Ngày nay, kháng sinh được biết và sử dụng một cách rộng rãi, có hiệu quả trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Nhiễm trùng ở mắt cũng không ngoại lệ. Hãy cùng KenShin tìm hiểu về tại sao kháng sinh có thể tiêu diệt/ức chế vi khuẩn, khi nào thì dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh và những điều cần tránh khi dùng loại thuốc này nhé!
Bạn đang đọc: Những điều cần biết về thuốc nhỏ mắt kháng sinh
Thuốc nhỏ mắt kháng sinh là thuốc nhỏ dạng lỏng có chứa kháng sinh trực tiếp lên mắt, thường với lượng nhỏ. Thuốc này được dùng khi nào và cần lưu ý những gì? Hãy cùng KenShin tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Contents
Kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh được định nghĩa là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp và tổng hợp, có khả năng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Có 4 cơ chế của thuốc kháng sinh phổ biến nhất nhằm chống lại vi khuẩn như sau:
Ức chế sinh tổng hợp thành tế bào vi khuẩn
Với hoạt tính ức chế tổng hợp thành tế bào, có hai nhóm kháng sinh chính bao gồm kháng sinh β-lactam và glycopeptide. Chúng thực hiện điều này bằng cách ức chế quá trình trùng hợp peptidoglycan (thành phần cấu trúc chính của thành tế bào vi khuẩn) theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Kháng sinh β-lactam
Kháng sinh β-lactam bao gồm các phân nhóm penicillin, cephalosporin, carbapenems và monobactam. Thuốc kháng sinh β-lactam hoạt động bằng cách liên kết không thuận nghịch với các protein gắn penicillin (PBP) của vi khuẩn; từ đó ngăn chặn sự tổng hợp peptidoglycan, dẫn đến phá vỡ cấu trúc thành tế bào và chết tế bào vi khuẩn. Thuốc này thường được sử dụng rất nhiều trong các bệnh nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi), nhiễm trùng đường tiết niệu,…
Kháng sinh glycopeptide
Kháng sinh glycopeptide bao gồm vancomycin, teicoplanin, oritavancin và telavancin là một phân nhóm kháng sinh rất quan trọng khác có tác dụng ức chế tổng hợp thành tế bào. Không giống với kháng sinh β-lactam, kháng sinh glycopeptide ức chế quá trình sinh tổng hợp peptidoglycan ở vi khuẩn Gram dương bằng cách gắn vào lipid II (tiền thân thành tế bào peptidoglycan). Liên kết này ngăn chặn hoạt động PBP và ức chế peptidoglycan trưởng thành, dẫn đến sốc thẩm thấu và làm chết tế bào vi khuẩn.
Phá hủy cấu trúc màng tế bào vi khuẩn
Với hoạt tính phá vỡ tính toàn vẹn của màng tế bào, có hai nhóm kháng sinh chính bao gồm lipopeptide và polymyxin E.
Lipopeptide
Đại diện nổi tiếng nhất của nhóm này là daptomycin. Daptomycin kết hợp với canxi nội bào tạo thành các micelle xuyên qua màng trong, hình thành các kênh màng; từ đó gây rò rỉ các ion của vi khuẩn, cuối cùng gây chết tế bào vi khuẩn.
Polymyxin
Polymyxin E (còn được gọi là colistin) là một đại diện có hiệu quả lâm sàng và ít độc nhất trong phân nhóm này. Với cấu trúc lưỡng tính nên polymyxin E hoạt động như chất hoạt động bề mặt, tạo điều kiện cho thuốc xâm nhập vào màng trong vi khuẩn gram âm, dẫn đến rò rỉ các thành phần nội bào và làm chết vi khuẩn.
Ức chế axit nucleic
Phân nhóm kháng sinh ức chế axit nucleic được áp dụng trong lâm sàng gồm quinolone và rifamycin.
Quinolone
Quinolone được chia làm 4 thế hệ với các hoạt chất phổ biến trong lâm sàng như ciprofloxaxin, ofloxacin, moxifloxacin,… Các thuốc này tác động đến quá trình tổng hợp DNA bằng cách ức chế topoisomerase loại II (DNA gyrase) và topoisomerase IV. Do đó, ngăn chặn khả năng phân chia, cuối cùng dẫn đến chết tế bào vi khuẩn. Kháng sinh này có thể dùng trong viêm tuyến tiền liệt, viêm đường hô hấp trên,…
Rifamycin
Rifamycins thuộc họ kháng sinh ansamycin có nguồn gốc tự nhiên. Rifamycins gắn vào RNA polymerase ức chế hoạt động phiên mã vi khuẩn; từ đó giảm tổng hợp protein, cuối cùng là chết tế bào vi khuẩn.
Ức chế tổng hợp protein
Có rất nhiều nhóm kháng sinh ức chế quá trình tổng hợp protein, bao gồm tetracycline, aminoglycoside, macrolide, lincosamid, streptogramins B và oxazolidinones.
Tetracyclines
Tính đến nay, tetracyclines là kháng sinh kìm khuẩn hiện được nhóm 4 thế hệ. Với cơ chế là liên kết với tiểu đơn vị ribosome 30S của vi khuẩn, axit amin không được giải phóng khỏi riboxom, từ đó, ức chế tổng hợp protein.
Aminoglycoside
Aminoglycoside gắn lên vị trí tiểu đơn vị 30S của ribosom làm vi khuẩn đọc sai các codon mRNA và tạo ra các protein lạ mà vi khuẩn không thể sử dụng được. Cơ chế thứ hai là kết hợp các axit amin sai vào trình tự axit amin của các peptide tổng hợp, làm suy giảm tính thấm của màng và hấp thu thuốc vào tế bào chất của vi khuẩn, cuối cùng làm chết tế bào vi khuẩn. Năm 2018, plazomicin – một kháng sinh mới phổ rộng của nhóm aminoglycoside ra đời, đã được FDA phê duyệt sử dụng trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm bể thận cấp.
Oxazolidinones
Trong nhóm này, hiện nay chỉ có 2 loại được lưu hành là linezolid và tedizolid. Loại kháng sinh này đã cho thấy hiệu quả cao trong điều trị nhiễm trùng da và mô mềm do vi khuẩn gram dương kháng thuốc.
Các kháng sinh còn lại
Macrolide, Lincosamid , Streptogramins B không giống nhau về mặt cấu trúc hóa học, nhưng thuộc cùng một nhóm MLSB. Nguyên nhân là do chúng có cùng cơ chế hoạt động ức chế tổng hợp protein của vi khuẩn bằng cách gắn vào tiểu đơn vị ribosome 50S, ức chế sự hình thành liên kết peptide và cuối cùng phá vỡ sự hình thành tiểu đơn vị ribosome 50S.
Cản trở quá trình trao đổi chất
Thuốc kháng sinh nhóm sulfonamid biểu hiện tác dụng kháng khuẩn bằng cách làm gián đoạn hoạt động của các quá trình trao đổi chất quan trọng (ức chế tổng hợp axit folic) trong tế bào vi khuẩn. Sulfonamid thuộc nhóm kháng sinh kìm khuẩn phổ rộng, thường được kết hợp với trimethoprim – chất ức chế tổng hợp axit folic, để điều trị nhiễm trùng tiết niệu.
Tìm hiểu thêm: Bệnh thoát vị bẹn có di truyền không?
Khi nào dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh?
Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh cho những bệnh nhân có nhiễm trùng về mắt do vi khuẩn gây ra như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mí mắt do vi khuẩn. Một số biểu hiện của nhiễm khuẩn mắt bao gồm đau, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và đặc trưng nhất là tiết dịch mủ vàng.
Thuốc kháng sinh không có tác dụng với các nhiễm trùng do dị ứng hay virus gây ra. Vì triệu chứng của nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, dị ứng khá giống nhau; cho nên; bạn cần đi khám bác sĩ để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh.
Các loại kháng sinh dùng cho mắt
Không phải nhóm kháng sinh nào cũng dùng được cho mắt. Đa phần gây nhiễm khuẩn mắt là các vi khuẩn gram dương và một số ít vi khuẩn gram âm (trực khuẩn mủ xanh). Sau đây là một số thuốc nhỏ mắt kháng sinh được dùng để nhỏ mắt:
- Nhóm kháng sinh Quinolone: Ciprofloxacin, moxifloxacin, levofloxacin,…;
- Nhóm kháng sinh Aminoglycoside: Tobramycin, gentamycin, neomycin;
- Nhóm kháng sinh Polypeptide: Bacitracin, polymyxin B;
- Nhóm kháng sinh Macrolide: Azithromycin, erythromycin;
- Nhóm kháng sinh Phenicols: Cloramphenicol.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh
Thứ nhất, thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể gây kích ứng ở mắt ở một số người với các biểu hiện mẩn đỏ, ngứa hoặc cảm giác nóng rát và đau mắt nhẹ đôi khi cũng có thể xảy ra. Khi nhỏ vào mắt có thể cảm thấy hơi xót, nhưng sẽ nhanh chóng hết sau vài giây. Nếu sau khi nhỏ mắt xảy ra phản ứng bất thường như mờ mắt, đau mắt, kích ứng mắt, nhức đầu,… (đây là các triệu chứng rất hiếm gặp) hay đã dùng một thời gian mà triệu chứng chưa thuyên giảm thì liên hệ ngay với chuyên gia y tế.
Thứ hai, không sử dụng đơn thuốc của người khác vì mỗi người mắc bệnh có thể không cùng một loại vi khuẩn. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy triệu chứng mới hết mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Thứ ba, hạn chế đưa tay lên mắt để tránh nhiễm khuẩn và lây cho người khác. Trước khi nhỏ kháng sinh, bạn nên rửa tay với xà phòng và rửa mắt với nước muối sinh lý.
Thứ tư, khi nghi ngờ nhiễm trùng mắt nên đi khám bác sĩ, không tự mua thuốc dùng vì nguy cơ tăng đề kháng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến số lượng vi khuẩn đa kháng thuốc ngày càng tăng và đây là một thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà cả bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân của họ phải đối mặt.
>>>>>Xem thêm: Tại sao chị em lựa chọn thắt ống dẫn trứng khi sinh mổ?
Tóm lại, bạn chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh khi mắt có vấn đề về nhiễm trùng do vi khuẩn và cần có sự thăm khám của bác sĩ trước khi dùng. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh thường không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng vì mỗi lần nhỏ chỉ 1 – 2 giọt. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng bất thường hay dùng lâu mà không khỏi thì nên liên hệ ngay với chuyên viên y tế.