Thiếu máu là một vấn đề sức khỏe thường gặp. Không ít người có thắc mắc huyết sắc tố thấp là gì và liên quan như thế nào với thiếu máu? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Bạn đang đọc: Huyết sắc tố là gì? Các nguyên nhân gây tình trạng huyết sắc tố thấp
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, chính vì vậy các vấn đề liên quan đến sức khỏe ngày càng được quan tâm. Để có một sức khỏe tốt, mọi người cần phải bổ sung thêm nhiều kiến thức nhằm để phòng tránh, nhận biết sớm và điều trị dứt điểm những căn bệnh thường gặp. Thiếu máu được định nghĩa là tình trạng giảm về số lượng của hồng cầu hay giảm lượng huyết sắc tố trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho tế bào trong cơ thể. Trong bài viết này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về huyết sắc tố thấp, cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị tình trạng này nhé!
Contents
Huyết sắc tố là gì?
Trong máu của một người bình thường, hồng cầu chiếm khoảng 95% tổng tế bào máu. Bạch cầu và tiểu cầu sẽ chiếm 5% còn lại trong thể tích thành phần huyết cầu. Như vậy nhìn chung, số lượng hồng cầu nhiều hơn bạch cầu khoảng 700 lần và cao hơn tiểu cầu là 17 lần.
Hemoglobin hay còn gọi là huyết sắc tố (viết tắt là Hb hay Hgb) là một protein màu có trọng lượng phân tử là 68000, có khả năng chuyên chở chất khí. Hemoglobin gồm hai thành phần chính là globin và hem. Globin là protein không màu, cấu trúc thay đổi theo loài. Hem là một sắc tố đỏ giống nhau ở tất cả các loài. Hemoglobin có các chức năng sau:
- Hemoglobin vận chuyển oxy từ phổi đến các mô.
- Hemoglobin vận chuyển khí cacbondioxit (CO2).
- Hemoglobin có thể kết hợp với khí CO.
Ở người bình thường có hai loại hemoglobin là HbA (Adult) ở người trưởng thành và HbF ở bào thai.
Nồng độ hemoglobin bình thường trung bình từ 13-16g/100ml máu:
- Ở nam giới, hemoglobin trong khoảng 14,0-15,2 g/100ml.
- Ở nữ giới, hemoglobin trong khoảng 12,7-13,7 g/100ml máu.
Vậy trong định nghĩa thiếu máu, huyết sắc tố thấp được xác định khi nồng độ hemoglobin thấp hơn 13g/100ml máu ở nam và thấp hơn 12g/100ml máu ở nữ.
Các nguyên nhân thường gặp gây thiếu máu – huyết sắc tố thấp
Các nguyên nhân gây thiếu máu – huyết sắc tố thấp có thể được giải thích qua các nội dung sau đây:
Các yếu tố khiến huyết sắc tố thấp
Lượng huyết sắc tố thấp liên quan đến nhiều yếu tố như:
- Mất máu do thoát máu ra khỏi lòng mạch.
- Hồng cầu bị phá hủy trong lòng mạch do rối loạn các men có trong hồng cầu hoặc do rối loạn bẩm sinh màng hồng cầu, ví dụ như bệnh thiếu máu tán huyết.
- Rối loạn sản xuất hồng cầu: Rối loạn tế bào gốc, rối loạn yếu tố sinh hồng cầu Erythropoietin, rối loạn tổng hợp ADN hồng cầu hay rối loạn tổng hợp hemoglobin.
Phân loại thiếu máu dẫn đến huyết sắc tố thấp
Theo cơ chế sinh bệnh, chúng ta có thể phân loại thiếu máu dẫn đến huyết sắc tố thấp và có liên quan đến các yếu tố trên như sau:
Do mất máu ở ngoại vi
Chấn thương, bỏng, trĩ, xuất huyết dạ dày, nhiễm các loại giun như giun móc, u xơ tử cung, rối loạn kinh nguyệt…
Giảm sản xuất tại tủy
Mắc các căn bệnh như suy tủy bẩm sinh hay mắc phải (có thể do thuốc, hóa chất, tia xạ hay cũng có thể là do virus).
Rối loạn sản xuất hồng cầu
Quá trình sản xuất hồng cầu trải qua nhiều công đoạn, khi một giai đoạn trong chuỗi sản xuất bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo hồng cầu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng, đời sống của hồng cầu sau này:
- Rối loạn tổng hợp ADN hồng cầu: Do thiếu các nguyên liệu như vitamin B12, axit folic.
- Rối loạn tổng hợp hemoglobin: Do thiếu sắt hoặc bị rối loạn các quá trình vận chuyển cũng như dự trữ sắt trong cơ thể.
- Giảm sản xuất Erythropoietin: Suy thận, suy dinh dưỡng,…
Tán huyết nguyên nhân tại hồng cầu
Thiếu men G6DP, Pyruvate kinase, bất thường màng hồng cầu, rối loạn tổng hợp G6DP.
Tán huyết nguyên nhân ngoài hồng cầu
- Do miễn dịch: Truyền khác nhóm máu, tự miễn, bất đồng nhóm máu mẹ – con.
- Nhiễm ký sinh trùng như sốt rét, nhiễm độc, độc tố của nấm hay do rắn cắn.
- Cường lách.
Tìm hiểu thêm: Tổng quan viêm phổi do Phế cầu: Trẻ sau tiêm vắc xin ngừa Phế cầu có bị viêm phổi không?
Dấu hiệu cảnh báo thiếu máu – huyết sắc tố thấp
Khi thiếu máu cấp, đột ngột khiến cơ thể bạn chưa kịp thích nghi, các dấu hiệu thường thấy là:
- Choáng váng;
- U tai;
- Hoa mắt;
- Suy nhược, da xanh, niêm nhạt;
- Tay chân lạnh;
- Tim đập nhanh.
Khi tình trạng thiếu máu kéo dài, từ từ, lượng máu mất rỉ rả, cơ thể của bạn sẽ có thời gian điều chỉnh và thích nghi với các biểu hiện như:
- Nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, thiếu máu kéo dài có thể dẫn đến tâm thất trái của tim to, phì đại thất trái dần dần dẫn đến suy tim toàn bộ.
- Hô hấp: Hơi thở ngắn, nhanh, nông để bù trừ.
- Thần kinh: Kém tập trung, các dấu hiệu thiếu oxy não như chóng mặt, nhức đầu, lừ đừ, buồn ngủ.
Khi bạn có những dấu hiệu trên nên đến những cơ sở y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe một cách tổng quát, kỹ càng nhất để phát hiện tình trạng thiếu máu huyết sắc tố thấp, kịp thời khắc phục và điều trị những bệnh kèm theo.
>>>>>Xem thêm: Những phản ứng có thể gặp của trẻ sau khi tiêm vắc xin ngừa Phế cầu
Thiếu máu không phải là bệnh mà là một dấu hiệu, biểu hiện qua một quá trình bệnh lý nào đó hay cũng có thể do rất nhiều bệnh gây nên. Thiếu máu có rất nhiều triệu chứng ảnh hưởng lên các cơ quan trên cơ thể và cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta do đó cần phải trang bị nhiều kiến thức để nhận biết sớm, phòng ngừa và cách điều trị, khắc phục tình trạng trên. Qua bài viết, hy vọng các bạn hiểu rõ hơn về định nghĩa của huyết sắc tố thấp, các dấu hiệu nhận biết và một số nguyên nhân thường gặp gây nên tình trạng thiếu máu này.