Nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực khuẩn ở người là trực khuẩn Shigella. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mất nước, mất cân bằng điện giải, viêm khớp, viêm da, suy thận, tăng ure máu,… thậm chí gây tử vong.
Bạn đang đọc: Shigella gây bệnh gì? Cách điều trị và phòng ngừa nhiễm bệnh
Khi bạn bị nhiễm trực khuẩn Shigella, bạn trở thành nguồn lây bệnh cho người tiếp xúc với bạn nếu không thực hiện các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt để ngăn bệnh lây lan cho người khác. Vậy trực khuẩn Shigella gây bệnh gì, có nguy hiểm không, cách điều trị và phòng ngừa nhiễm Shigella thế nào?
Contents
Trực khuẩn Shigella là gì?
Để tìm hiểu Shigella gây bệnh gì bạn cần biết rõ Shigella là gì. Shigella là trực khuẩn gram âm tính và là tác nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực khuẩn ở người. Shigella có 4 nhóm khác nhau là: Shigella dysenteriae, Shigella boydii, Shigella flexneri và Shigella sonnei.
Trực khuẩn Shigella có trong rau sống, nước ngọt, thức ăn từ 7 – 10 ngày với điều kiện nhiệt độ phòng. Nếu vi khuẩn Shigella ở quần áo nhiễm bẩn, trong đất thì có thể tồn tại tới 6 – 7 tuần. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt nhanh dưới ánh sáng mặt trời, trong nước sôi hoặc các thuốc khử trùng thông thường.
Người nhiễm bệnh thải trực khuẩn Shigella ra ngoài theo phân. Nguyên nhân nhiễm Shigella thường là do: Uống nước có chứa Shigella, chế biến thức ăn bằng nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm Shigella nhưng trẻ nhỏ dưới 3 tuổi dễ gặp tình trạng nhiễm trùng hơn.
Trực khuẩn Shigella gây bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Vậy Shigella gây bệnh gì? Trực khuẩn Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn và bệnh viêm dạ dày ruột. Viêm dạ dày ruột là tình trạng nhiễm trùng đường ruột, khởi phát từ một rối loạn nhẹ trong dạ dày trong 1 – 2 ngày với các triệu chứng như tiêu chảy nhẹ hoặc nặng, nôn trong vài ngày. Nếu tiêu chảy kèm chất nhầy và máu là bệnh lỵ trực khuẩn với đặc điểm cụ thể như sau:
Viêm dạ dày ruột
Nhiễm khuẩn Shigella gây viêm dạ dày ruột là tình trạng viêm niêm mạc đường tiêu hóa với triệu chứng điển hình gồm: Đau bụng, tiêu chảy, nôn, ớn lạnh, sốt và đau người.
Bệnh gây tình trạng mất nước. Dấu hiệu mất nước ở trẻ em: Tiểu ít, khát nước nhiều, quấy khóc hơn bình thường, khóc không ra nước mắt, môi khô, mắt trũng, thóp lõm, da nhăn nheo, tay chân lạnh và nhợt nhạt, ngủ nhiều. Dấu hiệu mất nước ở người lớn: Mệt mỏi, tiểu ít, miệng lưỡi khô, choáng váng, chóng mặt, đau cơ, đau đầu, mắt trũng, suy nhược, dễ kích thích. Người lớn mất nước nặng sẽ tiểu rất ít, suy nhược, lẫn, tim đập nhanh, hôn mê.
Bệnh lỵ trực khuẩn
Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Ở Việt Nam, trực khuẩn Shigella gây bệnh lỵ thường gặp nhất là Shigella sonnei và Shigella flexneri, lây truyền qua đường tiêu hóa và dễ bùng dịch.
Bệnh gồm 2 hội chứng chính là hội chứng lỵ và nhiễm khuẩn.
Biến chứng sau khi bị nhiễm Shigella
Bệnh sẽ gây biến chứng sau nếu không điều trị kịp thời:
- Cơ thể bị mất cân bằng điện giải, mất nước;
- Biến chứng phản ứng với nhiễm Shigella trong đường ruột;
- Hội chứng tan máu-ure huyết;
- Không dung nạp Lactose;
- Lỵ nặng gây biến chứng tại ruột;
- Bội nhiễm;
- Co giật, trụy tim mạch, nhiễm độc thần kinh, viêm tắc động tĩnh mạch;
- Giảm hiệu quả của một số loại thuốc như thuốc động kinh, đái tháo đường và các biện pháp tránh thai;
- Để lại di chứng: Viêm đại tràng mạn tính hậu lỵ trực khuẩn.
Điều trị nhiễm khuẩn Shigella thế nào?
