Ngứa đỏ hai bên cánh mũi là là hiện tượng vùng da xung quanh mũi bị ửng đỏ hoặc sậm màu gây cảm giác ngứa ngáy, nghiêm trọng hơn, nó có thể gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt của chúng ta. Điều này làm dấy lên những lo ngại về mức độ nguy hiểm của vấn đề này. Vậy đây có phải là bệnh không? Làm sao để trị khỏi? Hãy tham khảo qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân xuất hiện tình trạng ngứa đỏ hai bên cánh mũi
Thỉnh thoảng chúng ta sẽ bị ngứa đỏ hai bên cánh mũi một cách bất chợt, nhưng hầu hết mọi người chỉ bị đỏ và ngứa trong khoảng từ vài tiếng đến vài ngày. Dù vậy, đừng vội chủ quan. Bởi nếu chỉ bị nhẹ, tình trạng này sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu khi nó có thể gây ngứa liên tục. Còn nếu bị nặng, nó có thể làm ảnh hưởng đến khuôn mặt và nhan sắc của bản thân, khiến bạn cảm thấy tự ti trong đám đông, hậu quả là dẫn đến mất cân bằng trong cuộc sống.
Contents
Nguyên nhân bị ngứa đỏ hai bên cánh mũi
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng ngứa đỏ hai bên cánh mũi:
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc có hai loại:
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Da bị đỏ và nổi mẩn đỏ, nhưng các vết đỏ không lan nhiều và không gây sốt. Kích ứng ở mũi có thể xảy ra do rửa nước nóng hoặc xà phòng quá thường xuyên, trang điểm, lau mũi bằng giấy thơm,…
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Nguyên nhân dẫn đến dị ứng bao gồm một vài loại hóa chất có trong nước hoa và chất bảo quản Thimerosal trong nhiều loại kem kháng sinh. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra trong từ một đến hai ngày kể từ lúc bắt đầu tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Cháy nắng
Đừng xem thường, bạn biết mình bị cháy nắng khi vùng da quanh mũi đỏ tấy lên và khi ấn vào thì chuyển về lại màu da. Tình trạng cháy nắng nghiêm trọng có thể khiến da bị phồng rộp và gây cảm giác đau. Bạn có thể bị cháy nắng nếu bạn không che chắn kỹ càng cho khuôn mặt, không dùng kem chống nắng hoặc dùng loại kem có độ bảo vệ thấp.
Lupus
Lupus ban đỏ, cụ thể là Lupus ban đỏ hệ thống là loại bệnh tự miễn thường xảy ra ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ tuổi. Một trong số những triệu chứng của loại bệnh này là tình trạng phát ban hình cánh bướm bao quanh mũi và hai má nên nó còn được gọi là phát ban bướm.
Da thiếu nước
Nước chiếm đến 70% cơ thể con người, vì vậy nếu không bổ sung đủ nước cho cơ thể thì có thể dẫn đến mất cân bằng độ ẩm, hậu quả là khiến làn da trở nên khô ráp, các nếp nhăn xuất hiện sớm và nhanh bị lão hóa. Đặc biệt, xung quanh mũi là vùng da nhạy cảm, nó rất dễ bị kích ứng khi làn da bị khô vì thiếu nước, chỉ cần kích thích bằng cách lau mũi bằng khăn vài lần là đã có thể gây ngứa, đỏ trên vùng xung quanh cánh mũi.
Sốc phản vệ
Sốc phản vệ cũng là một kiểu phản ứng của dị ứng nhưng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Dù số lần, số người bị sốc phản vệ không quá nhiều, nhưng nó hoàn toàn có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bạn. Chỉ ít phút kể từ khi bắt đầu tiếp xúc với chất gây dị ứng, nếu làn da nổi các vết đỏ, vết phát ban lan nhanh, rộng, thì khả năng cao bạn đang rơi vào tình trạng sốc phản vệ. Nếu thấy các vết phát ban lan rộng xung quanh vùng mũi, hãy kiểm tra cẩn thận và kỹ càng, bởi đây là trường hợp cần cấp cứu y tế.
Thời tiết khô hanh
Nên biết Rằng vùng da chữ T trên mặt vô cùng mỏng manh, nhạy cảm và tiết nhiều dầu hơn những vùng da khác trên cơ thể. Vậy nên trong tiết trời khô và lạnh, vùng da quanh mũi rất dễ bị mất nước dẫn đến hiện tượng ngứa đỏ hai bên cánh mũi, gây đỏ da, ngứa liên tục và bong tróc da cực kỳ khó chịu.
Viêm da dầu
Viêm da dầu hay còn được gọi là viêm da tiết bã, là một loại bệnh ngoài da khá phổ biến. Một số đặc trưng của loại bệnh này là bong da, ngứa đỏ, tiết nhiều dầu (bã nhờn). Tình trạng viêm da dầu thường xảy ra ở các nơi như: Da đầu, trán, lông mày, hai bên cánh mũi, ngực. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em và thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa hè và mùa đông, khi thời tiết trở nên khô hanh.
