Chụp cộng hưởng từ (MRI) não là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dùng để đánh giá và phát hiện các tổn thương ở não. Đây cũng là phương pháp tối ưu vì không xâm lấn và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh cũng như cơ quan chụp.
Bạn đang đọc: Chụp cộng hưởng từ não là gì? Khi nào cần chụp cộng hưởng từ não?
Kết quả thu được thông qua chụp cộng hưởng từ não có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán một cách nhanh chóng, chính xác các bất thường tại não bộ, đặc biệt là trong các trường hợp như u não, viêm nhiễm, dị dạng mạch máu não… Bài viết sau đây sẽ mang đến những thông tin hữu ích về chụp cộng hưởng từ não và những lưu ý đối với kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này.
Contents
Chụp cộng hưởng từ não là gì?
Chụp cộng hưởng từ não là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không gây đau, không xâm lấn và cung cấp hình ảnh 3D về các cấu trúc bên trong phần đầu, trong đó bao gồm não bộ.
Chụp cộng hưởng từ hoạt động bằng cách truyền một dòng điện qua dây cuộn để tạo ra từ trường tạm thời tại vị trí cơ thể cần khảo sát, trong trường hợp này là phần đầu của bạn. Sau đó, sẽ có bộ phát gửi và nhận sóng vô tuyến giúp máy tính sử dụng những tín hiệu này để tạo ra hình ảnh kỹ thuật số về các cấu trúc não bộ.
So với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT Scan hay chụp X-quang thì chụp cộng hưởng từ cung cấp hình ảnh khá chi tiết và sắc nét hơn. Đặc biệt, kỹ thuật MRI có độ nhạy khá tốt và có thể giúp phân biệt giữa mô bệnh và mô bình thường, có ý nghĩa đối với việc cung cấp hình ảnh về thành phần các nhu mô não trong chẩn đoán điều trị. Hiện tại, MRI là xét nghiệm hình ảnh nhạy cảm nhất trong đánh giá xác định những bất thường ở phần đầu (đặc biệt là não) so với các kỹ thuật hình ảnh khác.
Ngoài não ra, chụp cộng hưởng từ còn được sử dụng để kiểm tra các bộ phận khác của cơ thể như: Xương khớp, ngực, tim, mạch máu, một số cơ quan nội tạng.
Chụp cộng hưởng từ có thuốc cản quang là gì?
Gadolinium là thuốc tương phản được sử dụng rộng rãi trong chụp cộng hưởng từ não với đường dùng là truyền qua tĩnh mạch. Vai trò của thuốc tương phản trong chụp cộng hưởng từ là giúp thay đổi tính chất từ tính, cải thiện độ nhạy và độ đặc hiệu của hình ảnh chẩn đoán. Từ đó giúp tăng khả năng hiển thị khối u, viêm nhiễm, mạch máu, hiệu quả trong chẩn đoán một số trường hợp như bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, sa sút trí tuệ.
Thuốc tương phản khá an toàn, tuy nhiên vẫn có một số người có thể gặp phải tác dụng phụ, đa số các biểu hiện này thường ở mức độ nhẹ và biến mất sau đó, những phản ứng nặng hoặc nghiêm trọng là rất hiếm gặp. Ngoài ra, vì thuốc tương phản chủ yếu được thải trừ ra khỏi cơ thể qua thận nên có thể gây hại cho những người có chức năng thận suy giảm hoặc chạy thận nhân tạo và cần thận trọng khi sử dụng.
Vai trò của chụp cộng hưởng từ não
Chụp cộng hưởng từ não có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh lý liên quan đến não, mạch máu não. Ngoài ra, bạn đọc có thể thắc mắc giữa chụp cộng hưởng từ não hoặc đầu có gì khác biệt. Đây đều là cùng một quy trình và cung cấp hình ảnh những cấu trúc liên quan bên trong phần đầu bạn, trong đó có não. Bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm hình ảnh này để đánh giá bệnh lý hoặc sự bất thường của các cấu trúc khác trong đầu bạn ngoài não ra, chẳng hạn như:
- Xương mặt, mạch máu và dây thần kinh;
- Hộp sọ, xương mặt và các cấu trúc phần mềm quanh hộp sọ;
- Cấu trúc của tai trong;
- Dây thần kinh thị giác và các mô hỗ trợ quanh mắt;
- Các dây thần kinh liên quan khác như dây thần kinh sọ.
Cụ thể hơn chụp cộng hưởng từ não hoặc đầu có thể cho biết liệu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong não của bạn hoặc các mô xung quanh hay không, bao gồm:
- Tình trạng viêm sưng các mô mềm xung quanh;
- Sự tăng trưởng bất thường thường;
- Rò rỉ dịch não.
Khi nào cần chụp cộng hưởng từ não?
Chụp cộng hưởng từ não trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý liên quan đến não
Bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ dựa theo mục đích khác nhau, bao gồm chẩn đoán các tình trạng tổn thương liên quan đến não bộ mới xuất hiện hoặc theo dõi diễn tiến của các bệnh lý về não hiện có.
Một số tình trạng bệnh lý mà chụp cộng hưởng từ não có thể giúp chẩn đoán và theo dõi trong quá trình điều trị bao gồm:
- Cục máu đông tại não;
- Chứng phình động mạch não;
- Xuất huyết não;
- Tình trạng viêm nhiễm tại não;
- Tổn thương não bộ trong chứng động kinh;
- Khối u não;
- Bệnh thần kinh mạn tính như bệnh đa xơ cứng;
- Chứng sa sút trí tuệ;
- Não úng thủy;
- Viêm tủy xương;
- Hội chứng hoặc bệnh lý về rối loạn nội tiết như hội chứng Cushing, bệnh to cực;
- Đột quỵ;
- Các vấn đề khác liên quan đến bất thường cấu trúc não bộ như dị tật Chiari, dị tật phát triển vỏ não;
- Chấn thương sọ não.
Tìm hiểu thêm: Bệnh bò điên lây qua đường nào? Dấu hiệu mắc bệnh bò điên là gì?
Những triệu chứng nào gợi ý chụp cộng hưởng từ não để tầm soát đột quỵ?
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ não để tầm soát nguy cơ xảy ra đột quỵ nếu bạn có các triệu chứng:
- Xuất hiện tình trạng co giật;
- Thường xuyên đau đầu và chóng mặt ở mức độ nặng đến nghiêm trọng;
- Mất thính lực hoặc các vấn đề về thị lực không rõ nguyên nhân;
- Mất cân bằng hormon nội tiết được điều hòa bởi vùng dưới đồi hoặc tuyến yên;
- Có những thay đổi bất thường về hành vi một cách đáng kể.
Những lưu ý trong quá trình chụp cộng hưởng từ não
Bạn cần chuẩn bị như thế nào trong quá trình chụp cộng hưởng từ não?
Một số lưu ý tương ứng với những thời điểm trước, trong và sau khi chụp cộng hưởng từ.
Trước khi chụp MRI não
Bạn sẽ cần được lưu ý về việc tháo tất cả các dụng cụ, thiết bị kim loại và trang sức trên người trước khi vào phòng chụp MRI để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.
Một số dụng cụ hoặc thiết bị kim loại khi mang vào phòng MRI có thể gây nguy hiểm. Ví dụ, từ trường mạnh phát ra từ máy chụp cộng hưởng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp tim hoặc các thiết bị cấy ghép khác.
Ngoài ra, đối với những trường hợp có chỉ định chụp cộng hưởng từ não có tiêm thuốc tương phản, cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng với thuốc tương phản hoặc có hội chứng sợ không gian hẹp.
Trong khi chụp MRI não
Chụp cộng hưởng từ nói chung và kể cả MRI não không gây bất kỳ cảm giác đau đớn nào. Tuy nhiên, khi người bệnh được đẩy vào thiết bị chụp giống như một đường hầm với không gian hẹp, điều này có thể khiến những người có chứng sợ không gian hẹp lo lắng và hoảng sợ. Bên cạnh đó, máy MRI phát ra tiếng ồn khá lớn vì vậy cần sử dụng dụng cụ hỗ trợ bịt tai để người bệnh thấy thoải mái.
Bạn cần nằm yên trong quá trình chụp MRI não, tránh cử động vì khi di chuyển sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Quá trình chụp MRI có thể kéo dài 30 – 60 phút hoặc lâu hơn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
>>>>>Xem thêm: Đặc điểm đốt sống cổ và tất tần tật những thông tin liên quan
Sau khi chụp MRI não
Sau khi chụp MRI, bạn có thể hoạt động hoặc sinh hoạt một cách bình thường và không có sự ảnh hưởng nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, đối với trường hợp tiêm thuốc tương phản, bạn nên nghỉ ngơi trong vòng 15 – 30 phút và theo dõi những biểu hiện bất thường nếu có xảy ra.
Chụp cộng hưởng từ não có gây hại không?
Đối với một số trường hợp, cơ thể trong khi chụp cộng hưởng cảm thấy hơi ấm là điều bình thường và sẽ nhanh chóng biến mất sau đó.
Một số trường hợp tiêm tĩnh mạch thuốc tương phản khi chụp MRI có thể gây ra cảm giác khó chịu nhưng tình trạng này sẽ không kéo dài. Tại vị trí tiêm thuốc có thể bị bầm tím sau đó hoặc một số người cảm thấy có vị kim loại tạm thời trong miệng sau khi tiêm thuốc tương phản nhưng những triệu chứng này chỉ là tạm thời.
Như vậy bài viết trên vừa cung cấp thông tin về kỹ thuật chụp cộng hưởng từ não cùng với một số lưu ý khác. Qua đó, hy vọng có thể đem lại những thông tin tham khảo hữu ích cho bạn đọc.