Điều trị nhiễm Shigella ở trẻ em
Sử dụng thuốc kháng sinh
Để điều trị viêm dạ dày ruột, giảm nguy cơ lây nhiễm và hồi phục nhanh sau khi nhiễm khuẩn Shigella, bệnh nhận dùng loại kháng sinh iprofloxacin hoặc sử dụng loại thuốc kháng sinh khác cho từng trường hợp cụ thể.
Bù dịch để tránh mất nước
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước hoặc sữa hoặc thức ăn dặm, tránh các loại nước ép trái cây và đồ uống có gas vì làm triệu chứng tiêu chảy nặng hơn. Ngoài ra, trẻ sử dụng dung dịch điện giải theo chỉ định của bác sĩ.
Khi cần nhập viện điều trị mất nước, trẻ được chỉ định các biện pháp bù dịch như truyền dịch tĩnh mạch hay dùng ống thông mũi – dạ dày.
Tìm hiểu thêm: Hội chứng Piriformis: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Sử dụng một số loại thuốc khác
Bác sĩ có thể cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau bụng. Không nên dùng thuốc ngừng tiêu chảy cho trẻ dưới 12 tuổi vì gây biến chứng nghiêm trọng. Không dùng Probiotics cho trẻ đang bị viêm dạ dày ruột hoặc trẻ đang bị ngộ độc thức ăn.
Điều trị nhiễm Shigella ở người lớn
Dùng thuốc kháng sinh
Để điều trị nhiễm Shigella, người lớn thường được chỉ định dùng thuốc kháng sinh ciprofloxacin hoặc sử dụng một loại thuốc khác tùy từng bệnh nhân cụ thể.
Uống nhiều nước
Thông thường, bệnh nhân nên uống tối thiểu 200ml sau mỗi lần tiêu chảy để ngăn ngừa nguy cơ mất nước hoặc để điều trị mất nước. Bệnh nhân bị nôn mửa nên chờ 5 – 10 phút rồi tiếp tục uống nước từ từ. Có thể uống nước tinh khiết, nước trái cây và súp, không nên dùng đồ uống có nhiều đường vì làm tiêu chảy nặng hơn. Người ốm yếu, trên 60 tuổi hoặc có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mới dùng dung dịch điện giải.
Sử dụng các loại thuốc khác
Để giảm sốt, giảm đau đầu và đau quặn bụng, có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen. Không nên dùng thuốc trị tiêu chảy cho bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Shigella hoặc đang bị tiêu chảy ra máu và phân nhầy.
Phòng ngừa lây nhiễm trực khuẩn Shigella
Cách phòng ngừa nhiễm Shigella như sau:
- Sau khi đi vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng, lau khô tay đúng cách. Cần rửa tay cẩn thận sau khi thay tã cho trẻ và rửa tay trước chế biến thức ăn hay khi ăn. Cần đeo găng tay khi làm vệ sinh bô cho trẻ, đổ chất thải vào nhà vệ sinh, rửa bô bằng xà phòng và nước nóng rồi phơi khô;
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm Shigella;
- Người bị nhiễm Shigella không nên nấu ăn;
- Người bệnh giặt riêng quần áo, chăn mền;
- Mỗi ngày nên lau chùi nhà vệ sinh bằng nước nóng và chất tẩy rửa;
- Ăn chín, uống sôi;
- Người bị nhiễm khuẩn Shigella tránh tiếp xúc với người khác cho đến khi được 48 giờ sau lần cuối cùng tiêu chảy hoặc nôn ói;
- Người bị nhiễm khuẩn Shigella nếu làm việc liên quan tới chế biến thực phẩm cần nghỉ làm để tránh lây lan và đi làm lại khi đã hết bệnh;
- Người bị nhiễm Shigella đã tiếp xúc với trẻ em, người già hoặc người đang bị suy nhược nên thông báo để họ chủ động theo dõi sức khỏe vì những đối tượng này rất dễ nhiễm bệnh;
- Khi đi du lịch ở vùng có điều kiện vệ sinh kém, nên tránh uống nước máy, ăn kem, uống nước có đá viên, ăn động vật có vỏ, trứng, salad, ăn thịt chưa nấu chín, trái cây đã được bóc vỏ,… để tránh nhiễm khuẩn Shigella thông qua việc uống nước hoặc ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
>>>>>Xem thêm: Dị ứng táo và những thông tin quan trọng cần biết
Như vậy, bài viết trên đã trả lời cho thắc mắc “Shigella gây bệnh gì?”. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo viêm dạ dày ruột hoặc bệnh lỵ do trực khuẩn Shigella, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị tích cực, hiệu quả.