Rosacea (bệnh trứng cá đỏ)
Bệnh trứng cá đỏ là một tình trạng viêm da có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng nó thường có xuất phát điểm ở vùng mũi (vùng chữ T). Triệu chứng của loại bệnh này là da đỏ tấy, giãn mao mạch trên da, các vết ban đỏ, sẩn và mụn mủ vô khuẩn (mụn trứng cá) phát triển mạnh. Những triệu chứng này được miêu tả là khiến da mặt đỏ, nóng, ngứa, đi kèm theo đó là cảm giác phù nề và châm chích rất khó chịu.
Rosacea không phải là loại bệnh nguy hiểm, nhưng rất đáng để dè chửng bởi nó có thể gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là ở mũi, còn được gọi là bệnh mũi sư tử do trứng cá đỏ gây ra. Bệnh Rosacea khó để điều trị dứt điểm và sẽ bị bùng phát bởi các tác nhân như ánh nắng, stress, thời tiết thất thường, thức ăn nhiều gia vị, gió, mồ hôi, mỹ phẩm, bia rượu,…
Tìm hiểu thêm: Ăn gì để tâm trạng tốt hơn? Top 6 loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng cho bạn
Bệnh chàm
Bệnh chàm là tình trạng viêm da mãn tính. Nó tạo thành hiện tượng kích ứng và xuất hiện các mảng da khô, đôi khi nghiêm trọng quá mức khiến các mảng da bị nứt và chảy máu. Da bị khô, mất nước là một trong những tác nhân chủ yếu có thể kích phát bệnh chàm một cách trầm trọng, mà trong đó, đỏ, ngứa mũi, bong tróc da là một vài dấu hiệu dễ dàng nhận biết loại bệnh này.
Ngứa đỏ hai bên cánh mũi có nguy hiểm không?
Dựa vào tất cả những nguyên nhân gây ngứa đỏ hai bên cánh mũi, tình trạng này có thể là dấu hiệu của việc bạn đang mắc một loại bệnh lý da liễu nào đó, nhưng, đa phần các trường hợp, ngoại trừ sốc phản vệ, thì còn lại đều không quá gây nguy hiểm.
Cách điều trị
Một số biện pháp khắc phục tại nhà bạn có thể tham khảo:
- Tẩy trang và vệ sinh cho da hằng ngày, dùng kem dưỡng ẩm hoặc nha đam, để làm dịu da, giữ ẩm.
- Tẩy tế bào chết định kỳ.
- Thoa kem chống nắng mỗi khi ra đường để tránh các trường hợp cháy nắng.
- Uống từ 2 đến 2.5 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cân bằng độ ẩm và tăng cường lớp bảo vệ da.
- Massage cho da mặt bằng dầu dừa trong khoảng từ hai đến ba phút rồi rửa lại với nước ấm để giúp làm mềm và dịu da, chống lão hóa, giảm ngứa.
- Thay đổi hoặc ngưng dùng các loại mỹ phẩm, dưỡng da mà bạn nghi ngờ nó có chứa chất gây kích ứng hoặc dị ứng cho da của ban.
- Đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và bổ sung các loại thực phẩm có chứa vitamin và khoáng chất cần thiết cho da, giúp tăng cường kháng thể, hỗ trợ trong quá trình hồi phục và cải thiện làn da.
- Sử dụng thuốc cảm hoặc thuốc dị ứng, một vài loại thuốc uống hoặc bôi để có thể giảm ngứa, giảm nhu cầu gãi, lau, hắt hơi, phòng ngừa tình trạng nặng thêm.
>>>>>Xem thêm: Phẫu thuật thắt động mạch tử cung trong sản khoa
Lưu ý: Các biện pháp trên chỉ mang tính chất khắc phục, không thể giúp chữa khỏi các trường hợp bệnh nghiêm trọng và cũng không có tác dụng với tất cả nguyên nhân gây ngứa đỏ ở mũi. Hãy ghi chép lại tất cả những triệu chứng về tình trạng ngứa đỏ hai bên cánh mũi mà bạn đang gặp phải, sau đó đến bệnh viện gặp bác sĩ da liễu để biết rõ hơn về vấn đề mình mắc phải và được điều trị theo hướng tốt nhất, tránh tình trạng chủ quan, dùng thuốc vô tội vạ khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Ngứa đỏ hai bên cánh mũi tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài, đặc biệt là đối với phụ nữ vì nó có thể gây mất thẩm mỹ. Vậy nên hãy chú ý quan sát tình trạng trên khuôn mặt thật kỹ và sớm đến bệnh viện để được khám chữa hợp lý và kịp thời.