Da nổi đốm đỏ khiến không ít người lo lắng. Tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu 10 nguyên nhân phổ biến khiến da xuất hiện những đốm đỏ có thể ngứa hoặc không ngứa.
Bạn đang đọc: 10 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng da nổi đốm đỏ
Có nhiều nguyên nhân khiến da nổi đốm đỏ. Tùy theo từng nguyên nhân mà chúng ta có những biện pháp điều trị phù hợp. Có trường hợp da nổi đốm đỏ không ngứa, nhưng cũng có trường hợp nổi đốm đỏ trên da kèm theo triệu chứng ngứa, rát, gây đau,… Do đó, khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên da, bạn cần chú ý theo dõi để kịp thời có biện pháp can thiệp khi các dấu hiệu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là 10 nguyên nhân khiến da nổi đốm đỏ phổ biến:
Contents
Da nổi đốm đỏ do vảy phấn hồng
Bệnh vảy phấn hồng (hay còn gọi là phát ban cây giáng sinh) là tình trạng viêm da, khiến da nổi đốm đỏ, được biểu hiện dưới dạng một mảng hình bầu dục màu đỏ trông giống như cây thông noel ở vùng ngực, lưng hoặc bụng. Ngoài mảng lớn này, da có thể xuất hiện thêm các mảng nhỏ hơn sau đó ở những vùng khác của cơ thể.
Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh vảy phấn hồng vẫn chưa rõ ràng, song, theo các nhà nghiên cứu việc nhiễm virus có thể gây ra tình trạng này.
Bên cạnh triệu chứng phát ban, gây ngứa, bệnh vảy phấn hồng còn khiến người bệnh gặp phải một số triệu chứng khác đi kèm như:
- Viêm họng;
- Mức độ ngứa nghiêm trọng hơn khi tắm hoặc tập thể dục;
- Đau đầu;
- Sốt.
May mắn là những triệu chứng của bệnh vảy phấn hồng thường biến mất sau đó mà không cần điều trị. Trường hợp bệnh nhân muốn làm dịu cơn ngứa do bệnh vảy phấn hồng thì có thể dùng liệu pháp kem dưỡng da hoặc tắm bột yến mạch.
Phát ban do nhiệt khiến da nổi đốm đỏ
Bên cạnh bệnh vảy phấn hồng thì tình tình trạng phát ban do nhiệt cũng có thể khiến da nổi đốm đỏ. Phát ban do nhiệt thường gặp khi thời tiết nóng ẩm, tuyến mồ hôi bị tắc, dẫn đến các vết sưng đỏ giống như mụn nước xuất hiện trên da kèm theo gây ngứa và đau. Phát ban do nhiệt chủ yếu xuất hiện ở những nơi da cọ xát với nhau. Người lớn thường bị ở vùng nách hay nơi quần áo cọ xát vào da. Còn ở trẻ sơ sinh, phát ban do nhiệt thường hình thành quanh cổ.
Khi da nguội đi, tình trạng phát ban do nhiệt sẽ tự biến mất. Người bị phát ban do nhiệt có thể dùng thuốc mỡ và kem để làm dịu cơn ngứa. Trường hợp nghiêm trọng hơn thì có thể dùng kem bôi da có chứa steroid để kiểm soát triệu chứng.
Da nổi đốm đỏ do viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc phát sinh khi da bạn gặp phải những chất kích thích hoặc dị ứng. Khi bị viêm da tiếp xúc, bạn sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như đỏ, phát ban, sưng, ngứa, mụn nước, lớp vỏ hoặc vảy trên da….
Khi bị viêm da tiếp xúc, thông thường phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra phản ứng. Một số loại kem không kê đơn và thuốc kháng histamin có thể giúp kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên nếu phản ứng nghiêm trọng hơn, tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chỉ định loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
Bệnh zona
Bệnh zona do virus varicella zoster gây ra, biểu hiện dưới dạng phát ban gây đau đớn kèm theo mụn nước, thường tạo thành một đường ở một bên cơ thể. Nếu bạn đã bị thủy đậu, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh zona.
Bệnh zona thường tấn công những người lớn tuổi nhiều hơn (trên 50 tuổi), do đó việc tiêm phòng để ngăn ngừa triệu chứng là rất quan trọng. Người bệnh có thể dùng thuốc kháng vi-rút để rút ngắn thời gian phát ban trên cơ thể. Ngoài ra, các loại thuốc giảm đau, kem chống ngứa sẽ giúp cải thiện triệu chứng khó chịu.
Chứng ngứa của người bơi lội
Da nổi đốm đỏ còn có thể do chứng ngứa của người bơi lội. Bơi lội trong nước bị nhiễm ký sinh trùng có thể khiến da bị phát ban, nổi đốm đỏ.
Ký sinh trùng sẽ bám vào da khi bạn bơi lội trong nước và gây ra phản ứng. Điển hình là đốm đỏ kèm theo ngứa trên da. Ngoài ra, da còn có thể bị nổi mụn hoặc mụn nước nhỏ màu đỏ.
Với nguyên nhân này, bạn không cần quá lo lắng vì triệu chứng da nổi đốm đỏ, ngứa,… thường tự khỏi sau khoảng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Nếu muốn nhanh chóng giảm triệu chứng ngứa, bạn có thể dùng các loại kem chống ngứa để cải thiện.
Hắc lào
Nhiều người không biết khi bị hắc lào sẽ thấy xuất hiện tình trạng phát ban đỏ, có đốm, có viền nổi lên theo hình tròn xung quanh ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Hắc lào do một loại nấm gây ra nên chỉ khi loại nấm này bị tiêu diệt thì bệnh nhân mới hết phát ban.
Đáng lo ngại hơn là bệnh hắc lào rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Do đó, khi bị hắc lào, bạn nên khám bác sĩ da liễu để được kê đơn thuốc kháng nấm để điều trị.
Tìm hiểu thêm: Hormone insulin là gì? Các loại insulin
Da nổi đốm đỏ do viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng là một loại bệnh chàm phổ biến với nguyên nhân chưa được xác định. Thông thường, chứng viêm da dị ứng bắt đầu ở trẻ sơ sinh, khi trẻ lớn hơn thì biến mất. Tuy nhiên, khả năng bệnh này có thể tái phát khi trẻ ở vào độ tuổi trưởng thành.
Theo các nhà nghiên cứu, yếu tố di truyền hay phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch đối với tác nhân gây dị ứng mà cơ thể tiếp xúc có thể là nguyên nhân gây ra viêm da dị ứng. Khi bị bệnh, bạn sẽ cảm giác da đau và ngứa, sau đó là tình trạng khô, đỏ và nứt nẻ. Bạn cần tránh cho vùng da tổn thương bị trầy xước quá nhiều, vì nếu không sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, gây ra mụn nước chảy dịch màu vàng.
Để điều trị viêm da dị ứng, kiểm soát các cơn bùng phát, cải thiện triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng một số loại kem bôi da phù hợp với tình trạng bệnh.
Da nổi đốm đỏ do bệnh Lichen phẳng
Tuy ít gặp và nguyên nhân cũng chưa được xác định nhưng Lichen phẳng có khả năng gây ra các vết sưng đỏ, nổi lên ở các vùng khác nhau trên cơ thể. Thông thường, Lichen phẳng sẽ xuất hiện trên cổ tay, lưng và mắt cá chân. Theo đó, da vùng bị ảnh hưởng có thể trở nên sần sùi và có vảy, đôi khi kèm theo ngứa.
Điều đáng lo ngại là bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ để đưa ra chẩn đoán thích hợp, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp, có thể bao gồm dùng kem bôi, liệu pháp tiếp xúc với ánh sáng kết hợp với thuốc theo toa.
Da nổi đốm đỏ do bệnh vảy nến
Là căn bệnh tự miễn, vảy nến được đặc trưng với các mảng ngứa, có vảy hình thành trên da. Bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở vùng khuỷu tay, đầu gối, da đầu hay thậm chí bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể.
Ở những vùng da bệnh, các tế bào da sẽ phát triển nhanh hơn bình thường, tích tụ nhiều khiến da dày hơn. Người bị vảy nến chắc chắn sẽ rất khó chịu bởi những vùng da dày, ngứa và rát thường trực. Lưu ý bạn là bệnh vảy nến có nhiều loại với các biểu hiện triệu chứng khác nhau. Khi bị vảy nến, tốt nhất là bệnh nhân nên khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ xem xét dựa trên kết quả tình trạng bệnh để chỉ định dùng kem dưỡng ẩm da, thuốc bôi ngoài da, liệu pháp ánh sáng và thuốc tiêm cho phù hợp.
Da nổi đốm đỏ do thuốc
Khi bạn đang dùng thuốc uống/thuốc bôi để điều trị một tình trạng bệnh lý nào đó mà cơ thể có phản ứng dị ứng với loại thuốc này thì có thể dẫn đến tình trạng phát ban, hay da nổi đốm đỏ.
Phát ban do thuốc có nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào loại thuốc đang dùng cũng như cách thức thuốc phản ứng trên cơ thể. Có những trường hợp nghiêm trọng bạn phải cần đến bác sĩ can thiệp.
>>>>>Xem thêm: Xỏ khuyên mũi bị lồi thịt: Nguyên nhân, cách vệ sinh lỗ xỏ và lưu ý để ngăn ngừa sẹo
Do đó, nếu gần đây bạn có dùng loại thuốc mới nào đó mà nhận thấy cơ thể xuất hiện biểu hiện bất thường, điển hình là da nổi đốm đỏ, bạn nên ngưng thuốc và khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân cũng như chỉ định dùng một số loại thuốc có chứa steroid hoặc thuốc kháng histamin giúp cải thiện triệu chứng.
Tóm lại, da nổi đốm đỏ do nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Vấn đề là bạn cần phát hiện và đi khám sớm khi phát hiện bất thường trên da. Tránh việc tự ý dùng thuốc hay áp dụng những mẹo dân gian để cải thiện tình trạng bệnh. Việc làm này không những không kiểm soát được bệnh mà nhiều khả năng còn khiến bệnh trở nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị.