Hội chứng sợ mưa (Ombrophobia) diễn tả nỗi sợ cực độ đối với mưa. Nỗi ám ảnh này ít được biết đến và cũng ít được chẩn đoán, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe rất lớn và có nhiều tác động xấu đến cuộc sống của người mắc phải. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hội chứng này nhé!
Bạn đang đọc: Hội chứng sợ mưa (Ombrophobia): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Mỗi người khi sinh ra đều mang trong mình những niềm yêu thích và nỗi sợ khác nhau. Có nhiều người thích ngắm mưa, hay thậm chí họ thích để nước mưa làm ướt người. Mặt khác, nhiều người lại sợ mưa, thậm chí nỗi sợ mưa lớn đến mức trở thành hội chứng sợ mưa (Ombrophobia). Hội chứng sợ mưa không quá phổ biến, đặc biệt ở Việt Nam. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc những thông tin cơ bản về hội chứng này.
Contents
Hội chứng sợ mưa (Ombrophobia) là gì?
Ombrophobia là thuật ngữ diễn tả nỗi sợ hãi, lo lắng đột độ liên quan đến mưa hoặc khi nghĩ về mưa. Những người mắc hội chứng sợ mưa thường sẽ lo lắng, hoảng loạn hoặc né tránh những tình huống có mưa. Thậm chí sự sợ hãi của họ có thể mãnh liệt đến mức không thể kiểm soát, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tâm lý.
Đây là một nỗi ám ảnh tâm lý liên quan đến rối loạn lo âu. Người mắc bệnh thường chọn cách né tránh nỗi sợ để giảm nguy cơ gặp phải sự lo lắng tức thời. Cụ thể, họ có thể từ chối việc ra ngoài đường khi trời có nhiều mây, bởi họ lo sợ một cơn mưa bất chợt sẽ xuất hiện và sự lo lắng, khủng hoảng cũng sẽ xuất hiện tức thời. Tuy nhiên đây chỉ là cách giải quyết ngắn hạn, về lâu dài với những suy nghĩ cực đoan như vậy có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và làm trầm trọng hơn tình trạng sợ mưa của người đó.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ mưa
Ombrophobia là nỗi ám ảnh tương đối hiếm gặp và cũng chưa tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên hầu hết các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đều cho rằng, nó có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố phức tạp như di truyền, tác động của môi trường hay liên quan đến các hội chứng rối loạn lo âu khác.
Nếu trong gia đình có người thân có tiền sử mắc bệnh tâm thần, đặc biệt là rối loạn lo âu hoặc rối loạn lưỡng cực thì người đó có nguy cơ mắc chứng sợ mưa cao hơn. Nếu bạn đã từng trải qua những sự kiện đau thương về mặt cảm xúc liên quan đến mưa thì rất có thể là yếu tố thúc đẩy nỗi sợ mưa trong bạn, từ đó dẫn đến sự hình thành hội chứng Ombrophobia.
Hội chứng sợ mưa cũng có thể bắt nguồn từ các nỗi ám ảnh hoặc hội chứng khác như hội chứng sợ nước (Aquaphobia), hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia), hội chứng sợ sương mù (Homichlophobia), hội chứng sợ thời tiết liên quan đến mưa bão, giông, gió mạnh (Pluviophobia)…
Triệu chứng của hội chứng sợ mưa
Tương tự như các nỗi ám ảnh khác, triệu chứng nổi bật nhất của hội chứng sợ mưa là sự lo lắng. Mức độ lo lắng có thể khác nhau ở mỗi người, sự lo lắng có thể đạt đến mức cực đoan, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, gây ra các biến chứng như: Chứng sợ đám đông, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và nghiêm trọng hơn là phải nhập viện điều trị.
Tìm hiểu thêm: Tiêm Synflorix có sốt không? Phản ứng sốt kéo dài bao lâu?
Một số triệu chứng thực thể phổ biến khi gặp phải tình trạng lo lắng, sợ hãi như nhịp tim tăng nhanh, hồi hộp, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, run rẩy, đổ mồ hôi quá nhiều, khô miệng.
