Viêm da dầu cánh mũi là một vấn đề mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, đặc biệt là đối với những người thuộc loại da dầu nhờn. Để hiểu hơn về tình trạng này và các biện pháp khắc phục viêm da dầu ở cánh mũi hiệu quả thì hãy cùng theo dõi bài viết sau nhé!
Bạn đang đọc: Viêm da dầu cánh mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục
Viêm da dầu cánh mũi không chