Cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em là một trong những dạng rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất. Chứng bệnh này thường xuất hiện phổ biến ở trẻ em trong nhóm từ 1 – 8 tuổi. Điều này có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và tác động không tốt đến quá trình phát triển của trẻ.
Bạn đang đọc: Cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em và những điều mà các bậc phụ huynh cần biết
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Vì thế, các rối loạn về giấc ngủ nói chung và cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em nói riêng nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé.
Contents
Biểu hiện cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em
Trẻ em là những đối tượng có nhu cầu về giấc ngủ cao hơn so với người lớn. Bởi trong thời gian ngủ, thùy trước tuyến yên sẽ tiết ra các loại hormone tăng trưởng quan trọng cho sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng thời gian và chất lượng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến sự phát triển của con người, đặc biệt là với trẻ em ở những năm đầu đời. Tuy nhiên, thời gian ngủ dài hay ngắn thường không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến chất lượng giấc ngủ của trẻ, mà việc trẻ có ngủ ngon giấc hay không mới ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ.
Tùy theo từng độ tuổi mà trẻ sẽ có nhu cầu ngủ là khác nhau. Vì thế, bố mẹ phải là những người luôn quan sát tới trẻ nhỏ để nhận biết sớm những dấu hiệu của con hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em. Theo đó, tình trạng rối loạn giấc ngủ này sẽ thường xảy ra ở giai đoạn đầu của giấc ngủ với những biểu hiện sau đây:
- Sau khi đã ngủ được một vài giờ thì trẻ đột nhiên ngồi dậy, la hét, vùng vẫy hoặc khóc lóc, đập giường và đập tay chân mà không rõ lý do.
- Trong lúc đang ngủ, trẻ bỗng nhiên vùng dậy trong trạng thái sợ hãi, hoảng hốt và toát mồ hôi trong khoảng thời gian từ 5 – 20 phút. Lúc này, mặc dù trẻ mở mắt to nhưng dường như vẫn đang chìm trong giấc ngủ mà không ý thức được sự có mặt của bố mẹ, mọi sự dỗ dành hay đánh thức hầu như không có tác dụng.
- Nhịp tim nhanh, mạnh, thở hổn hển và mặt đỏ bừng.
- Sau khoảng 10 – 15 phút, trẻ thường ngủ thiếp đi và ngày hôm sau ngủ dậy không nhớ được những gì đã xảy ra.
- Cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em cũng có thể có biểu hiện của mộng du: Chạy ra khỏi giường, chạy quanh nhà hay có thể có những hành động hung bạo khi bị giữ lại.
Đối với trẻ em, giấc ngủ có tầm quan trọng giống như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ ngon và sâu là điều vô cùng cần thiết cho sự phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Ngược lại nếu mất ngủ, ngủ không ngon giấc sẽ khiến trẻ dễ cáu gắt, quấy khóc, mệt mỏi và không thể tập trung. Nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra, trẻ sẽ phát triển chậm hơn, kém nhanh nhẹn, thông minh và hoạt bát hơn các bạn đồng trang lứa.
Chẩn đoán cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em
Theo chẩn đoán của Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ DSM – IV thì cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em sẽ diễn biến như sau:
A. Tái phát các giai đoạn thức dậy đột ngột trong lúc đang ngủ, chủ yếu xảy ra ở giai đoạn khoảng 1/3 thời gian đầu của giấc ngủ và bắt đầu bằng tiếng kêu la hét, thất thanh và sợ hãi.
B. Cường độ của cơn hoảng hốt là những dấu hiệu thần kinh thực vật như tim đập nhanh, vã mồ hôi, thở nhanh trong giai đoạn hốt hoảng.
C. Người bệnh không có đáp ứng với sự cố gắng của người khác nhằm làm cho mình dễ chịu hơn.
D. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân không thể nhớ lại được những chi tiết đã xảy ra.
E. Giai đoạn hoảng hốt là nguyên nhân tạo nên các triệu chứng khó chịu hoặc rối loạn chức năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp cũng như các chức năng quan trọng khác.
F. Rối loạn không do hậu quả của một chất hoặc của một bệnh thực tổn.
Tìm hiểu thêm: Đau lưng ở người lớn tuổi do nguyên nhân gì? Cách chẩn đoán và điều trị
Điều trị cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em
Ngủ là thời điểm não bộ nạp lại năng lượng cho cơ thể. Vì vậy, một giấc ngủ ngon sẽ giúp tăng cường trí nhớ, độ tập trung cũng như khả năng ghi nhớ, học tập của trẻ. Để điều trị cơn hốt hoảng khi ngủ ở trẻ em, bố mẹ cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa cần thiết như sau:
- Hướng dẫn trẻ tập thư giãn trước khi đi ngủ với các động tác sau: Hít sâu và thở thật đều, thả lỏng cơ bắp và miệng nhẩm đếm theo nhịp thở, đồng thời nên tránh các hoạt động tiêu hao năng lượng khác. Ngoài ra, bố mẹ có thể cùng đọc những câu chuyện cười, lành mạnh cho con.
- Vào các bữa tối, chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ nhàng và không nên quá no. Điều này có ý nghĩa bởi trẻ sẽ có thể tiêu hoá thức ăn một cách dễ dàng hơn và không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
- Tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ trước khi đi ngủ: Không nên cho trẻ nằm giường quá cao và tuyệt đối không để những vật sắc nhọn hoặc dễ vỡ gần vị trí giường ngủ của trẻ. Nên đóng lối đi cầu thang và cửa nhà hay cửa sổ để tránh tình trạng trẻ mộng du vào ban đêm.
- Nếu trẻ tình giấc và quấy khóc trong đêm, bố mẹ trẻ đừng vội dỗ dành hay thức trẻ dậy ngay. Hãy chờ sau khi trẻ bị cơn hoảng hốt rồi giúp trẻ trở lại giấc ngủ bình thường bằng cách vỗ về, an ủi, dỗ dành bé.
- Nếu trẻ bị căng thẳng, mệt mỏi thì bố mẹ cần tìm cách để giải quyết tình trạng đó. Nếu nặng hơn, có thể đưa trẻ đến các cơ sở khám tâm lý.
- Đối với những trẻ em thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ thì bố mẹ có thể làm giảm tần suất cơn hoảng hốt bằng cách: Ghi chép chi tiết khoảng thời gian từ lúc trẻ bắt đầu đi ngủ cho đến khi cơn hoảng hốt xuất hiện. Thực hiện ghi trong vòng 7 đêm liên tục để nắm được quy luật khi nào thì trẻ có cơn. Sau đó, hãy chủ động đánh thức trẻ dậy trước khi cơn hoảng hốt xảy ra khoảng 15 phút. Sau khoảng thời gian tỉnh khoảng 5 phút, hãy cho trẻ ngủ tiếp.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp thắc mắc: Vắc xin Prevenar 13 tiêm khi nào?
Hy vọng rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu được những thông tin cơ bản về cơn hoảng hốt khi ngủ ở trẻ em. Bởi vì giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nên các bậc phụ huynh phải luôn là những người đồng hành trong việc giúp trẻ điều chỉnh và hạn chế cơn hoảng hốt. Đừng quên tiếp tục đồng hành và theo dõi những bài viết mới nhất của KenShin nhé!