Ổ bụng là một khoang lớn, có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể con người. Ổ bụng chứa nhiều cơ quan nội tạng khác như gan, tụy, mật, thận, lách, bàng quang…Vì vậy, áp xe ổ bụng là một tình trạng nguy hiểm cần điều trị sớm.
Bạn đang đọc: Áp xe ổ bụng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Áp xe ổ bụng là tình trạng xuất hiện túi mô viêm chứa mủ bên trong ổ bụng. Áp xe trong ổ bụng có thể hình thành do dị vật, chấn thương, phẫu thuật… Nhưng dù nguyên nhân gây bệnh là gì, chúng ta cũng cần nắm được triệu chứng để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Contents
Áp xe ổ bụng là gì?
Áp xe ổ bụng là một tổ chức viêm nhiễm, khu trú dạng khối mềm với nhiều mủ bên trong được hình thành trong ổ bụng. Mủ trong khối áp xe được hình thành từ xác bạch cầu, vi khuẩn và các mảnh vụn. Những khối áp xe này có thể hình thành bên trong ổ bụng, ở phần sau của ổ bụng hoặc xung quanh các cơ quan trong ổ bụng như gan, lách, tụy, thận… Áp xe hình thành trong không gian giữa khoang bụng và cột sống còn gọi là áp xe sau phúc mạc.
Nguyên nhân áp xe ổ bụng thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như chấn thương bụng kín, phẫu thuật trong ổ bụng, vỡ tạng trong ổ bụng… Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến áp xe trong ổ bụng là do người bệnh nuốt phải dị vật có tính sắc nhọn. Dị vật này khi đi vào đường tiêu hóa sẽ đâm thủng ống tiêu hóa và đi vào ổ bụng. Vi khuẩn sẽ tấn công vào các vị trí tổn thương, gây nên tình trạng viêm nhiễm, tạo thành các ổ khu trú có mủ trong ổ bụng.
Ngoài ra, áp xe trong ổ bụng cũng hình thành khi vi khuẩn xâm nhập vào ổ bụng qua các chấn thương ổ bụng, vỡ ruột, viêm ruột thừa, viêm loét đại tràng hoặc phẫu thuật được thực hiện trong ổ bụng.
Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân áp xe ổ bụng
Trong các trường hợp áp xe trong ổ bụng, người bệnh thường ghi nhận các triệu chứng như:
- Tại vị trí áp xe có cảm giác đau. Ban đầu, khi áp xe mới hình thành người bệnh có thể đau nhẹ, ấn vào thấy đau. Nhưng khi ổ áp xe đã phát triển lớn hơn, người bệnh có cảm giác đau vùng bụng thường trực thậm chí đau khi không ấn hay tác động lực.
- Người bị áp xe có triệu chứng sốt, có thể sốt cao đến 40 độ, sốt kéo dài liên tục kèm cảm giác ớn lạnh.
- Cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn uống, da tái.
- Cảm giác khô miệng, buồn nôn hoặc nôn ói nhiều.
- Đôi khi người bệnh cũng bị ảnh hưởng đến chức năng tiểu tiện.
Theo các bác sĩ, áp xe ở ổ bụng có triệu chứng không đặc biệt và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Để có thể chẩn đoán bệnh chính xác, các bác sĩ sẽ cần chỉ định làm xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp CT hoặc chụp cộng hưởng từ…
Cần làm gì khi bị áp xe ổ bụng?
Áp xe ổ bụng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể khiến ổ áp xe bị vỡ và nhiễm trùng lan đến nhiều vị trí trong ổ bụng. Để việc điều trị bệnh thuận lợi và giảm nguy cơ biến chứng áp xe, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thăm khám, tìm ra nguyên nhân, đánh giá tình trạng áp xe để chỉ định phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Tìm hiểu thêm: Một số sai lầm thường gặp khi ăn chay mà bạn nên biết
Cách điều trị áp xe trong ổ bụng cụ thể như sau:
Dẫn lưu áp xe ổ bụng
Để điều trị áp xe, các bác sĩ cần dẫn lưu dịch mủ để làm thoát dịch mủ trong ổ áp xe. Biện pháp này chống chỉ định ở người bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu, người bị suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng, suy gan, suy thận. Quy trình dẫn lưu dịch mủ cụ thể như sau:
- Các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá trước khi dẫn lưu bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp CT. Những kỹ thuật này sẽ giúp xác định vị trí, giới hạn và tính chất của ổ áp xe. Từ đó, các bác sĩ xác định và đánh dấu được vị trí dự kiến tiếp cận ổ áp xe trong ổ bụng.
- Khi đã xác định được vị trí chọc kim, các bác sĩ tiến hành sát khuẩn rộng tại vị trí đó, tiến hành gây tê tại chỗ và rạch đường vào.
- Sau khi đã bộc lộ đường vào, các bác sĩ tiến hành tiếp cận áp xe ổ bụng. Kim dẫn được chọc qua vị trí đã rạch vào đến ổ áp xe. Sau đó, các bác sĩ bơm thuốc đối quang để xác định đầu kim đã ở trong ổ áp xe. Tiếp đến, bác sĩ hút dịch trong ổ áp xe để làm kháng sinh đồ rồi đưa dây dẫn vào ổ áp xe.
- Một ống nong sẽ được đưa vào ổ áp xe theo đường dây dẫn để nong rộng đường vào. Tiếp sau đó, ống dẫn lưu được đặt vào ổ áp xe theo dân dẫn; ống này được cố định bằng kim và chỉ phẫu thuật.
- Khi dịch mủ được dẫn lưu xong, nước muối sinh lý vô khuẩn sẽ được dùng để bơm rửa ổ áp xe đến khi thấy dịch trong là được.
Một số tai biến khi thực hiện dẫn lưu dịch mủ từ ổ áp xe trong bụng mà người bệnh có thể phải đối mặt như: Chảy máu nhiều, người bệnh bị choáng do đau hoặc do sốc thuốc, dịch áp xe bị chảy vào trong ổ bụng, bị rò tiêu hóa hoặc bị nhiễm khuẩn…
>>>>>Xem thêm: Tham khảo những phương pháp chữa đau đầu do xoang tại nhà hiệu quả
Điều trị bằng kháng sinh đồ
Khi chọn kim vào ổ áp xe trong bụng, trước khi dẫn lưu dịch mủ, các bác sĩ sẽ chọc hút dịch mủ để nuôi cấy, phân lập vi sinh vật để lập kháng sinh đồ. Từ đó, các bác sĩ xác định được đúng loại kháng sinh cần dùng. Đây là căn cứ quan trọng để thực hiện bước điều trị nhiễm khuẩn bằng các truyền kháng sinh qua tĩnh mạch.
Phẫu thuật chữa áp xe ổ bụng
Trong các trường hợp không thể tiếp cận để dẫn lưu dịch mủ, vỡ tạng, vỡ áp xe, người bệnh cần được điều trị áp xe ổ bụng bằng phẫu thuật. Sau khi gây mê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ rạch ổ bụng để định vị ổ áp xe, làm sạch vị trí bị tổn thương và làm sạch ổ bụng. Cùng với đó, các bác sĩ cũng đặt dẫn lưu tại vị trí ổ áp xe. Giai đoạn hậu phẫu, bệnh nhân được truyền dịch, điều trị bằng kháng sinh và giảm đau theo chỉ định.
Áp xe ổ bụng không được xử lý sớm có thể dẫn đến vỡ ổ áp xe làm dịch mủ tràn ra ổ bụng rất nguy hiểm. Vì vậy, ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở ổ bụng, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế thăm khám để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.