Gai cột sống chèn dây thần kinh là một biến chứng thường gặp ở người bệnh gai cột sống, nếu không được chẩn đoán, phát hiện và điều trị sớm, có thể sẽ dẫn đến những biến chứng khá nguy hiểm, làm tình trạng bệnh trầm trọng thêm. Vậy khi gặp phải trường hợp này thì nên làm gì để giải quyết, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Nhận biết dấu hiệu và điều trị bệnh gai cột sống chèn dây thần kinh
Bạn nên lắng nghe cơ thể, nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của bệnh gai cột sống. Dùng thuốc giảm đau kết hợp với thay đổi lối sống, giúp ngăn ngừa biến chứng gai cột sống chèn dây thần kinh.
Contents
Tìm hiểu về biến chứng gai cột sống chèn dây thần kinh
Gai cột sống hay gai đốt sống (Osteophyte) là bệnh xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của con người. Khi cơ thể già đi, xuất hiện sự mất nước và hao mòn ở vị trí đĩa đệm, dây chằng cố định xương và cơ cũng trở nên lỏng lẻo. Với những nỗ lực nhằm làm chậm quá trình lão hoá tự nhiên, cơ thể đã tạo ra các mấu xương (hay gai xương), là các phần xương mọc thêm, hướng về phía ngoài và hai bên của cột sống, nhằm duy trì sự ổn định và giảm áp lực lên cột sống, lâu dần sẽ sinh ra bệnh gai cột sống.
Thông tin từ các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, gai cột sống chèn dây thần kinh là một trong những biến chứng của bệnh thoái hóa cột sống. Khi đó, các dây thần kinh gần cột sống lưng bị các gai cột sống và các mô bao xung quanh như sụn, dây chằng, mô xương, đĩa đệm cột sống dưới chèn ép, tạo ra những cơn đau thường xuyên. Các cơn đau này vô cùng khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ngoài ra, các nghiên cứu y khoa cũng phát hiện ra một số nguyên nhân khác, góp phần ảnh hưởng và gây nên tình trạng gai cột sống chèn dây thần kinh, bao gồm:
- Các khớp xương ở khu vực cột sống lưng có tồn tại sẵn các tổn thương hoặc chấn thương, tai nạn trong lúc tập luyện thể thao, quá trình làm việc,…
- Vị trí các đĩa đệm ở đốt sống lưng bị lệch hay còn gọi là thoát vị đĩa đệm.
- Phương pháp điều trị gai đốt sống lưng chưa mang lại hiệu quả, hoặc bệnh nhân không tuân thủ chặt chẽ điều trị.
- Những người cơ địa thừa cân béo phì, có lối làm việc văn phòng phải ngồi nhiều, hoặc các đối tượng ít vận động.
Biểu hiện của biến chứng gai cột sống chèn dây thần kinh
Tùy theo vị trí khác nhau của bệnh gai cột sống, mà các biểu hiện chèn ép dây thần kinh cũng không giống nhau. Người bệnh thường than phiền đau nhiều ở vùng ngực, cổ hoặc lưng.
Bệnh gai cột sống chèn dây thần kinh có thể xuất hiện ở những người ít vận động và kể cả những người thường xuyên lao động nặng nhọc. Một số biểu hiện bệnh thường là:
- Người bệnh xuất hiện cảm giác đau và khó chịu thường xuyên ở thắt lưng, có thể kèm theo rối loạn chức năng sinh dục và chức năng tiểu tiện.
- Các cơn đau thường bắt đầu từ vùng lưng sau đó lan xuống mông, đùi và chân.
- Nếu kèm theo tình trạng thoát vị đĩa đệm thì có thể gây nên cảm giác tê chân, mất cảm giác, yếu cơ hoặc thậm chí là chân bị tê liệt.
- Người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, thường xuyên cảm giác khó chịu, mệt mỏi. Thêm nữa là có thể rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt là khi thời tiết có sự giao mùa.
Tìm hiểu thêm: Nút mạch u xơ tử cung là gì? Ưu điểm của phương pháp điều trị này ra sao?
Điều trị gai cột sống chèn dây thần kinh
Điều trị nội khoa
- Paracetamol: Là thuốc giảm đau được ưu tiên hàng đầu, nhờ cơ chế giảm đau hiệu quả, an toàn cho nhiều đối tượng và ít gặp tác dụng phụ. Có thể sử dụng viên phối hợp giữa paracetamol và các chất giảm đau nhóm opioid khác để tăng hiệu quả.
- Tramadol: Là lựa chọn thay thế khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng thuốc paracetamol. Thuốc giảm đau rất tốt nhưng có thể gây nghiện, nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn.
- Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid – NSAIDs: Nhóm thuốc này vừa làm giảm tình trạng viêm ở vị trí thương tổn, vừa cho tác dụng giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, nhóm thuốc có thể có tác dụng phụ ở đường tiêu hoá, hệ tim mạch và chức năng thận. Do đó, cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của nhân viên y tế, đặc biệt lưu ý trên các đối tượng cao tuổi và người có bệnh nền.
>>>>>Xem thêm: Chụp X quang đại tràng giúp chẩn đoán bệnh gì? Chi phí bao nhiêu?
Phục hồi chức năng
Khi bị gai cột sống chèn dây thần kinh, có một số lời khuyên thay đổi lối sống bạn có thể áp dụng ngay tại nhà như:
- Nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn: Nguyên nhân khởi phát cơn đau là do người bệnh vận động quá nhiều. Chính vì thế, việc nghỉ ngơi và thực hiện vận động nhẹ nhàng giúp giảm tần suất và mức độ cơn đau.
- Chườm nóng hoặc lạnh kết hợp với massage: Những cách giảm đau tại nhà này rất đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả lớn, giúp cho xương khớp của bạn được thả lỏng và thư giãn.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bị gai cột sống: Bạn nên xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng với thực phẩm giàu canxi và vitamin D tốt cho sức khỏe xương khớp. Ngoài ra còn cần tránh các loại đồ uống có gas, thức ăn nhanh chế biến sẵn.
- Vận động nhẹ nhàng: Vận động quá mạnh khiến gai cột sống chèn dây thần kinh đau đớn hơn. Việc vận động nhẹ nhàng giúp tăng sự dẻo dai, sức bền và độ khỏe khoắn cho cơ thể.
Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp gai cột sống chèn dây thần kinh quá nặng, gây đau đớn nặng nề và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, thì chỉ định phẫu thuật là cần thiết. Điều trị phẫu thuật nhằm điều chỉnh tình trạng chèn ép, tránh các tổn thương không hồi phục vào hệ thần kinh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phòng ngừa chèn ép tái diễn bằng thuốc và phục hồi chức năng.
Bài viết đã cung cấp thông tin cho bạn về biến chứng gai cột sống chèn dây thần kinh. Không gì có thể chống lại sự lão hóa theo thời gian của cơ thể, gai đốt sống là quá trình thoái hóa tự nhiên, do vậy không thể đảo ngược bằng điều trị. Điều trị duy trì bệnh gai đốt sống chủ yếu dựa vào việc dùng thuốc giảm đau, phục hồi chức năng hoặc phẫu thuật là phương án cuối cùng có thể được cân nhắc.