Bắt nạt trực tuyến Cyberbullying có thể dễ thực hiện hơn các hành vi bắt nạt khác vì người bắt nạt không cần phải đối đầu với mục tiêu của họ một cách trực tiếp, đồng thời ít có nguy cơ bị phát hiện hơn. Tuy nhiên, hiện nay một số hành vi bắt nạt trực tuyến vượt quá giới hạn sẽ trở thành hành vi phạm pháp và phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Bạn đang đọc: Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) là gì? Ảnh hưởng của bắt nạt trực tuyến
Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ cùng với sự xuất hiện của Internet đã tạo ra hàng loạt các nền tảng mạng xã hội giúp con người dễ dàng tìm kiếm, kết nối với nhau mà không bị giới hạn bởi ngôn ngữ hay lãnh thổ địa lý. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm với nhiều hệ lụy, trong đó bao gồm hội chứng Cyberbullying (bắt nạt trực tuyến).
Contents
Bắt nạt trực tuyến Cyberbullying là gì?
Bắt nạt trực tuyến (Cyberbullying) là những hành vi cố ý bắt nạt, đe dọa thông qua sử dụng tin nhắn, trang web, mạng xã hội hoặc thiết bị điện tử, nhằm gây sợ hãi, tức giận hoặc tấn công tinh thần người bị nhắm tới. Những hành vi có thể làm tổn thương, sang chấn tâm lý, quấy rối hoặc khiến người khác khó chịu bao gồm:
- Lan truyền những lời dối trá hoặc đăng những bức ảnh đáng xấu hổ của ai đó trên mạng xã hội.
- Gửi tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa qua nền tảng nhắn tin.
- Mạo danh ai đó và thay mặt họ gửi những tin nhắn ác ý cho người khác.
- Chia sẻ thông tin cá nhân hoặc riêng tư của người khác nhằm gây bối rối hoặc sỉ nhục họ.
- Đăng tải hoặc chia sẻ nội dung tiêu cực, sai sự thật hoặc ác ý về người khác.
Cyberbullying thường xảy ra phổ biến nhất ở:
- Mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Snapchat, TikTok,…
- Ứng dụng nhắn tin trên thiết bị di động hoặc máy tính bảng.
- Nhắn tin, trò chuyện trực tuyến qua internet.
- Diễn đàn trực tuyến, phòng trò chuyện.
- Email.
- Cộng đồng chơi game trực tuyến.
Các loại bắt nạt trực tuyến
Dựa vào động cơ khác nhau của những đối tượng bắt nạt trực tuyến, có thể chia thành bốn loại bắt nạt trực tuyến thường gặp:
- Thiên thần báo thù (The “Vengeful Angel”): Trong trường hợp này, người bắt nạt trực tuyến coi mình là người đang sửa sai hoặc đang bảo vệ bản thân và những người khác khỏi “kẻ xấu”. Họ có thể là nạn nhân của việc bắt nạt, họ cảm thấy tức giận và và trở thành kẻ bắt nạt trực tuyến để trả thù hoặc dạy cho người khác một bài học.
- Khát khao quyền lực (The “Power-Hungry”): Một số người thực hiện bắt nạt trực tuyến muốn thể hiện quyền lực, chứng tỏ rằng mình đủ mạnh mẽ để kiểm soát người khác. Đôi khi, những người bắt nạt trực tuyến loại này lại là nạn nhân của hành vi bắt nạt ngoại tuyến. Nhờ tính ẩn danh của Internet, họ có thể làm những việc mà ở ngoài đời họ không thể làm được như tỏ ra cứng rắn, đáng sợ, trở thành kẻ mạnh,…
- Những “cô gái xấu tính” (The “Mean Girls”): Loại bắt nạt trực tuyến này thường được thực hiện để tìm kiếm những niềm vui, xảy ra khi người bắt nạt trực tuyến cảm thấy buồn chán hoặc đang tìm cách giải trí. Họ thường không ý thức được những việc mình đang làm là sai trái và sẽ gây tổn thương đến người khác. Kiểu bắt nạt trực tuyến này sẽ tiến triển nghiêm trọng khi có sự ngưỡng mộ của nhóm, bè phái hoặc sự im lặng của những người khác và cứ để nó tiếp diễn.
- Kẻ bắt nạt trực tuyến vô tình (The Inadvertent Cyberbully): Những người bắt nạt trực tuyến vô tình thường không nghĩ rằng họ là kẻ bắt nạt. Họ có thể đang phản ứng lại với những khiêu khích họ nhận được mà không nghĩ đến hậu quả hành động của mình. Họ có xu hướng phản ứng trong sự tức giận hoặc thất vọng và không cố ý đả kích người khác.
