Nhiễm trùng xoang gây ra các triệu chứng như chảy dịch mũi, nghẹt mũi đau tức vùng mặt, đau đầu… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh nhiễm trùng xoang có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Bạn đang đọc: Nhiễm trùng xoang: Top 8 dấu hiệu dễ nhận biết nhất
Người bệnh có thể nhận biết bệnh nhiễm trùng xoang thông qua các triệu chứng điển hình. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của nhiễm trùng xoang là gì? Điều trị và phòng ngừa bệnh lý này như thế nào? Trong bài viết hôm nay, KenShin sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc trên nhé!
Contents
Nhiễm trùng xoang là gì?
Xoang là các hốc rỗng tự nhiên nằm ở bên trong khối xương sọ – mặt. Các hốc này chứa đầy không khí và sạch sẽ. Tuy nhiên, khi chúng bị bít tắc (tắc xoang) và chứa nhiều dịch mủ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lớp niêm mạc lót mũi xoang thì hiện tượng này được gọi là viêm mũi xoang hoặc nhiễm trùng xoang.
Nhiễm trùng xoang được chia thành 3 cấp độ như sau:
- Nhiễm trùng xoang cấp tính: Xảy ra khi các triệu chứng của viêm xoang kéo dài dưới 4 tuần. Bệnh thường bắt đầu như bị cảm lạnh thông thường và triệu chứng bệnh thường biến mất trong 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, ở một số người thì tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn có thể phát triển kéo dài.
- Nhiễm trùng xoang bán cấp tính: Triệu chứng bệnh thường kéo dài từ 4 – 12 tuần và ít nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng xoang cấp tính. Nhiễm trùng xoang bán cấp tính là giai đoạn chuyển tiếp từ nhiễm trùng xoang cấp tính sang mạn tính.
- Nhiễm trùng xoang mạn tính: Còn được gọi là viêm mũi xoang mạn tính, bệnh thường được chẩn đoán khi các triệu chứng kéo dài trên 12 tuần và tái đi tái lại nhiều lần dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ thông xoang, phù nề.
Dấu hiệu nhiễm trùng xoang là gì?
Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh nhiễm trùng xoang, cụ thể như sau:
Tăng chất nhầy từ mũi
Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh nhiễm trùng xoang. Dịch mũi thường có tính chất đặc và có màu sẫm hơn so với bình thường.
Nghẹt mũi
Hầu hết những người mắc bệnh nhiễm trùng xoang đều có triệu chứng bị sổ mũi và nghẹt mũi. Tình trạng này xảy ra do vi khuẩn hoặc virus gây nhiễm trùng, viêm nhiễm bên trong mũi và dẫn đến sưng niêm mạc mũi. Khi mô bị viêm và sưng sẽ tạo ra nhiều chất nhầy, dịch tiết hơn.
Chảy nước mũi sau
Ngay cả lúc khoẻ mạnh, mũi và xoang của con người cũng tiết ra chất nhầy loãng chảy ngược xuống phía sau cổ họng. Tuy nhiên, tình trạng chảy nước mũi sau trong trường hợp này thường có lợi cho sức khoẻ.
Trong trường hợp bị nhiễm trùng xoang, tình trạng chảy nước mũi sau thường sẽ đi kèm với các triệu chứng khác như nuốt thường xuyên, đau họng, hắng giọng, nói khàn hoặc ục ục và cảm giác khó chịu như có khối u trong cổ họng.
Đau mặt hoặc tăng áp lực
Đau mặt cũng là một triệu chứng của bệnh nhiễm trùng xoang. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng xoang sẽ gây chèn ép hoặc tắc nghẽn ở vùng má, trán và giữa hai mắt. Áp lực thường sẽ tăng lên khi người bệnh nghiêng về phía trước hoặc cúi người xuống.
Giảm khứu giác
Nhiễm trùng xoang thường gây ra triệu chứng mất khứu giác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các khối sưng gây tắc nghẽn ngăn cản các phân tử mùi hương đi vào mũi hoặc do tổn thương dây thần kinh khứu giác làm thay đổi khứu giác.
Khứu giác sẽ dần trở lại bình thường khi tình trạng tắc nghẽn ở mũi giảm đi.
Đau răng
Nhiễm trùng xoang có thể gây ra triệu chứng đau răng và điển hình là ở răng hàm trên. cơn đau răng có thể lan rộng xuống hàm dưới nếu bệnh trở nên nghiêm trọng.
Đầy tai
Ống Eustachian là một lỗ mở nối cổ họng với tai giữa. Cơ quan này có vai trò giữ áp suất không khí và chất lỏng tích tụ bên trong tai. Tình trạng nhiễm trùng xoang có thể khiến cho tai bị viêm và tạo ra các chất nhầy hoặc chất lỏng tích tụ.
Nhiễm trùng xoang cũng khiến cho ống tai bị tắc nghẽn hoặc suy giảm chức năng. Từ đó khiến người bệnh cảm thấy đầy tai, tăng áp lực tai, có tiếng lốp bốp trong tai và cảm giác âm thanh bị bóp méo.
Sốt
Người bệnh có thể bị sốt khi cơ thể xảy ra phản ứng chống lại nhiễm trùng. Nếu nhiệt độ cơ thể dưới 38 độ C thì có thể là bình thường. Tuy nhiên, nếu người bệnh sốt trên 39 độ C và kéo dài liên tục thì cần đến bệnh viện khám để được bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây ra nhiễm trùng xoang
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh nhiễm trùng xoang là do virus, chẳng hạn như bị cảm lạnh thông thường. Khi bị cảm lạnh, các chất dịch nhầy trở nên dính, đặc và không thoát ra ngoài tốt được. Lúc đó, vi khuẩn có thể phát triển trong chất dịch nhầy bị mắc kẹt trong xoang. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng xoang do vi khuẩn.
Bất cứ ai, bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị nhiễm trùng xoang. Tuy nhiên, đối với những người bị dị ứng mũi hoặc mắc bệnh hen suyễn sẽ có nguy cơ cao hơn.
Ngoài ra, có một số yếu tố rủi ro khác dẫn đến bệnh nhiễm trùng xoang như:
- Tiếp xúc với khói thuốc lá;
- Polyp mũi;
- Thay đổi áp suất như khi lặn biển hoặc bay.
Bệnh nhiễm trùng xoang cũng có thể gặp phải do bất thường về giải phẫu như quá phát cuốn giữa – cuốn dưới, lệch vách ngăn…
Điều trị nhiễm trùng xoang như thế nào?
Những phương pháp điều trị dưới đây có thể hữu ích đối với người bệnh bị nhiễm trùng xoang, cụ thể là:
Điều trị nội khoa
Trong điều trị nội khoa, người bệnh nhiễm trùng xoang có thể được chỉ định:
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Bác sĩ điều trị có thể kê đơn thuốc kháng sinh nhằm chống nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Trong trường hợp các triệu chứng bệnh không được cải thiện trong khoảng 10 ngày, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh.
- Dùng corticosteroid đường uống: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid theo đường uống cho người bệnh bị nhiễm trùng xoang cấp hoặc viêm xoang mạn tính nghiêm trọng. Đây là loại thuốc mạnh để điều trị các triệu chứng bệnh nhưng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, loại thuốc này chỉ được kê khi những loại thuốc khác không đạt hiệu quả.
- Dùng thuốc làm tan chất nhầy: Là một loại thuốc có tác dụng làm loãng chất nhầy để giúp dịch nhầy thoát ra ngoài dễ dàng hơn.
- Điều trị dị ứng: Nếu nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng xoang là do dị ứng, bác sĩ có thể tiến hành điều trị dị ứng cho bệnh nhân.
- Leukotriene: Là một loại thuốc uống dạng viên có tác dụng ngăn chặn cơ thể tạo ra hoặc kích hoạt leukotrienes dẫn đến sưng mũi và xoang.
- Thuốc thông mũi: Loại thuốc này có tác dụng làm giảm tình trạng sưng nề trong mũi. Tuy nhiên, thời gian dùng thuốc không quá 1 tuần.
Tìm hiểu thêm: Sỏi bàng quang uống gì? Top những thức uống tốt cho người sỏi bàng quang
Điều trị ngoại khoa
Bác có thể chỉ định phẫu thuật xoang nếu các triệu chứng của viêm xoang mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, đồng thời việc điều trị nội khoa không đạt được hiệu quả.
Hiện nay, có hai loại phẫu thuật xoang phổ biến là dẫn lưu xoang bằng bóng ít xâm lấn và phẫu thuật nội soi xoang chức năng. Cả hai loại phẫu thuật này đều mở ra các xoang bị tắc nghẽn nhằm khôi phục hệ thống dẫn lưu xoang bình thường và có thể giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng bệnh.
Phòng ngừa nhiễm trùng xoang như thế nào?
Để giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng xoang mạn tính, mỗi người nên thực hiện các bước sau:
Tránh nhiễm trùng đường hô hấp:
- Hạn chế tiếp xúc với những người bị cảm lạnh hoặc bị bệnh nhiễm trùng khác.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt là trước mỗi bữa ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi từ bên ngoài trở về nhà.
Kiểm soát dị ứng:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phân động vật, lông động vật, hoá chất, phấn hoa…
- Không hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Khi ra khỏi nhà luôn luôn đeo khẩu trang.
- Tránh tiếp xúc với bụi bẩn, không khí ô nhiễm.
Sử dụng máy tạo độ ẩm: Nếu không khí trong nhà bị khô thì việc bổ sung độ ẩm cho không khí có tác dụng ngăn ngừa bệnh viêm xoang. Bên cạnh đó, cần vệ sinh máy tạo độ ẩm thường xuyên và kỹ lưỡng để đảm bảo giữ cho máy tạo độ ẩm sạch sẽ, không có nấm mốc.
Giữ ấm mũi xoang:
- Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trời lạnh.
- Mang khăn ấm và bịt tai để tránh nhiễm lạnh trong mùa đông.
- Hạn chế sử dụng đá lạnh để tránh viêm họng và nhiễm trùng xoang.
>>>>>Xem thêm: Vắc xin thủy đậu có mấy loại? Những điều cần lưu ý khi tiêm
Nhiễm trùng xoang là một bệnh lý phổ biến hàng đầu trong các bệnh lý về tai – mũi – họng. Mặc dù nhiễm trùng xoang là bệnh lành tính nhưng biến chứng của bệnh có thể gây nguy hiểm như viêm màng não, biến chứng về mắt… Vì thế, nhiễm trùng xoang cần được quản lý hiệu quả ngay từ sớm bằng các biện pháp tại nhà và điều trị tại bệnh viện.