Siêu âm bụng cho trẻ em là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh giúp đánh giá và phát hiện nguyên nhân của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Phương pháp này không xâm lấn, không gây đau lại nhanh chóng và dễ thực hiện nên hiện nay được ứng dụng phổ biến trong công tác thăm khám bệnh.
Bạn đang đọc: Siêu âm bụng cho trẻ em: Những điều cần biết
Siêu âm bụng nói chung, siêu âm bụng cho trẻ em nói riêng là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường của các cơ quan trong ổ bụng. Cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm không có tác hại nào gây ra cho trẻ khi tiến hành phương pháp siêu âm.
Contents
Tổng quan về siêu âm ổ bụng
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực sức khỏe hiện nay. Với phương pháp này, khi siêu âm bác sĩ sẽ dùng máy với các đầu dò thích hợp, bôi một lớp gel lên đầu dò trước khi thực hiện để giúp tăng sự tiếp xúc cũng như truyền sóng siêu âm giữa da cơ thể chúng ta và đầu dò (giữa da và đầu dò có các bóng khí có thể việc truyền sóng siêu âm từ đầu dò vào cơ thể bị ngăn chặn).
Khi bác sĩ thực hiện siêu âm, đầu dò được di chuyển qua mỗi cơ quan bộ phận và truyền sóng âm tần số cao vào cơ thể. Sau đó những sóng âm này dội lại và đầu dò sẽ thu lại những sóng đó về máy tính, đồng thời phân tích tái tạo lại hình ảnh những nơi sóng âm đi qua. Thời gian để thực hiện các công đoạn truyền và thu nhận lại sóng âm, xử lý tạo ra hình ảnh diễn ra vô cùng nhanh chóng, gần như tức thì, nên phương pháp siêu âm sẽ thu nhận được hình ảnh những cấu trúc, cơ quan với sự vận động thời gian thực, chẳng hạn như quai ruột nhu động, luồng trào ngược dạ dày – thực quản, máu chảy trong lòng mạch trên siêu âm màu,…
Siêu âm có kỹ thuật thực hiện đơn giản, bác sĩ chỉ cần đặt đầu dò tiếp xúc với da tại nơi muốn khảo sát cơ quan bên trong nên phương pháp này không xâm lấn cũng không gây đau. Ngoài ra, siêu âm cũng không sử dụng tia bức xạ (chụp X quang thì có) nên cha mẹ không lo ngại vấn đề bị nhiễm xạ khi siêu âm bụng cho trẻ em.
Siêu âm bụng cho trẻ em có thể phát hiện những vấn đề gì?
Như đã đề cập bên trên, phương pháp siêu âm được ứng dụng rất phổ biến trong thăm khám bệnh ở các bộ phận như gan, mật, dạ dày, ruột, tụy, lách, thận, bàng quang, tử cung và buồng trứng (trẻ nữ).
Cụ thể, siêu âm bụng cho trẻ em có thể giúp phát hiên những bệnh lý gì? Dưới đây là một số bệnh lý/tình trạng bệnh có thể thông qua phương pháp siêu âm phát hiện được:
Siêu âm bụng cho trẻ em xác định nguyên nhân gây đau bụng
Siêu âm bụng cho trẻ em có thể giúp xác định nguyên nhân phổ biến gây đau bụng cho trẻ, bao gồm tình trạng viêm/áp xe ruột thừa, lồng ruột, viêm ruột hay tình trạng quai ruột giãn có kèm tăng nhu động ngược chiều như trong tắc ruột, viêm túi mật,…
Siêu âm bụng cho trẻ em xác định nguyên nhân gây nôn
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thường xuyên bị nôn mửa, thông qua siêu âm bụng cho trẻ em có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này, chẳng hạn bị lồng ruột (có thể lồng hồi – hồi tràng, lồng hồi – manh tràng,…), hẹp môn vị phì đại bẩm sinh,…
Đánh giá kích thước các cơ quan
Tiến hành siêu âm bụng cho trẻ em có thể giúp các bác sĩ chuyên khoa đánh giá được kích thước các cơ quan trong cơ thể trẻ, như tình trạng gan to, lách to, xơ gan teo, teo thận do suy thận,… hay không.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm HPV bao nhiêu tiền? Quy trình như thế nào?
Đánh giá vị trí các cơ quan
Ngoài đánh giá kích thước, siêu âm bụng cho trẻ em còn giúp bác sĩ đánh giá vị trị các cơ quan, khảo sát xem trẻ có bị đảo ngược phủ tạng lách nằm bên phải, gan quay sang trái, hoặc tình trạng thận sa xuống hố chậu,… hay không.