Những người mắc hội chứng sợ mưa sẽ cố gắng để né tránh tiếp xúc với mưa bằng bất kỳ hình thức nào. Họ có thể xuất hiện các hành động tránh né như hạn chế đi ra ngoài, kiểm tra thời tiết một cách ám ảnh, xuất hiện suy nghĩ vô lý như lo lắng cho người thân khi đi dưới mưa hay từ chối đi học, đi làm do sợ sẽ mắc mưa dẫn đến bị cô lập về mặt xã hội…
Một số phương pháp điều trị hội chứng sợ mưa
Bởi vì Ombrophobia là nỗi ám ảnh cá nhân, những người khác nhau trải qua những nỗi sợ hãi khác nhau liên quan đến mưa. Hội chứng sợ mưa có thể điều trị được bằng các liệu pháp tâm lý hoặc thuốc.
Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT)
Đây là phương pháp điều trị tâm lý bằng trò chuyện. Liệu pháp này giúp thân chủ (người được điều trị tâm lý) nhận thức được suy nghĩ, hành vi tiêu cực, không chính xác trong nhận thức của mình về một sự kiện hay tình huống. Từ đó, thân chủ sẽ xem xét và phản hồi những suy nghĩ, hành vi đó theo những hướng tích cực và hiệu quả hơn.
Liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc là một trong những liệu pháp điều trị chứng ám ảnh tâm lý phổ biến hiện nay. Trong liệu pháp này, thân chủ sẽ dần dần và liên tục tiếp xúc với nguồn gốc nỗi sợ của họ (trong trường hợp này là mưa) ở một môi trường an toàn và có thể kiểm soát được. Chuyên gia tâm lý có thể bắt đầu bằng cách cho thân chủ xem ảnh mưa và sau đó cho họ xem video về mưa. Mục đích cuối cùng là giúp thân chủ giảm dần các phản ứng sợ hãi và sự ám ảnh theo thời gian.
Kỹ thuật thư giãn
Các bài tập về thiền, hít thở sâu, yoga cũng đóng vai trò hỗ trợ điều chỉnh cảm xúc, tâm lý, giúp người mắc hội chứng sợ mưa kiểm soát sự lo lắng của họ.
Sử dụng thuốc
Mặc dù thuốc thường không phải là phương pháp điều trị chính cho chứng ám ảnh tâm lý, nhưng nó có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng lo âu và hoảng sợ nghiêm trọng. Người mắc hội chứng lo âu có thể sử dụng các loại thuốc an thần, chống trầm cảm dưới sự hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Túi noãn hoàng là gì và những điều cần biết
Đối với những người khoẻ mạnh, hội chứng Ombrophobia nghe có vẻ bình thường, nhưng đối với những người đã hoặc đang mắc phải nó thì đây là một điều tra tấn tinh thần, gây suy nhược cơ thể họ. Tuy nhiên việc điều trị dứt điểm hội chứng không phải không có khả năng. Việc kết hợp giữa trị liệu, dùng thuốc điều độ, rèn luyện sức khỏe tinh thần hoàn toàn có thể giúp bạn loại bỏ nỗi sợ này, mang lại cuộc sống khỏe mạnh, vui tươi.
Hội chứng sợ mưa (Ombrophobia) là một căn bệnh ám ảnh tâm lý hiếm gặp, nó có thể biểu hiện bằng sự lo lắng khi nghĩ đến trời mưa cho đến cảm giác hoảng loạn về tâm lý và thể chất khi tiếp xúc với mưa. Về lâu dài, Ombrophobia có thể gây ra những tác động xấu, tiêu cực cho người bệnh. Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người quen có thể mắc phải nỗi sợ hãi này, đầu tiên hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý để thảo luận về vấn đề tâm lý hiện tại, tìm kiếm sự giúp đỡ và những lời khuyên về cách điều trị phù hợp.