Có khoảng 1/3 dân số trên thế giới đang ở trong tình trạng bị thiếu máu. Sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng thiếu máu kéo dài. Tác hại của thiếu máu đáng sợ thế nào bạn đã rõ hay chưa? Thiếu máu có nguy hiểm hay không?
Bạn đang đọc: Bạn đã biết tác hại của thiếu máu hay chưa? Bệnh có nguy hiểm không?
Thiếu máu, thiếu sắt, thiếu dinh dưỡng là các vấn đề có thể xảy ra ở mọi đối tượng không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần nếu không có biện pháp can thiệp. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết rõ về các dấu hiệu và tác hại của thiếu máu.
Contents
Thiếu máu là như thế nào?
Thiếu máu là khi số lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong cơ thể thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn bình thường. Bản chất huyết sắc tố hay hemoglobin chính là một loại protein, trong protein có chứa sắt, làm nhiệm vụ hỗ trợ cho hồng cầu mang oxy từ phổi đến khắp cơ thể. Sự thiếu hụt hay suy giảm hemoglobin chính là nguyên nhân gây bệnh thiếu máu. Khi người bệnh thiếu máu, cơ thể sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, hay bị đau đầu, chóng mặt do lượng máu không đủ để cung cấp oxy cho các mô. Thiếu máu kéo dài không được can thiệp sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như thiếu máu não, suy tim,…
Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu
Ngoài nguyên nhân chính là sự thiếu hụt hemoglobin, bệnh thiếu máu còn có thể do một số nguyên nhân khác như:
- Do chảy máu: Thiếu máu có thể do chảy máu cấp tính như xuất huyết dạ dày – tá tràng hoặc gặp phải các chấn thương nặng, thiếu máu mãn tính do bệnh trĩ, nhiễm giun móc.
- Do thiếu hụt các thành phần tạo máu: Cơ thể thiếu hụt các chất sản xuất máu như sắt, acid folic, vitamin B12, vitamin C, protein,… Tình trạng này còn có tên gọi khác là thiếu máu dinh dưỡng.
- Rối loạn quá trình tạo máu: Các bệnh lý như loạn sản tủy xương, suy tủy hoặc tủy xương bị chèn ép bởi các tế bào ác tính, ung thư tủy xương di căn,… gây rối loạn quá trình tạo máu.
- Do huyết tán: Do các bệnh lý hồng cầu như bệnh hồng cầu hình bia, thiếu hụt men G6PD, bất thường cấu trúc màng, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc rối loạn huyết sắc tố trong thalassemia. Đôi khi cũng có thể do một số nguyên nhân ngoài hồng cầu khác (nhiễm trùng, nhiễm độc, bỏng hay các bệnh lý miễn dịch,…).
Hiểu được rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị bệnh đi đúng hướng và hiệu quả hơn.
Các biểu hiện của bệnh thiếu máu
Biểu hiện của bệnh thiếu máu rất đa dạng nên đôi khi người bệnh có thể bị nhầm lẫn với một số các bệnh lý khác. Cụ thể:
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai, các biểu hiện này càng rõ rệt hơn khi thay đổi tư thế hoặc gắng sức làm việc gì đó.
- Ở người thiếu máu nhiều sẽ gặp phải tình trạng ngất lịm một cách đột ngột.
- Thiếu máu lên não làm suy giảm trí nhớ, đau đầu, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính khí do thiếu máu lên não. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị tê bì chân tay và suy giảm sức lao động cả về thể chất lẫn trí tuệ.
- Đánh trống ngực, khó thở, hồi hộp.
- Thiếu máu cũng gây chán ăn, đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, táo bón.
- Niêm mạc nhợt nhạt, làn da xanh xao, một số trường hợp thiếu máu huyết tán sẽ có biểu hiện như niêm mạc vàng, da vàng.
- Thiếu máu do rối loạn chuyển hóa chất sắt sẽ có biểu hiện như da sạm và niêm mạc có màu nhợt nhạt. So với màu sắc da thì màu sắc niêm mạc sẽ phản ánh chính xác tình trạng thiếu máu hơn.
- Móng tay giòn dễ bị gãy, rụng tóc nhiều, chân móng lõm hoặc bẹt, có khía và màu đục.
Nếu các biểu hiện kéo dài lâu và không thuyên giảm, người bệnh nên thực hiện thăm khám để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng mà cơ thể đang mắc phải.
Tìm hiểu thêm: Xỏ khuyên có được uống bia không?
Tác hại của thiếu máu, thiếu máu nguy hiểm không?
Thiếu máu đem tới rất nhiều các tác hại cho cơ thể. Như bạn có thể thấy, chỉ riêng các triệu chứng của bệnh đã đủ khiến cho người bệnh mệt mỏi, không đủ sức lực để làm bất cứ việc gì, chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Không chỉ thế, thiếu máu còn gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn bao gồm:
- Rối loạn nhịp tim, suy giảm chức năng tim do thiếu máu.
- Khả năng sinh hoạt, làm việc bị ảnh hưởng thậm chí là mất đi, dễ bị ngất xỉu đột ngột.
- Phụ nữ đang mang thai bị thiếu máu sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai và các tai biến sản khoa khi sinh khác.
- Đối với trẻ em, thiếu máu sẽ khiến cho hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu, trí tuệ kém phát triển, kém tập trung, mất ngủ.
- Với nữ giới, thiếu máu làm nhận thức bị suy giảm, suy giảm trí nhớ, sức khỏe yếu nếu như có ý định mang thai.
- Thiếu máu lâu dài không điều trị có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt là các trường hợp đột ngột bị mất một lượng máu lớn chỉ trong thời gian ngắn khiến cho cơ thể không thể hồi phục kịp.
Từ các tác hại của thiếu máu, chắc hẳn bạn đọc cũng đã có câu trả lời cho câu hỏi “Thiếu máu có nguy hiểm không?”. Thiếu máu đặc biệt nguy hiểm và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, vì thế, khi có bất cứ biểu hiện nào nghi ngờ, hãy thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. Không nên chủ quan mà gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
>>>>>Xem thêm: Uống thuốc kháng sinh bị phù mặt phải làm sao?
Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, chúng ta hãy bổ sung thật nhiều các thực phẩm dinh dưỡng chứa sắt và các loại vitamin vào thực đơn hàng ngày. Nếu dung nạp bằng thực phẩm ăn thông thường là chưa đủ, bạn đọc hãy tham khảo sử dụng thêm các thực phẩm chức năng hoặc liên hệ với bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để họ đưa ra lời khuyên phù hợp. Nếu bạn được chẩn đoán bị thiếu máu, đừng lo lắng bởi điều quan trọng nhất là hãy thật kiên trì và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ, cơ thể sẽ hồi phục dần theo thời gian.