Siêu âm tim gắng sức là một trong những phương pháp giúp đánh giá hoạt động co bóp của cơ tim cũng như chức năng tim phổ biến hiện nay. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, KenShin sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất xoay quanh thăm dò cận lâm sàng này. Vì thế, đừng bỏ qua bài viết dưới đây bạn nhé.
Bạn đang đọc: Siêu âm tim gắng sức và lưu ý khi thực hiện siêu âm tim gắng sức
Siêu âm tim gắng sức là gì và chỉ định cũng như chống chỉ định của phương pháp này ra sao? Đây vẫn luôn là câu hỏi được nhiều độc giả đăng tải trên các diễn đàn chăm sóc sức khỏe. Hãy cùng KenShin tìm hiểu về phương pháp siêu âm tim gắng sức ngay nhé.
Contents
Tổng quan về phương pháp siêu âm tim gắng sức
Siêu âm tim gắng sức là một trong những thăm dò cận lâm sàng giúp các bác sĩ theo dõi hoạt động của tim thông qua bài kiểm tra gắng sức với mục đích kích thích môi trường căng thẳng trong tim. Nhờ vào sóng siêu âm, các bác sĩ sẽ so sánh hình ảnh của tim trước và sau khi gắng sức, cho phép xác định các thay đổi hay bất kỳ bất thường nào xảy ra tại tim.
Kết quả của phương pháp siêu âm tim gắng sức có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh động mạch vành, đánh giá bệnh van tim, phát hiện tắc nghẽn khi gắng sức đối với người mắc bệnh cơ tim phì đại, đánh giá khả năng gắng sức từ đó đưa ra bài tập phù hợp với tình trạng của sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, thông qua phương pháp này, các bác sĩ cũng có thể đánh giá được hiệu quả của phương pháp điều trị và thay đổi nếu cần.
Các hình thức của siêu âm tim gắng sức
Hiện nay, siêu âm tim gắng sức có 2 hình thức đó là siêu âm gắng sức bằng thuốc Dobutamine và siêu âm gắng sức bằng đạp xe. Tùy vào tình trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp siêu âm tim gắng sức phù hợp.
Siêu âm tim gắng sức bằng đạp xe
Siêu âm tim gắng sức bằng đạp xe là trắc nghiệm yêu cầu người bệnh đạp xe với các tốc độ khác nhau và thường sau mỗi 3 phút sẽ tăng dần tốc độ. Bài kiểm tra sẽ kết thúc khi người bệnh đạt tần số tim đích, lúc này các bác sĩ có thể kết luận được kết quả của nghiệm pháp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bài tập kiểm tra có thể phải dừng lại khi người bệnh cảm thấy quá mệt và không thể tiếp tục gắng sức được nữa.
Trắc nghiệm này được thực hiện nhằm đánh giá tim của bạn bao gồm siêu âm tim, điện tâm đồ và một bài tập được thực hiện trên chiếc giường đặc biệt có gắn sẵn bàn đạp. Các bác sĩ sẽ tiến hành so sánh hoạt động của tim lúc nghỉ ngơi và khi gắng sức. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá sự tiến triển của bệnh cũng như chẩn đoán bệnh tim ở giai đoạn phát triển ban đầu.
Siêu âm tim gắng sức Dobutamine
Phương pháp này được chỉ định khi bạn không thể thực hiện siêu âm tim gắng sức bằng hình thức đạp xe. Ở phương pháp này, người bệnh sẽ được đặt một đường truyền và thuốc Dobutamine được truyền qua tĩnh mạch. Thuốc có tác dụng khiến tim đập nhanh hơn tương tự như khi tập thể dục gắng sức. Sau khi dùng thuốc, người bệnh sẽ cảm nhận rõ điều này. Khi nhịp tim tăng lên, các bác sĩ sẽ đồng thời siêu âm tim, đo nhịp tim để quan sát và nhận định.
Với hình thức siêu âm tim gắng sức này, kết quả đưa ra có độ chính xác khá cao, giúp bác sĩ đánh giá được hoạt động của tim khi gắng sức từ đó đưa ra câu trả lời về các triệu chứng của bệnh cũng như thông báo kế hoạch điều trị hiệu quả hay không.
Trong quá trình truyền Dobutamine, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như chóng mặt, hồi hộp, khó thở, đau ngực, tăng hoặc giảm huyết áp… Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ thoáng qua và sẽ giảm khi dừng truyền thuốc.
Chỉ định và chống chỉ định của siêu âm tim gắng sức
Siêu âm tim gắng sức được chỉ định và chống chỉ định trong các trường hợp sau:
Chỉ định siêu âm tim gắng sức
Siêu âm tim gắng sức được chỉ định trong các trường hợp:
- Có triệu chứng nghi ngờ bệnh tim mạch như cơn đau thắt ngực, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt… Phương pháp này giúp đánh giá chức năng tim trong khi tập luyện và tăng cường hoạt động từ đó xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng nêu trên đồng thời đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Người bệnh có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tiền sử gia đình, thường xuyên hút thuốc, các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao… Kỹ thuật này có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá chức năng tim và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Đánh giá hiệu quả điều trị: Siêu âm tim gắng sức cũng là một trong những phương pháp giúp đánh giá hiệu quả điều trị và đưa ra hướng điều trị tiếp theo cho người mắc bệnh tim mạch.
Siêu âm tim gắng sức chống chỉ định khi nào?
Mặc dù siêu âm tim gắng sức được đánh giá là khá an toàn, song phương pháp này chống chỉ định đối với một số trường hợp như:
- Người bệnh có tiền sử dị ứng thuốc có chứa thành phần là dipyridamole hay dobutamine chống chỉ định với phương pháp siêu âm tim gắng sức bằng thuốc Dobutamine.
- Người bệnh bị suy tim nặng, suy tim cấp hoặc hội chứng giảm áp đột ngột.
- Các đối tượng đang mắc các bệnh lý liên quan đến phổi nặng hoặc các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện tập thể dục và đánh giá chức năng tim.
- Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành nặng, bệnh mạch vành không ổn định và người bệnh đã trải qua phẫu thuật tạo bắc cầu động mạch vành trong vòng 3 tháng trước đó.
- Người bệnh có tiền sử loạn nhịp nặng hoặc đang sử dụng thuốc chống loạn nhịp.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm RPR là gì? Tại sao cần làm xét nghiệm RPR?
Cần lưu ý gì khi thực hiện siêu âm tim gắng sức?
Phương pháp siêu âm tim gắng sức được thực hiện tại phòng siêu âm và thời gian thực hiện sẽ kéo dài từ 45 – 60 phút. Khi thực hiện kỹ thuật siêu âm tim gắng sức, người bệnh cần lưu ý:
- Nhịn ăn tối thiểu 4 tiếng trước khi thực hiện, bạn có thể uống thuốc hoặc nước lọc trong ngày thực hiện nghiệm pháp siêu âm tim gắng sức.
- Không hút thuốc lá vào ngày thực hiện siêu âm tim gắng sức bởi nicotin trong thuốc lá có thể gây ảnh hưởng nhịp tim. Thêm vào đó, người bệnh cũng cần tránh sử dụng các thức uống có chứa caffeine.
- Nếu bạn đang sử dụng loại thuốc nào đó thì hãy thông báo với bác sĩ để bác sĩ nắm được và đưa ra hướng xử trí có nên sử dụng thuốc đó hay không.
- Mặc quần áo và mang giày chạy để đảm bảo nghiệm pháp gắng sức bằng xe đạp được thực hiện tốt và hiệu quả.
- Sau khi thực hiện siêu âm tim gắng sức, bạn sẽ được nằm lại theo dõi trong khoảng từ 10 – 15 phút. Khi sức khỏe đã ổn, bạn có thể ăn và về nhà. Trong ngày thực hiện nghiệm pháp siêu âm tim gắng sức, bạn nên có người nhà đi cùng.
>>>>>Xem thêm: Dầu thực vật ăn chay được không? Lưu ý khi nấu ăn bằng dầu thực vật
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản nhất xoay quanh phương pháp siêu âm tim gắng sức mà KenShin đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết sức khỏe hôm nay, bạn đọc sẽ có cái nhìn chính xác hơn về nghiệm pháp đánh giá chức năng tim này. Cảm ơn bạn đã luôn dõi theo và hãy tiếp tục đồng hành cùng KenShin bạn nhé.