Sau cơn tai biến mạch máu não, các di chứng còn lại ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người bệnh. Trong đó, rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não là di chứng rất nặng nề. Vậy rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não có hồi phục được không? Và có ngăn ngừa tình trạng tai biến mạch máu não được không?
Bạn đang đọc: Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não
Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não bao gồm: Phát âm không rõ từ, nói lắp, nói ngọng,… Tình trạng này gây rất nhiều khó khăn về giao tiếp cũng như tâm lý của người bệnh.
Contents
Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não là gì?
Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não là tình trạng rối loạn chức năng ngôn ngữ, giảm khả năng biểu đạt ý nghĩ bằng lời nói. Tình trạng này xảy ra do tổn thương vùng trung tâm ngôn ngữ ở vỏ não và hạch nền hoặc chất trắng. Tổn thương này gây ra bởi chấn thương đầu, đột quỵ, viêm não hoặc do bệnh lý tiến triển như u não,… Trong đó rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não chiếm khoảng 40%.
Các dạng rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não
Người bệnh rối loạn ngôn ngữ sau tai biến thường có nhịp điệu, giọng nói bị thay đổi. Dựa vào vị trí tổn thương ở não mà người ta đã chia thành 4 thể như sau:
- Tổn thương vùng sinh ngôn ngữ (Rối loạn ngôn ngữ Broca): Đây là dạng thường gặp nhất, biểu hiện của dạng tổn thương này là người bệnh không nói được hoặc chỉ nói được 1 vài từ không rõ ràng. Người bệnh không biết diễn đạt bằng từ ngữ nào. Với mức độ nhẹ, người bệnh có thể nói được nhưng không lưu loát. Ở dạng tổn thương này, người bệnh có thể hiểu được những gì người khác nói, hiểu được ý mình cần nói nhưng không nói được hoặc nói không lưu loát.
- Tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ (Rối loạn ngôn ngữ Wernicke): Do tổn thương vùng hiểu nên người bệnh không hiểu hoặc hiểu rất ít câu nói người khác, cũng không hiểu mình đang nói gì. Người bệnh nói năng lưu loát nhưng câu nói vô nghĩa, lặp lại lời nói người khác kém.
- Tổn thương vùng dẫn truyền: Vùng dẫn truyền là đường dẫn truyền giữa vùng sinh ngôn ngữ và vùng hiểu ngôn ngữ. Người bệnh nói tốt và hiểu tốt, khả năng nhắc lại kém.
- Tổn thương toàn thể: Đây là dạng tổn thương toàn bộ vùng sinh ngôn ngữ, vùng hiểu ngôn ngữ và vùng dẫn truyền. Do đó người bệnh suy giảm toàn bộ khả năng nói, khả năng hiểu, khả năng nhắc lại.
Như vậy sự tổn thương ở não làm cho người bệnh khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời cũng như khả năng hiểu ý nghĩa lời nói. Như vậy người bệnh sẽ khó khăn trong giao tiếp dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Các bài tập phục hồi rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não
Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não có thể phục hồi được bằng các bài luyện tập được tổ chức bởi các bác sĩ chuyên ngành vật lý trị liệu. Tuy nhiên để thực hiện được các bài tập cần có sự hỗ trợ đồng hành tích cực của gia đình. Các bài luyện tập có thể bao gồm:
- Tập nói các từ đơn giản bắt đầu từ đếm số, chữ cái, ngày tháng.
- Tập gọi tên các đồ vật xung quanh: Bàn ghế, tivi, tủ lạnh,… cùng màu sắc của các đồ vật.
- Có thể khuyến khích người bệnh suy nghĩ tìm các từ đối nghĩa như: Nóng – lạnh, to – nhỏ, xa – gần,…
- Tập các bài tập gợi ý cho người bệnh gọi tên đồ vật, người quen: Có thể thử hỏi người bệnh những câu như ai là người khám bệnh – bác sĩ, cái gì dùng để uống nước – cái ly,…
- Tập người bệnh gọi tên đồ vật bằng cách liệt kê. Ví dụ gọi tên các loại trái cây như: Cam, xoài, quýt,… để người bệnh gọi được đó là trái cây.
- Cho người bệnh xem hình ảnh các thành viên gia đình hoặc người thân để định hướng trả lời các câu hỏi như: Đây là ai? Làm gì? Ở đâu?
- Tập cho người bệnh đọc các từ ngắn sau đó dài thành câu hoàn chỉnh. Tập luyện từ từ kiên trì để người bệnh dần phục hồi khả năng đọc nói.
- Nếu người bệnh thích hát, có thể khuyến khích cho người bệnh hát các bài hát yêu thích.
Bạn có thể áp dụng các bài tập trên để hồi phục cho người bệnh rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não tại nhà. Bạn nên bắt đầu thực hiện bài tập càng sớm càng tốt. Khi thực hiện các bài tập này bạn cũng nên tạo không khí thoải mái, vui vẻ, tránh gây áp lực lên người bệnh.
Sự kiên nhẫn trong trường hợp này là rất cần thiết. Mọi thứ cần bắt đầu từ đơn giản và thật chậm để người bệnh không bị mệt mỏi.
Tìm hiểu thêm: Vắc xin HPV có mấy loại? Nên tiêm loại vắc xin HPV nào?
Phòng ngừa tai biến mạch máu não
Tai biến mạch mạch máu não xảy ra khi có các yếu tố nguy cơ như: Lớn tuổi, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người bị tai biến mạch máu não, đang mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,… Rối loạn ngôn ngữ chỉ là một trong số các di chứng của tai biến mạch máu não, còn có các di chứng nặng nề hơn như: Đau tim, trầm cảm, mất khả năng vận động, động kinh,…
Để ngăn ngừa tai biến mạch máu não xảy ra thì các yếu tố cần kiểm soát:
- Kiểm soát tốt huyết áp: Nếu có mắc bệnh tăng huyết áp phải tuyệt đối tuân thủ dùng thuốc theo bác sĩ.
- Kiểm soát tốt đường huyết: Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát đường huyết, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường.
- Kiểm soát tốt chỉ số lipid máu: Thuốc điều trị là cần thiết cho người mắc bệnh rối loạn lipid. Kiểm tra các chỉ số LDL – C, HDL – C, Cholesterol theo định kỳ.
Ngoài ra nên xây dựng chế độ ăn uống phù hợp để ổn định huyết áp, đường huyết và lipid máu. Trong thực đơn nên hạn chế ăn muối, mỡ động vật, thịt đỏ, thức ăn có chỉ số GI cao, cũng như nên bổ sung chất xơ và vitamin từ rau củ quả. Đồng thời nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để kiểm soát tốt cân nặng.
>>>>>Xem thêm: Bị viêm dây thần kinh số 8 có nguy hiểm không?
Việc có hút thuốc lá, rượu bia khi mắc các bệnh mãn tính là các vấn đề rất đáng lo ngại. Những người có hút thuốc lá, nghiện rượu thì nguy cơ gặp tai biến mạch máu não cao hơn. Do đó nên bỏ hút thuốc lá và uống rượu bia nhé.
Như vậy qua bài viết trên bạn đã được cung cấp khá nhiều thông tin về rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não. Tuy có thể hồi phục được nhưng cần sự kiên nhẫn, cố gắng từ phía gia đình và cả người bệnh. Do đó thay vì để tình trạng xấu xảy ra rồi mới khắc phục hậu quả thì chúng ta có thể ngăn ngừa tai biến mạch não xảy ra. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh.