẫn đến trào ngược dạ dày. Đồng thời, chất kích thích cũng có thể kích thích não bộ tiết ra cortisol, gián tiếp khiến dịch vị dạ dày tiết ra nhiều hơn.

Trên thực tế, ngoài việc tiết axit để tiêu hóa thức ăn, dạ dày còn phải tiết chất nhầy để tái tạo tế bào và làm lành ổ loét. Tuy nhiên, thói quen dùng chất kích thích thường xuyên sẽ gây cản trở hoạt động này. Đồng thời, làm cho lưu lượng máu trong niêm mạc dạ dày bị giảm đi.

Thói quen xấu trong thói quen sinh hoạt hàng ngày

Một số thói quen như thường xuyên thức khuya, bỏ bữa, ăn quá no hoặc ăn vào ban đêm… có thể sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây rối loạn và làm ứ đọng thức ăn khiến dạ dày phải tiết dịch axit liên tục.

Tìm hiểu thêm: Gãy xương ngón tay: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Đau thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
Thói quen ăn đêm có thể gây ra cơn đau ở vùng thượng vị

Tình trạng này nếu diễn ra liên tục có thể sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của cơ quan tiêu hóa, dẫn đến cơn đau ở vùng thượng vị và khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.

Trào ngược dịch vị dạ dày

Tình trạng rối loạn chức năng tiêu hoá có thể khiến dạ dày liên tục tiết dịch vị, tạo áp lực trên ổ bụng. Điều này thường dẫn đến cảm giác đầy hơi, chướng bụng và trào ngược. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể gây ra cảm giác rát họng, đau ngực, khó nuốt và ho khan.

Không dung nạp Lactose

Lactose là một chất có trong các sản phẩm làm từ sữa. Nếu cơ thể không dung nạp lactose sẽ khiến dạ dày không thể tiêu hóa thành phần này. Từ đó, gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng và khó chịu.

Đau thượng vị dạ dày do bệnh lý

Cơn đau ở vùng thượng vị cũng có thể do nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm hẹp môn vị, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm tuỵ, viêm đại tràng, các bệnh về gan (như áp xe gan và viêm gan), sỏi mật, viêm đường mật, thủng dạ dày, thoát vị cơ hoành và bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, một số phụ nữ mang thai cũng có thể gặp phải tình trạng này.

Đau thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Đau thượng vị dạ dày có thể do các bệnh lý gây ra

Cách khắc phục triệu chứng đau thượng vị dạ dày

Để có biện pháp khắc phục triệu chứng đau thượng vị dạ dày phù hợp, cần phải xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Nếu tình trạng này xuất phát từ những nguyên nhân thông thường, việc thay đổi chế độ ăn uống khoa học và lối sống sẽ giúp cải thiện bệnh. Nếu cơn đau xuất phát từ các vấn đề sức khỏe, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để khắc phục triệu chứng.

Lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống giúp giảm cơn đau thượng vị:

  • Không nên ăn quá nhiều hoặc ăn quá no;
  • Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ như thịt mỡ và các món chiên xào;
  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B như hạt điều, hạt óc chó, chuối bơ, bột yến mạch, cà chua, bí ngô, rau dền…;
  • Nếu cơ thể không dung nạp lactose, cần tránh uống sữa hoặc ăn các sản phẩm làm từ sữa như kem, bơ và phô mai;
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn trong việc chế biến và bảo quản thực phẩm, và luôn nấu chín thực phẩm để tránh nhiễm khuẩn;
  • Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

Đau thượng vị dạ dày là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

>>>>>Xem thêm: Bed rotting là gì và có tác dụng thực sự tốt hay không?

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh

Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để giảm đau thượng vị:

  • Thuốc giảm đau: Sử dụng khi cơn đau thượng vị kéo dài.
  • Thuốc kháng axit: Giúp ức chế tiết axit ở dạ dày, thường được sử dụng trong trường hợp trào ngược dạ dày.
  • Thuốc kháng sinh: Có thể được chỉ định khi có viêm loét dạ dày hoặc các vấn đề liên quan đến nhiễm khuẩn.

Quá trình điều trị có thể kéo dài khoảng vài tuần hay thậm chí là nhiều năm tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, dù là do nguyên nhân gì thì cũng nên khắc phục sớm để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Hy vọng, bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng đau thượng vị dạ dày nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *