Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc phổ biến ở trẻ em, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị kịp thời bệnh sẽ không gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khoẻ trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc trẻ bệnh bạch hầu. Nếu đâu là thông tin bạn đang quan tâm đến, đừng bỏ lỡ nội dung dưới đây.
Bạn đang đọc: Những điều cha mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ bệnh bạch hầu
Người mắc bệnh bạch hầu sẽ có những triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm lạnh thông thường, dẫn đến việc phát hiện chậm trễ, xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Các bậc phụ huynh cần bổ sung những kiến thức cần thiết về bệnh bạch hầu để bảo vệ sức khoẻ con em mình. Đồng thời nắm được cách chăm sóc trẻ bệnh bạch hầu cũng sẽ góp phần trong việc hồi phục hoàn toàn sức khỏe của trẻ.
Contents
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong.
Con người là nguồn mang bệnh duy nhất, bao gồm cả người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Con đường lây bệnh chính đó là sự tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn hoặc dịch tiết hô hấp của người nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra vi khuẩn bạch hầu cũng có khả năng sống độc lập ở bên ngoài môi trường từ vài ngày đến vài tuần. Khi tiếp xúc hoặc sử dụng các đồ vật có chứa vi khuẩn thì người đó cũng sẽ bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Bởi đặc điểm dễ lây lan nên bệnh bạch hầu có thể phát triển thành dịch bệnh.
Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong giai đoạn mùa lạnh, đặc biệt ở vùng khí hậu ôn đới. Đối tượng có nguy cơ dễ mắc nhất là trẻ dưới 15 tuổi nếu như không đủ miễn dịch. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi sẽ có miễn dịch chủ động từ mẹ truyền sang con. Tuy nhiên sau 6 tháng miễn dịch sẽ mất đi nên bé cần được tiêm chủng đủ mũi, đúng thời gian để hình thành miễn dịch suốt đời cho cơ thể.
Triệu chứng khi trẻ mắc bệnh bạch hầu
Người bệnh bạch hầu có những triệu chứng cơ bản của nhiễm khuẩn như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, khàn tiếng. Sau 2 – 3 ngày, người mắc bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu đó là giả mạc có màu xám trắng ở hai bên thành họng. Lớp giả mạc dai, dính chắc, dễ bị chảy máu nếu bị bóc tách ra. Tùy vào vị trí gây bệnh mà người bệnh có thể sẽ xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như:
- Bạch hầu mũi: Triệu chứng tương tự cảm cúm, thường gặp ở trẻ nhỏ với một số triệu chứng như chảy nước mũi, viêm đỏ vùng da cánh mũi, bờ môi trên, có giả mạc ở vách mũi (rất khó quan sát thấy), và triệu chứng toàn thân nhẹ.
- Bạch hầu họng (bạch hầu amidan): Đây là thể bệnh thường gặp nhất. Trẻ sẽ quấy khóc, kén ăn, bỏ bú, buồn nôn, ói mửa, nuốt đau, mạch chậm, da xanh xao. Lớp giả màng màu xám trắng thường nằm trên bề mặt amidan, sau đó sẽ lan ra xung quanh vòm họng, hầu, mũi và thanh quản. Ngoài ra, hai bên cổ của bé có thể sẽ bị sưng phù, hạch quanh cổ sưng nhẹ và đau, hơi thở có mùi hôi.
- Bạch hầu thanh quản: Thường là bệnh thứ phát sau bệnh bạch hầu họng, bé sẽ có triệu chứng ho khan, nói giọng khàn, thậm chí có thể nặng dần tới mức mất tiếng, khó thở tăng dần, thở rít, lõm ngực. Đến lúc giả mạc lan xuống khí quản sẽ gây tắc nghẽn đường thở, bé sẽ vật vã, đổ mồ hôi, tím tái. Trong trường hợp không mở khí quản kịp thời, bé sẽ tử vong nhanh chóng do ngạt thở.
Tìm hiểu thêm: Giải đáp y khoa: Sinh thiết phát hiện những loại ung thư nào?
Biến chứng của bệnh bạch hầu
Trong trường hợp không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nghiêm trọng dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:
- Tắc nghẽn đường thở: Độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra có thể gây hoại tử mô, tạo thành giả mạc bao phủ vùng nhiễm khuẩn thường là mũi, hầu, họng, thanh quản khiến cho đường thở bị tắc nghẽn, lâu dần có thể gây nên tình trạng suy hô hấp và nhanh chóng tử vong.
- Tổn thương cơ tim: Độc tố và vi khuẩn bạch hầu có thể theo máu và đi đến tim, làm ảnh hưởng đến cấu trúc của tim gây ra các biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim. Biến chứng trên tim có thể xảy ra tại giai đoạn phát bệnh hoặc vài tuần sau khi bệnh đã khỏi hoàn toàn.