Ảnh hưởng của bắt nạt trực tuyến
Hiện nay, bắt nạt trực tuyến Cyberbullying có thể gây ra sự tổn thương gấp nhiều lần so với các hình thức bắt nạt thông thường. Nạn nhân của Cyberbullying có thể bị tấn công bởi những người thậm chí không biết họ là ai; các nội dung gây rối, hạ nhục, phỉ báng lại rất dễ bị lan truyền rộng rãi và thường lưu lại rất lâu sau đó. Mọi người thường cho rằng đối tượng bị bắt nạt trực tuyến chủ yếu là thanh thiếu niên, nhưng thực tế lại cho thấy rằng đối tượng của bắt nạt trực tuyến có thể thuộc bất kỳ độ tuổi nào.
Các hành vi Cyberbullying lặp đi lặp lại sẽ gây ra sự tổn thương nhất định cho nạn nhân về mặt tinh thần, cảm xúc, thậm chí là thể chất. Biểu hiện của nạn nhân sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi bắt nạt. Những ảnh hưởng mà bắt nạt trực tuyến có thể gây ra:
- Các vấn đề về cảm xúc: Nạn nhân thường không có được cảm giác an toàn, thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt. Nhiều người có thể rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo lắng quá mức.
- Rối loạn liên quan đến căng thẳng tâm lý: Nạn nhân của Cyberbullying sẽ luôn cảm thấy bất an, suy sụp, chán nản cùng với các triệu chứng như mất ngủ, đau đầu, chóng mặt,… Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự ngược đãi bản thân (self-harm) và thậm chí tự tử.
- Gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống: Những thông tin tiêu cực bị lan truyền sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống bình thường của nạn nhân, họ có thể bị mất việc, tước quyền đi học, hoặc có thể bị tấn công bằng vũ lực ở ngoài đời thường.
- Liên quan đến luật pháp: Các tin nhắn mạo danh, hình ảnh giả mạo có thể khiến cho người bị bắt nạt, thậm chí là người bắt nạt vướng vào các vấn đề pháp lý.
Tìm hiểu thêm: Điện não đồ giấc ngủ là gì? Các bước ghi điện não đồ giấc ngủ
Làm gì khi bị bắt nạt trực tuyến?
Có thể nói Cyberbullying là một mối nguy “thầm lặng” bởi đây là một thuật ngữ còn khá mới mẻ đối với nhiều người, thậm chí nhiều người cũng không nhận thức được rằng mình đang là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Nhiều nạn nhân không chia sẻ về vấn đề bản thân gặp phải mà chọn tự mình đối mặt và chịu đựng vấn đề. Điều này gây nên nhiều hệ lụy nguy hiểm, nghiêm trọng nhất là đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, nếu đang rơi vào tình trạng này thì bạn nên tham khảo một số biện pháp sau đây:
- Chia sẻ với gia đình, người thân: Gia đình chỗ dựa tinh thần tốt nhất khi gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Đồng thời, người lớn sẽ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp bạn xử lý tình huống khi bị đe dọa, uy hiếp, hạ nhục,…
- Lưu giữ lại bằng chứng: Bắt nạt trực tuyến sẽ để lại dấu vết kỹ thuật số, việc lưu giữ và cung cấp bằng chứng có thể góp phần tìm ra người bắt nạt và giúp ngăn chặn hành vi này.
- Báo cáo nội dung xấu, chặn tài khoản: Cách đơn giản nhất để ngăn chặn bắt nạt trực tuyến là chặn các tài khoản mạng xã hội của người bắt nạt, đồng thời báo cáo xấu về nội dung mà họ đăng tải, để đối tượng xấu không thể tiếp cận bạn nữa.
- Nâng cao an toàn trực tuyến: Nên điều chỉnh quyền riêng tư, nâng cao tính bảo mật của các trang mạng xã hội đang sử dụng để tránh bị lạm dụng. Suy nghĩ thận trọng trước khi chia sẻ thông tin cá nhân hoặc ảnh/video cho ai đó.
- Trình báo cơ quan chức năng: Đối với các hành vi, lời nói xúc phạm hoặc vu khống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, công việc, thiệt hại tài sản thì cần trình báo lên cơ quan chức năng để được điều tra và xử lý nghiêm minh.
>>>>>Xem thêm: Tiêm chủng mở rộng có mất tiền không? Tại sao cần cho trẻ đi tiêm chủng mở rộng?
Bắt nạt trực tuyến Cyberbullying đang được xem là một vấn nạn toàn cầu. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các đạo luật và các chính sách pháp luật được xây dựng để giảm thiểu và ngăn chặn vấn nạn này. Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng (2018) được ban hành vào năm 2018 đã chứng tỏ Nhà nước đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề an ninh mạng nói chung và bắt nạt trực tuyến nói riêng.
Vì vậy, khi phát hiện bản thân hoặc bạn bè, người thân đang bị bắt nạt trực tuyến, hãy tìm cách lưu giữ các bằng chứng, liên hệ với cơ quan chức năng và sử dụng pháp luật như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi Cyberbullying.