Có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp xe da, khiến người bệnh sưng, đau và khó chịu kéo dài. Vậy áp xe da có gây biến chứng gì nguy hiểm hay không? Một số thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Bạn đang đọc: Áp xe da có nguy hiểm không?
Không ít người gặp phải tình trạng áp xe da, tuy nhiên việc chưa hiểu đúng và đầy đủ khiến nhiều người chủ quan và không áp dụng phương pháp điều trị kịp thời, đúng cách. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn hiểu rõ về cơ chế hình thành nên các khối áp xe trên da, mức độ nguy hiểm cũng như cách điều trị thường được áp dụng phổ biến hiện nay.
Contents
Áp xe da là tình trạng gì?
Áp xe da là thuật ngữ y học chỉ tình trạng trên da xuất hiện một khoang chứa đầy mủ, bao gồm bạch cầu, vi khuẩn và mô chết. Khi bị áp xe, vùng da đó sẽ sưng lên, nóng, đỏ, có mủ, gây đau đớn cho người bệnh. Trường hợp nặng có thể gây sốt, mệt mỏi kéo dài. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kì vị trí nào trên da, nhưng thường thấy nhất vẫn là ở cẳng tay, phần dưới của cột sống, hậu môn hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn.
Vậy tại sao lại gặp tình trạng này? Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp xe da nhưng phổ biến nhất là do chấn thương phần mềm hoặc sau khi thực hiện phẫu thuật, vùng da trên cơ thể không được tuyệt đối vô khuẩn, gây nhiễm trùng vết thương hở, khiến cho vi khuẩn xâm nhập. Các vi khuẩn hay gặp nhất gây áp xe da thuộc họ liên cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn kỵ khí hoặc vi khuẩn lao.
Thực tế, một số đối tượng sau đây dễ gặp phải tình trạng áp xe da:
- Trẻ em thường xuyên ra nhiều mồ hôi, bị nhiều mụn nhọt, chốc đầu.
- Người cao tuổi, người có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân không tốt.
- Người thường xuyên sử dụng thuốc corticoid như bệnh nhân bị viêm cầu thận mãn tính, hen suyễn, mề đay mãn tính, bệnh khớp, các bệnh cần phải ức chế miễn dịch,…
- Những người có hội chứng rối loạn chuyển hóa như bị béo phì, đái tháo đường hoặc thường xuyên hút thuốc, tiêm chích ma túy.
Áp xe da có nguy hiểm không? Điều trị ra sao?
Vậy áp xe da có nguy hiểm hay không? Các bác sĩ cho biết đây không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng lại khá nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Ổ áp xe có thể lan rộng, vi khuẩn vào máu và các hạch bạch huyết, gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hơn nữa, quá trình điều trị nhiễm trùng da không hiệu quả cũng có thể dẫn đến hoại tử mô.
Vậy cần điều trị áp xe da như thế nào? Các bác sĩ khẳng định việc điều trị phụ thuộc vào mức độ, độ sâu của khối áp xe cũng như cơ địa của người bệnh, không áp dụng đại trà cho mọi trường hợp. Một số giải pháp được đưa ra như sau:
- Nếu khối áp xe nhỏ, chỉ ảnh hưởng dưới da, mủ có thể tự chảy ra thì không cần áp dụng phương pháp điều trị quá phức tạp, khối áp xe sẽ co lại, khô dần và dần dần biến mất.
- Nếu khối áp xe lớn, tích tụ mủ sâu sẽ cần được bác sĩ can thiệp ngoại khoa bằng cách rạch, dẫn lưu cho khối mủ nhiễm khuẩn, rửa sạch khoang chứa mủ, đồng thời kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh. Việc dùng thuốc phải được dựa trên kết quả kháng sinh đồ, tuân thủ chỉ định và đủ liều.
Tìm hiểu thêm: Bệnh võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh võng mạc
Lưu ý trong việc chăm sóc và phòng ngừa áp xe da
Dưới đây là một số lưu ý mà các bác sĩ đưa ra giúp bạn chăm sóc vết thương áp xe da và phòng ngừa tái phát hiệu quả hơn:
Chăm sóc vết thương áp xe da
Khi bị áp xe da, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc vết thương sau đây để nhanh hồi phục và hạn chế tái phát:
- Cố gắng không sờ, cậy hoặc nặn áp xe để tránh làm lây lan vi khuẩn, khiến tình trạng viêm và nhiễm trùng nặng hơn.
- Chú ý luôn rửa tay trước và sau khi chăm sóc vết áp xe để không làm ổ nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
- Trong quá trình phục hồi vết áp xe, bạn có thể chườm ấm để vết thương thoát dịch nhanh hơn và ngăn tình trạng áp xe tái phát.
- Các loại thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc hạ sốt, chống nhiễm trùng cần được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bạn tuyệt đối không nên tự ý uống hoặc tăng, giảm liều khi chưa được tham vấn y khoa.
- Trường hợp bị nặng, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để phẫu thuật, dẫn lưu dịch mủ. Tuyệt đối không nên cố gắng áp dụng cách điều trị áp xe tại nhà, đặc biệt là không tự ý chích nặn áp xe. Bởi việc này có nguy cơ lan rộng ổ áp xe có thể dẫn đến biến chứng.
>>>>>Xem thêm: Mùi nến có độc hại không? Bật mí cách sử dụng nến an toàn
Phòng ngừa áp xe da như thế nào?
Theo các bác sĩ, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được áp xe da nếu áp dụng các biện pháp sau đây:
- Không ngừng nâng cao, cải thiện đời sống và môi trường sống xung quanh để hạn chế viêm nhiễm.
- Luôn ý thức được việc chăm sóc cơ thể, giữ vệ sinh sạch sẽ để không gây tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng và khoa học.
- Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.
- Thực hành lối sống lành mạnh nhằm cải thiện hệ miễn dịch, đặc biệt là tránh xa bia rượu và chất ma túy.
- Cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh để phòng ngừa lây nhiễm.
- Trường hợp người bệnh gặp các bệnh lý như nhiễm khuẩn, đái tháo đường,… thì cần tuân thủ đúng quy trình điều trị, hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà áp xe da là một trong những biểu hiện.
Như vậy, với các thông tin trên đây, KenShin đã giúp bạn hiểu rõ hơn về áp xe da, nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm cũng như cách chăm sóc, phòng ngừa khoa học. Mặc dù đây là tình trạng khá phổ biến song bạn cũng không nên chủ quan mà cần hiểu đúng về cơ chế hình thành và áp dụng biện pháp chữa trị hiệu quả, tránh làm viêm nhiễm trầm trọng hơn nhé!