- Liệt cơ hoành: Cơ hoành có thể sẽ bị liệt một cách đột ngột, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng suy hô hấp ở bệnh nhân.
- Tử vong: Bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Tỷ lệ tử vong khá cao khoảng 5 – 10% và tăng cao khoảng 20% trong trường hợp người mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.
Cách chăm sóc trẻ bệnh bạch hầu
Bất kỳ đứa trẻ nào khi bị bệnh đều cảm thấy rất mệt mỏi, hay quấy khóc. Bố mẹ hãy kiên nhẫn chăm sóc bé, cho bé nghỉ ngơi thật nhiều, hạn chế gió lùa vào người. Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng, bé nên ăn đồ ăn lỏng, nóng, chia thành nhiều bữa nhỏ để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé và đừng quên cho bé uống nhiều nước. Ngoài ra cũng cần cách ly bé và người chăm sóc bé ít nhất 2 – 3 tuần để tránh lây lan nguồn bệnh ra bên ngoài.
Chú ý vệ sinh răng miệng, mắt, mũi, tai, tắm rửa nhẹ nhàng, thay quần áo hàng ngày, xoay trở người cho bé để hạn chế loét. Giữ môi trường sống của bé sạch sẽ, thoáng mát. Các đồ dùng, vật dụng của bé nên được vệ sinh, sát trùng đầy đủ để không lây nhiễm cho những người xung quanh.
Nếu bé bị sốt quá cao, bố mẹ có thể dùng thuốc để hạ sốt cho trẻ với liều lượng thích hợp theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Người nhà cần theo dõi sát tình trạng của bé nếu bé bị sốt cao đặc biệt là có dấu hiệu phát ban, sốt cao li bì có thể là dấu hiệu của bội nhiễm. Nếu bé có triệu chứng khó thở, nôn ói, khó khăn trong việc ăn uống, tiêu chảy, bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Quan sát kỹ bé từ màu da đến nhịp thở, kiểu thở, tiếng thở để xác định bé có đang bị chèn ép thanh quản không, có bị suy hô hấp không. Bởi khi bé bị khó thở, da tím tái, suy hô hấp thì nguy cơ tử vong rất cao nếu không được thông khí và cho thở oxy kịp thời.
Tóm lại, trong trường hợp phát hiện trẻ bị bệnh bạch hầu, bố mẹ nên chú ý từng biểu hiện của con mình, đảm bảo chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tốt nhất nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị và cách ly kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Trẻ chích ngừa bị áp xe có sao không?
Khi chăm sóc trẻ bệnh bạch hầu, cần chú ý vệ sinh sạch sẽ cơ thể và môi trường sống của bé
Cách phòng tránh bệnh bạch hầu ở trẻ
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Vaccine bạch hầu được sản xuất dưới dạng phối hợp với nhiều loại vaccine khác như vaccine 3 trong 1, vaccine 5 trong 1, vaccine 6 trong 1,… Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ dưới 1 tuổi nên tiêm phối hợp vắc xin 5 trong 1 DPT-VGB-Hib. Tiêm nhắc lại mũi DPT4 cho trẻ từ 18 – 24 tháng tuổi, cũng có thể tiêm cho trẻ dưới 48 tháng tuổi. Với trẻ trên 7 tuổi và người lớn nên tiêm phòng nhắc lại cách mỗi 10 năm để tạo miễn dịch suốt đời.
Sau khi khỏi các triệu chứng trên lâm sàng, bé vẫn có thể mang vi khuẩn trong người một khoảng thời gian từ vài ngày cho đến 2 tuần hoặc 1 tháng. Vì vậy trong giai đoạn này, hãy đảm bảo bé vẫn được cách ly.
Bé nên duy trì các thói quen vệ sinh tốt như rửa tay thường xuyên, tránh dùng chung vật dụng cá nhân, tập cho bé thói quen không đưa tay sờ lên mắt, mũi, miệng để hạn chế sự lây lan của vi khuẩn. Bên cạnh đó, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các nguồn lây bệnh và đồng thời cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh để bảo đảm sức khỏe của trẻ.
Bài viết vừa rồi đã cung cấp cho các bậc phụ huynh một số thông tin về bệnh bạch hầu cũng như cách chăm sóc trẻ bệnh bạch hầu. Bố mẹ cần lưu ý đến mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan của bệnh. Hãy chú ý quan sát và chăm sóc con mình thật kỹ để phát hiện những bất thường để kịp thời điều trị. Ngoài ra hãy nhớ tiêm phòng đầy đủ cho các bé để tạo sức đề kháng vững chắc, đảm bảo sự phát triển toàn diện của con mình.