Glutathione được biết đến nhiều với tác dụng làm trắng da. Tuy nhiên, công dụng chính của nó còn to lớn hơn nhiều với sức khỏe của bạn. Hãy cùng KenShin tìm hiểu vai trò, công dụng thực sự của glutathione, các thực phẩm cung cấp glutathione và glutathione kỵ với gì nhé!
Bạn đang đọc: Glutathione kỵ với gì, những thực phẩm nào cung cấp glutathione?
Trong thẩm mỹ, glutathione được giới thiệu như một chất làm trắng da. Sự thật có hiệu quả như vậy không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về vai trò chính của glutathione và những thứ cần tránh hay hạn chế dùng chung với glutathione.
Contents
Glutathione là gì?
Khái niệm glutathione
Glutathione là một tripeptide với tên khoa học đầy đủ là γ-L-glutamyl-L-cysteinyl-glycine, viết tắt là GSH. Đây là hoạt chất chống oxy hóa có trọng lượng phân tử thấp quan trọng nhất được tổng hợp trong tế bào.
Bạn có thể tìm thấy hoạt chất này ở thực vật, nấm, trong tế bào động vật có vú, chủ yếu tồn tại ở dạng glutathione khử (trong điều kiện sinh lý bình thường) và glutathione bị oxy hóa. GSH trong các mô chủ yếu có nguồn gốc từ tế bào gan với nồng độ có thể đạt khoảng 10 micromol (mM), ngoài ra các tế bào biểu mô phổi cũng tiết ra glutathione. Thận là cơ quan chính hấp thụ 80% GSH trong huyết tương, phần còn lại sẽ được thải vào mật qua ống mật.
Vai trò của glutathione
Glutathione tham gia vào nhiều hoạt động trao đổi chất của tế bào, có vai trò như chất đệm chống oxy hóa nội bào chính chống lại stress oxy hóa, tổng hợp DNA và protein cũng như truyền tín hiệu. Stress oxy hóa xảy ra khi trạng thái cân bằng giữa oxy hóa và chống oxy hóa bình thường bị phá hủy. Các tế bào trong cơ thể có khả năng đối phó với stress oxy hóa nhẹ, nhưng khi stress oxy hóa nghiêm trọng vượt quá khả năng chống oxy hóa của tế bào có thể gây tổn hại cho lipid, protein và DNA, thậm chí dẫn đến chết tế bào (ung thư). Hệ thống GSH là một trong những tuyến phòng thủ chống oxy hóa quan trọng chống lại stress oxy hóa.
Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng trong tăng cường giải độc trao đổi chất và điều hòa hệ thống miễn dịch. Nhiều bệnh mãn tính liên quan đến thoái hóa do tuổi tác (rối loạn thoái hóa thần kinh,…), bệnh mãn tính (Alzheimer, bệnh đa xơ cứng, bệnh lupus, Parkinson,…) và cả ung thư, đều liên quan đến mức glutathione dưới mức bình thường. Do đó, việc hỗ trợ duy trì mức glutathione nội sinh của cơ thể ở mức bình thường sẽ rất quan trọng để duy trì sức khỏe và giảm thiểu bệnh tật.
Công dụng của GSH trong cuộc sống
Tuy vai trò nổi bật của glutathione là đặc tính chống oxy hóa nên chúng được sử dụng trong y tế để điều trị rất nhiều bệnh như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, ung thư, viêm gan,…
Ngày nay, do tình cờ phát hiện ra các đặc tính chống lão hóa của glutathione đã dẫn đến việc nó được quảng bá như một chất làm sáng da. Khi da tiếp xúc với tia cực tím sẽ gây ra tình trạng tăng sắc tố không mong muốn do tăng cường hoạt động của tyrosinase. glutathione có thể làm giảm giảm sắc tố melanin bằng cách ức chế enzyme tyrosinase. Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng về làn da trắng sáng, nhiều công ty dược phẩm cho ra đời các dạng bào chế khác nhau chứa glutathione với 3 đường sử dụng chính là uống, thoa/bôi tại chỗ (kem, sữa rửa mặt) và tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, các bằng chứng về hiệu quả làm trắng da của glutathione vẫn còn nhiều tranh cãi về sinh khả dụng nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khi glutathione được sử dụng ở dạng liposome hoặc ngậm dưới lưỡi, cho tác dụng sinh học tốt hơn và tác động tích cực đến mức độ glutathione toàn thân.
Tìm hiểu thêm: Sương sáo – Người bạn “quý” cho sức khỏe của bạn
Nguồn cung cấp glutathione
GSH trong chế độ ăn có nguồn gốc tự nhiên từ trái cây tươi, rau và nhiều loại thịt. Bơ, nho, cà chua, cam, bông cải xanh, quả óc chó, lựu, đậu xanh, nấm,… là một số thực phẩm phổ biến nhất giúp tăng mức độ glutathione trong cơ thể.
Glutathione được tạo thành từ 3 axit amin cysteine, glycine và axit glutamic kết hợp với nhau. Cho nên việc bổ sung thức ăn hay thuốc, thực phẩm chức năng giàu các axit amin này có thể tạo ra đủ lượng glutathione. Trong đó, cysteine – axit amin có gốc lưu huỳnh, có tác dụng chính trong việc chống oxy hóa, cho nên bạn có thể bổ sung glutathione từ các thực phẩm giàu lưu huỳnh như thịt cừu, thịt bò, thịt gà, cá hồi, cá ngừ, lúc mạch, tỏi, đậu nành, hạnh nhân,…
Tuy nhiên, vì tiền chất và nền tảng của glutathione là các axit amin nên lượng protein ăn vào có thể làm thay đổi nguồn axit amin dùng để tổng hợp glutathione. Việc cắt giảm mức protein nhưng vẫn ở mức an toàn, cũng có thể làm thay đổi mức độ tổng hợp glutathione trong huyết tương góp phần làm giảm khả năng chống oxy hóa. Whey protein là một nguồn cung cấp glutathione phong phú khác và đã được sử dụng để tăng cường mức độ glutathione toàn thân trong bệnh xơ nang.
Glutathione kỵ với gì?
Glutathione đúng là tốt cho cơ thể với nhiều vai trò khác nhau. Tuy nhiên, việc bổ sung glutathione cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá có cần thiết hay không và biết được glutathione kỵ với gì để tránh sự tương tác xảy ra.
Rượu và thuốc lá
Lý do đầu tiên không nên uống rượu, hút thuốc khi đang sử dụng glutathione đường uống là rượu và glutathione đều chuyển hóa qua gan, nếu sử dụng chung sẽ tăng gánh nặng cho gan, ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa glutathione và các chất quan trọng khác. Lý do thứ hai, rượu và hút thuốc sẽ thúc đẩy quá trình stress oxy hóa, đối nghịch lại với vai trò chính của glutathione là một chất chống lại sự căng thẳng oxy hóa, khi sử dụng chung sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của GSH.
Caffeine
Những nghiên cứu chỉ ra rằng, caffeine làm giảm hấp thụ một số vitamin và glutathione, dẫn đến làm giảm sinh khả dụng và hiệu quả của GSH. Bạn nên hạn chế uống cà phê khi dùng glutathione hoặc uống cách xa cà phê với glutathione.
Chế độ ăn giàu fructose
Bên cạnh vai trò chống oxy hóa, làm trắng da, glutathione còn tối ưu hóa sự hấp thu Ca2+ ở ruột. Một chế độ ăn giàu fructose có thể làm suy giảm hiệu quả này của GSH dẫn đến việc ức chế vận chuyển Ca 2+ từ trong lòng ruột vào máu và gây loãng xương.
>>>>>Xem thêm: Thắt ống dẫn trứng có thụ tinh nhân tạo được không?
Glutathione là một tripeptide đóng vai trò then chốt trong duy trì cân bằng oxy hóa khử, giảm căng thẳng oxy hóa, tăng cường giải độc trao đổi chất và điều hòa chức năng hệ thống miễn dịch. Bạn có thể bổ sung glutathione từ thực phẩm hàng ngày và nên chú ý đến những thứ có thể làm giảm hiệu quả của glutathione mà bạn dùng.