Áp xe gan là tình trạng gan bị tổn thương, viêm nhiễm và tạo thành ổ dịch mủ. Đây không phải bệnh lý về gan phổ biến nhưng thường gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy áp xe gan có chữa khỏi được không?
Bạn đang đọc: Áp xe gan có chữa khỏi được không?
Áp xe gan có thể xảy ra do nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, các tổn thương ở gan, áp xe từ các bộ phận lân cận lan sang gan hoặc do biến chứng đái tháo đường… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp xe gan, nhưng dù nguyên nhân là gì cũng dẫn đến hậu quả chung là bệnh gây biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc áp xe gan có chữa khỏi được không và cách chữa trị thế nào.
Contents
Áp xe gan là gì?
Áp xe gan là tình trạng gan bị tổn thương, viêm nhiễm và hình thành các ổ mủ ở gan. Dịch mủ này là do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, xác tế bào bạch cầu và các mảnh vụn khác tạo thành. Đây có thể là các ổ mủ đơn độc hoặc nhiều ổ mủ xuất hiện ở các vị trí khác nhau của lá gan. Các nguyên nhân gây bệnh áp xe gan phổ biến nhất gồm:
Áp xe gan do amip
Amip Entamoeba vegetative là một loại nguyên sinh vật đơn bào, thường xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và gây bệnh ở ruột, đại tràng. Từ các cơ quan này, amip đi vào gan và tạo thành khối áp xe. Áp xe gan do amip chiếm khoảng 80% các trường hợp áp xe gan ở Việt Nam.
Áp xe gan do vi khuẩn
Các vi khuẩn gây áp xe gan chủ yếu là Escherichia Coli, chủng Bacteroides, chủng Streptococcus, Klebsiella pneumoniae,… các chủng vi khuẩn có nguồn gốc từ đường ruột. Áp xe gan do vi khuẩn đa số là xảy ra thứ phát. Các nhiễm trùng từ ổ bụng thông qua đường mật, động mạch gan, tĩnh mạch cửa, sinh thiết gan… lây lan sang gan và gây áp xe. Tình trạng này thường gặp nhất ở bệnh nhân mắc đái tháo đường, xơ gan, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch.
Áp xe gan do sán lá gan
Ấu trùng sán lá gan có trong ốc, các loại rau dưới nước, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh đi vào đường tiêu hóa của con người. Tại tá tràng, ấu trùng đi vào khoang phúc mạc và tấn công gan. Khi xâm nhập vào mô gan, chúng gây ra tổn thương viêm nhiễm tại gan và hình thành các ổ áp xe có mủ.
Triệu chứng biểu hiện bệnh áp xe gan
Áp xe gan có chữa khỏi được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời gian phát hiện và điều trị bệnh. Một số triệu chứng cảnh báo bệnh áp xe gan mà chúng ta cần biết như:
Triệu chứng ở bệnh nhân áp xe gan do amip
Một số triệu chứng thường gặp ở người bị áp xe gan do amip như:
- Triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên ở người bị áp xe gan do amip là sốt với mức độ từ nhẹ đến nặng. Kèm theo đó là tình trạng tim đập nhanh, vã mồ hôi.
- Bệnh nhân bị đau hoặc tức ở hạ sườn bên phải, mức độ đau có thể từ trung bình đến nặng. Khi ấn vào vùng gan bệnh nhân thấy đau. Cảm giác đau cũng có thể thường trực, ngay cả khi không ấn. Đau có thể âm ỉ, dai dẳng, lan lên đến vùng vai phải.
- Gan bệnh nhân bị áp xe thường to, bờ tù, bề mặt nhắn, ấn vào đau nhói.
- Một số triệu chứng ít gặp hơn như viêm phúc mạc, có tiếng cọ màng ngoài tim, bệnh nhân bị vàng da.
Triệu chứng ở bệnh nhân áp xe gan do vi khuẩn
Nếu nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Đau âm ỉ ở hạ sườn bên phải. Đôi khi xuất hiện các cơn đau quặn thắt giống như có sỏi đường mật.
- Người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt cao có thể đến 40 độ, toàn thân rét run.
