Ổ áp xe khu trú ở vùng má có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng hậu quả đều gây đau đớn, ảnh hưởng đến các chức năng nhai nuốt, nói của người bệnh. Vậy áp xe má là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào?
Bạn đang đọc: Áp xe má là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Áp xe má xảy ra khi có nhiễm trùng ở vùng má gây sưng đau, có thể kèm theo sốt và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của miệng. Thậm chí, cấu trúc giải phẫu vùng má có sự liên thông với các khoang khác ở vùng đầu cổ nên áp xe hoàn toàn có thể lây lan nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm. Trong phạm vi bài viết này, KenShin sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị áp xe ở má.
Contents
Áp xe má là gì?
Khoang má là không gian mô mềm với khoảng trống bên trong má, nằm phía trong so với cơ bám da và da nhưng phía ngoài cơ cắn. Khoang má có ranh giới phía trước là góc miệng, phía sau có cơ cắn, phía trên là cung gò má và các cơ bám gò má, phía dưới là cơ hạ góc miệng. Phía trong có cơ mút, phía ngoài là cơ bám da cổ, mô dưới da và da.
Áp xe là tổ chức viêm nhiễm, khu trú tạo thành một khối mềm với mủ bên trong. Mủ tạo thành từ vi khuẩn gây viêm, xác bạch cầu và các mảnh vụn được tạo thành khi bạch cầu chống lại vi khuẩn. Ổ áp xe là một khối lùng nhùng, mềm, sưng nề, nóng đỏ và gây đau. Áp xe má là ổ áp xe hình thành và khu trú trong khoang má.
Triệu chứng xuất hiện khi bị áp xe má
Áp xe ở má có thể gặp ở bất cứ ai trong chúng ta, bất kể người lớn hay trẻ em. Triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước ổ áp xe và nguyên nhân gây áp xe. Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện cùng các ổ áp xe má như:
- Ổ áp xe khi có kích thước lớn có thể gây sưng má. Một số người bị áp xe cả hai bên má sẽ bị sưng cả hai bên. Nếu bị áp xe một bên, khuôn mặt sẽ mất đối xứng thấy rõ.
- Ban đầu khi ổ áp xe mới hình thành người bệnh có thể không sốt. Nhưng khi ổ áp xe lớn dần, người bệnh sẽ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt do áp xe thường là sốt liên tục cho đến khi ổ áp xe được xử lý.
- Khi ấn hoặc nắn tay vào khối áp xe có cảm giác đau. Áp xe sưng to không ấn cũng gây đau nhức. Vì áp xe ở má nằm trên vùng đầu mặt nên khi ổ áp xe quá lớn sẽ chèn ép các dây thần kinh trên khuôn mặt. Kết quả là người bệnh còn bị đau mắt, đau thái dương…
- Đầu áp xe có thể xuất hiện lỗ rò rỉ dịch mủ ra ngoài. Lúc này, dịch mủ rò ra khoang miệng sẽ khiến miệng hôi tanh khó chịu.
- Áp xe khiến cử động miệng như há miệng, nói chuyện, ăn uống đều bị hạn chế.
- Nếu nguyên nhân gây áp xe xuất phát từ các bệnh răng miệng, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng như: Sưng đau vùng nướu, viêm sưng lợi,…
Nguyên nhân gây áp xe má
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành áp xe ở má là các bệnh về răng miệng. Phổ biến nhất có thể kể đến những bệnh như:
- Viêm ở vùng chóp chân răng gây áp xe nha chu.
- Nhiễm trùng từ các răng cối hàm trên và răng cối hàm dưới có thể lan ra các mô vùng má và hình thành ổ áp xe ở má.
- Bệnh nhân bị viêm quanh hàm khiến vi khuẩn lan đến mô mềm ở má gây sưng viêm và hình thành ổ áp xe ở má.
- Viêm tủy xương hàm với rất nhiều dịch mủ trong mô xương. Dịch mủ mang theo vi khuẩn có thể lan ra mô mềm ở khoang má và tạo thành một ổ khu trú dẫn đến áp xe.
- Người bị áp xe ở hầu họng hoặc lưỡi cũng có nguy cơ cao bị áp xe sang cả khoang má.
- Vi khuẩn Haemophilus influenzae trú ngụ gây viêm mô tế bào vùng má. Nếu viêm nặng có thể hình thành ổ áp xe.
- Một số bệnh nhân mắc bệnh bệnh Crohn cũng dẫn đến áp xe ở má.
- Ngoài ra, những tổn thương bên trong khoang miệng nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể hình thành ổ áp xe trong má. Thường gặp nhất là vết xương đâm, vết răng cắn hoặc chỗ thủng do những khí cụ chỉnh nha chọc vào má.
Tìm hiểu thêm: Những dấu hiệu thiếu sắt nào có thể nhận biết sớm?
Điều trị áp xe má như thế nào?
Áp xe ở má nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giảm nguy cơ biến chứng. Nếu để kéo dài, vi khuẩn ở ổ áp xe có thể lan ra và gây áp xe ở những vị trí khác trong khoang miệng. Nguyên tắc điều trị áp xe ở má là điều trị nguyên nhân và dẫn lưu mủ. Cụ thể, cách điều trị áp xe ở má như sau:
Điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh và quyết định liều dùng vì dễ gây kháng thuốc kháng sinh. Nếu bệnh nhân đau nặng, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc giảm đau.
Để điều trị triệt để, các bác sĩ cần tìm ra tận căn nguyên gây áp xe. Bất cứ bệnh lý răng miệng nào được xác định là nguyên nhân gây áp xe má đều cần điều trị triệt để. Nếu không chữa tận gốc, áp xe má sẽ dễ bị tái phát vì nguyên nhân gây bệnh vẫn còn tiềm ẩn.
>>>>>Xem thêm: Sức khỏe thai kỳ: Mekocetin có dùng được cho bà bầu không?
Tại ổ áp xe, các bác sĩ sẽ chích rạch để dẫn lưu mủ tại vị trí thấp nhất và phồng nhất của ổ áp xe. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt dẫn lưu, bơm, rửa để loại bỏ hoàn toàn mủ. Sau khi dẫn lưu mủ, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn vệ sinh và sát trùng hàng ngày để vết thương nhanh phục hồi. Áp xe ở má có thể phục hồi sau 6 – 14 ngày điều trị.
Áp xe má không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chức năng ăn uống. Nếu để kéo dài, người bệnh bị ảnh hưởng về sức khỏe tổng thể. Vi khuẩn ở ổ áp xe có thể lây lan và tạo thành các ổ áp xe khác ở những vị trí khác trong khoang miệng như áp xe răng. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ áp xe, bạn nên đến ngay bác sĩ răng hàm mặt để được thăm khám.