Phát hiện dịch bất thường trong ổ bụng
Siêu âm bụng cho trẻ em giúp bác sĩ có thể đánh giá được có dịch xuất hiện trong ổ bụng hay không cũng như xác định vị trí của dịch bất thường trong ổ bụng.
Đánh giá hạch to ổ bụng
Thông qua phương pháp siêu âm, bác sĩ sẽ có thể đánh giá tình trạng hạch mạc treo ruột, hạch khoang sau phúc mạc.
Một số đánh giá và phát hiện khác
Phương pháp siêu âm khi kết hợp với Doppler sẽ đánh giá và phát hiện tốt hơn các bất thường, bao gồm:
- Phát hiện, đánh giá tình trạng hẹp, tắc mạch máu trong ổ bụng có thể do cục máu đông hoặc nguyên nhân khác.
- Phát hiện, đánh giá sự hiện diện của các khối u giàu mạch hay các dị dạng mạch máu bẩm sinh.
- Phát hiện, đánh giá tình trạng giảm/mất tưới máu kèm hình xoáy nước của bó mạch như trong xoắn buồng trứng ở trẻ nữ, trong xoắn tinh hoàn ở trẻ nam.
Thông qua những hình ảnh thời gian thực do phương pháp siêu âm cung cấp, bác sĩ chuyên khoa sẽ có căn cứ để chỉ định tiến hành dùng kim nhỏ chọc hút hay sinh thiết. Bên cạnh đó, siêu âm còn giúp bác sĩ đặt ống thông, thiết bị dẫn lưu khác cho độ chính xác và an toàn cao.
Siêu âm bụng cho trẻ em cần chuẩn bị gì?
Phương pháp siêu âm giúp đánh giá và phát hiện những vấn đề sức khỏe ở các bộ phận như gan, mật, dạ dày, ruột, tụy, lách, thận, bàng quang, tử cung và buồng trứng (trẻ nữ).
Hầu hết cha mẹ đều quan tâm có cần phải chuẩn bị gì khi đi siêu âm bụng cho trẻ em hay không? Theo bác sĩ chuyên khoa, những trường hợp cấp cứu chẳng hạn như trẻ bị đau bụng, nôn trớ,… thì cha mẹ nên cho trẻ đến bệnh viện khám ngay. Sau đó, nếu bác sĩ khám có chỉ định siêu âm bụng cho trẻ em ngay thì nhân viên y tế sẽ hướng dẫn, bạn chỉ cần thực hiện theo mà không cần phải chuẩn bị gì nhiều.
Còn với những trường hợp đặc biệt cần chuẩn bị khi siêu âm bụng cho trẻ em như:
- Nghi ngờ trẻ có tình trạng teo đường mật bẩm sinh, cha mẹ cần chuẩn bị vì bác sĩ sẽ siêu âm vào thời điểm trẻ đói (trẻ cần nhịn ăn/bú ít nhất 3 giờ), sau ăn/bú từ 15 – 90 phút.
- Đối với trẻ em gái, trong trường hợp nghi ngờ dậy thì sớm hoặc dị dạng, bác sĩ cần tiến hành siêu âm để đánh giá tử cung buồng trứng, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, đồng thời nhịn tiểu để làm đầy bàng quang giúp việc quan sát tử cung và buồng trứng phía sau được chính xác.
>>>>>Xem thêm: Hướng dẫn thai giáo tháng thứ 4 phát triển các giác quan của bé
Siêu âm bụng cho trẻ em có khiến trẻ khó chịu không?
Như đã nói bên trên, siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau. Quá trình tiến hành siêu âm khá đơn giản, nhanh chóng. Các máy siêu âm hầu hết đều có chức năng sưởi ấm gel, do đó khi đầu dò di chuyển trên da không gây cảm giác lạnh hoặc khiến trẻ bị giật mình, khó chịu.
Trên thực tế sẽ có những trường hợp trẻ sợ bác sĩ, hay thời điểm trẻ vừa lấy máu/tiêm truyền xong rất dễ hoảng sợ khi gặp bất cứ nhân viên y tế nào. Khi trẻ sợ/khóc sẽ gây khó khăn cho quá trình làm siêu âm. Lúc này, cha mẹ cần dỗ dành con, có thể cho trẻ các món đồ chơi yêu thích để trẻ có thể bình tĩnh và hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình siêu âm.
Tóm lại, siêu âm bụng cho trẻ em là biện pháp cần thiết để giúp đánh giá và phát hiện nhiều vấn đề sức khỏe tại các cơ quan vùng bụng. Phương pháp không xâm lấn này cho kết quả hình ảnh tức thì nên bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhanh chóng và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.