Thiếu canxi máu ở trẻ em có thể xảy ra trong những tuần đầu sau sinh hoặc bất cứ lúc nào nếu có thể không nhận đủ lượng canxi cần thiết. Nếu không được điều trị sớm, thiếu canxi máu ở trẻ em có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu dấu hiệu, biến chứng và cách phòng ngừa thiếu canxi máu ở trẻ em
Là một vi chất quan trọng đối với cơ thể, canxi chiếm khoảng 1,5% tổng trọng lượng. Trong đó, có tới 99% lượng canxi tập trung ở xương và răng, 1% còn lại phân bố trong máu, trong tế bào và ngoại bào. Canxi tham gia cấu tạo và quá trình tạo cơ, dẫn truyền thần kinh, đông máu, giải phóng hormone,… Đặc biệt nó rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ em.
Trong nhiều trường hợp, nồng độ canxi trong máu có thể thấp hơn bình thường gây ra tình trạng hạ canxi máu ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Contents
Thiếu canxi máu ở trẻ em là gì? Có nguy hiểm không?
Ở trạng thái bình thường, nồng độ canxi trong máu trong khoảng 8,8 – 10,4 mg/dL. Thiếu canxi máu hay còn gọi là hạ canxi máu xảy ra khi nồng độ canxi máu có giá trị thấp hơn giới hạn bình thường ở trên. Nói cách khác, khi nồng độ canxi toàn phần trong máu nhỏ hơn 8,8 mg/dL, nồng độ ion canxi hóa nhỏ hơn 4,7 mg/dL thì được coi là thiếu canxi máu.
Thiếu canxi máu ở trẻ có thể chia làm 2 dạng bao gồm:
- Thiếu canxi máu khởi phát sớm, thường xảy ra trong vòng 2 ngày đầu sau sinh.
- Thiếu canxi máu khởi phát muộn do chế độ ăn.
Thiếu canxi máu ở trẻ khá nguy hiểm bởi nó có thể ảnh hưởng đến cả tương lai nếu không được điều trị sớm. Tình trạng này dễ khiến trẻ bị còi xương, chậm lớn, hay quấy khóc ban đêm, đau cơ, khó ngủ, đổ mồ hôi trộm. Nhiều trường hợp phát hiện muộn trẻ diễn biến nặng hơn có thể gây suy tim, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, việc tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh để có cách phòng ngừa phù hợp đóng vai trò hết sức quan trọng.
Dấu hiệu trẻ đang bị thiếu canxi máu
Tùy thuộc vào mức độ thiếu canxi, trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nhưng đa số trẻ bị thiếu canxi đều có thể gặp những dấu hiệu điển hình như:
- Trẻ thường bị giật mình khi ngủ, những lúc này trẻ có xu hướng khóc thét, mặt đỏ hoặc tím tái. Đồng thời, các cơ toàn thân co cứng, càng dỗ hay cho bú trẻ càng khóc. Cơn khóc này có thể kéo dài trong nhiều giờ liền, thậm chí cả đêm.
- Xuất hiện những cơn co thắt thanh quản gây nấc cụt, khó thở, ọc sữa,…
- Trẻ có thể bị co rút cơ, co giật, thậm chí động kinh.
- Tóc của trẻ có thể rụng thành hình vành khăn sau gáy.
- Trẻ hoạt động chậm chạp, thở mạnh hơn.
- Một số trường hợp thiếu canxi máu nặng có thể dẫn đến ngừng thở, tăng nhịp tim, suy tim.
Những dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ em kể trên thường bị nhầm lẫn với việc trẻ sơ sinh khóc dạ đề, do trẻ đói hay bị “ma quỷ” trêu đùa,… Hơn nữa, thiếu canxi máu ở giai đoạn nhẹ thường diễn ra âm thầm khó nhận ra khiến cha mẹ chủ quan không cho trẻ thăm khám kịp thời.
Nguyên nhân gây thiếu canxi máu ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu canxi máu ở trẻ như không cung cấp đủ canxi cho trẻ, thiếu vitamin D, suy tuyến cận giáp, nhiễm trùng huyết,… Trong đó phải kể đến 2 nguyên nhân phổ biến nhất dưới đây:
Trẻ bị thiếu hụt canxi
Với những trường hợp thiếu canxi máu khởi phát sớm, nguyên nhân thường do trong thời kỳ mang thai cơ thể người mẹ không được cung cấp đủ canxi, mẹ bị nhiễm độc thai nghén, tiểu đường trong thai kỳ, nhau tiền đạo, cường giáp,… khiến cho trẻ bị thiếu canxi ngay ở giai đoạn bào thai.
Tìm hiểu thêm: Dịch não tuỷ và những thông tin cần biết
Với những trẻ bị thiếu canxi khởi phát muộn, nguyên nhân có thể do không nhận đủ canxi chế độ ăn hàng ngày đối với trẻ đã ăn dặm và từ sữa mẹ, sữa công thức hoặc sữa chứa hàm lượng phốt-phát quá cao (đối với trẻ sơ sinh) gây ra hạ canxi máu.
Thiếu vitamin D
Cũng như canxi, vitamin D đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Chính vì thế, việc không cung cấp đủ vitamin D hoặc thói quen giữ trẻ trong nhà quá lâu sau sinh mà không cho tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tự nhiên cũng có thể gây ra rối loạn chuyển hóa vitamin D. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạ canxi máu.
Cách phòng ngừa thiếu canxi máu ở trẻ em
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có nguy cơ bị thiếu canxi máu nếu không có cách phòng ngừa từ sớm, nhất là trong giai đoạn mang thai. Đặc biệt, những đứa trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ sinh khó, có mẹ bị tiểu đường thai kỳ hay những trẻ có vấn đề ở nhau thai là những trường hợp có nguy cơ bị thiếu canxi máu cao hơn bình thường.
Thiếu canxi máu ở trẻ em thường rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm, đến khi bệnh diễn biến nặng thì mức độ ảnh hưởng đã rất lớn. Do đó, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Để giảm nguy cơ trẻ bị thiếu canxi máu ngay sau sinh, cha mẹ nên thực hiện ngay những cách phòng ngừa dưới đây.
Trong thời gian mang thai
Người mẹ cần cung cấp đủ nhu cầu canxi cần thiết cho cơ thể thông qua chế độ ăn giàu canxi tự nhiên từ thực phẩm như ngũ cốc, trứng gà, sữa, sữa chua, phô mai, rau có màu xanh đậm, kiwi, ổi, tôm, cua, cá, hàu, sò,… Hoặc bổ sung canxi bằng thực phẩm chức năng phù hợp với nhu cầu canxi của cơ thể trong từng giai đoạn của thai kỳ. Ở mỗi giai đoạn, thai phụ sẽ cần lượng canxi khác nhau, dao động trong khoảng từ 1000 đến 1500 mg/ngày. Việc bổ sung bằng thực phẩm chức năng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh tình trạng dư thừa canxi cũng không tốt cho sức khỏe.
>>>>>Xem thêm: Siêu âm thai bao nhiêu tiền? 9 mốc khám quan trọng mẹ bầu cần nhớ
Ngoài ra, mẹ bầu nên hạn chế ăn nhiều muối, cà phê, rượu, bia,… vì chúng có thể làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Bên cạnh đó, nên thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để phát hiện sớm tình trạng thiếu canxi trong thai kỳ.
Sau sinh
Phụ nữ sau sinh cần tiếp tục duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, không cần kiêng khem quá mức nhất là các loại hải sản chứa lượng canxi lớn. Vì lúc này trẻ sẽ hấp thụ hoàn toàn canxi có trong sữa mẹ. Nên cho trẻ bú sớm ngay sau sinh và duy trì ít nhất trong 6 tháng đầu tiên, và tốt nhất đến khi 2 tuổi. Ngoài ra, nên cho trẻ tắm nắng buổi sáng, đồng thời bổ sung vitamin D để hỗ trợ hấp thu canxi hiệu quả.
Trên đây là những thông tin về bệnh thiếu canxi máu ở trẻ em. Tình trạng này có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. Do đó, nếu trong quá trình chăm sóc trẻ có dấu hiệu hạ canxi máu như đã đề cập ở trên thì cần cho trẻ đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và có phương án điều trị càng sớm càng tốt.