- Vùng gan đau nhói và bác sĩ thấy gan to khi thăm khám bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
- Người bệnh mệt mỏi, chán ăn, đi ngoài phân lỏng, sụt cân.
- Vì chức năng gan bị ảnh hưởng nên người bệnh có triệu chứng vàng da.
Áp xe gan có chữa khỏi được không?
Quay trở lại với câu hỏi chính đang được nhiều người quan tâm: Áp xe gan có chữa khỏi được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể và việc chữa trị sẽ khá đơn giản, người bệnh phục hồi nhanh nếu áp xe được phát hiện từ giai đoạn sớm. Tuy nhiên, bệnh sẽ cực kỳ nguy hiểm với các biến chứng dưới đây nếu không được chữa trị kịp thời:
- Ổ áp xe ở gan bên phải khi vỡ có thể làm chảy dịch mủ vào màng tim, gây viêm màng ngoài tim cấp, chèn ép tim cấp. Nguy cơ tử vong ở biến chứng này khá cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Áp xe gan vỡ ra ổ bụng có thể gây nhiễm trùng toàn bộ ổ bụng.
- Ổ áp xe cũng có thể vỡ khiến dịch mủ xâm nhập vào màng phổi và phổi.
- Áp xe sưng to và chứa đầy mủ có thể vỡ vào đại tràng, dạ dày.
- Khi áp xe vỡ vào cơ thành bụng có thể làm hình thành lỗ rò mủ và gây áp xe cơ thành bụng.
Tìm hiểu thêm: Đang có kinh ăn thơm được không và những điều chị em cần biết
Chữa khỏi áp xe gan bằng cách nào?
Cách điều trị áp xe gan sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tùy từng tình trạng bệnh. Cụ thể là:
Điều trị áp xe gan bằng thuốc tùy từng nguyên nhân
- Bệnh nhân bị áp xe gan do amip thường được chỉ định điều trị bằng các loại thuốc như: Tinidazole, Metronidazole, Diloxanide, Paromomycin, Iodoquinol…
- Bệnh nhân áp xe gan do vi khuẩn có thể được điều trị bằng các loại kháng sinh như: Ampicillin-Sulbactam, Piperacillin-Tazobactam, Cefoperazon-Sulbactam, Ceftazidim…
- Người mắc áp xe gan do sán lá gan được điều trị bằng thuốc đặc trị sán lá gan là Triclabendazole liều duy nhất hoặc 2 liều tùy tình trạng bệnh.
- Nếu bị áp xe gan thứ phát do các bệnh suy giảm miễn dịch, tiểu đường, xơ gan, bệnh nhân cần được điều trị bệnh nền mới có thể điều trị dứt điểm áp xe gan.
Chọc hút ổ áp xe gan
Áp xe gan có chữa khỏi được không? Câu trả lời là có. Ngoài điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút ổ áp xe gan nếu:
- Chưa xác định chính xác nguyên nhân gây áp xe gan.
- Dẫn lưu tại chỗ và bơm rửa hàng ngày với các ổ áp xe có đường kính trên 5cm.
- Điều trị bằng thuốc trong 3 – 5 ngày nhưng bệnh nhân không đáp ứng, không hiệu quả.
- Ổ áp xe lớn và đang có nguy cơ vỡ ổ áp xe cao.
- Nếu ổ áp xe có nguy cơ vỡ vào màng tim, cần chọc hút dẫn lưu dịch sớm.
Việc chọc hút các ổ áp xe gan sẽ được kết hợp với điều trị bằng loại thuốc phù hợp.
>>>>>Xem thêm: Viêm lợi khi niềng răng: Nguyên nhân và cách điều trị
Phẫu thuật áp xe gan
Trong trường hợp ổ áp xe đã vỡ, khiến nhiễm trùng lây lan vào ổ bụng hay các cơ quan lân cận hoặc kỹ thuật dẫn lưu thất bại, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị bệnh triệt để. Phẫu thuật áp xe gan có thể là phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật.
Hy vọng với bài viết trên đây, bạn đã giải đáp được thắc mắc áp xe gan có chữa khỏi được không. Như bạn đã biết, việc điều trị áp xe gan càng tiến hành sớm càng thuận lợi. Vì vậy, ngay khi có triệu chứng đầu tiên của bệnh, chúng ta nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn.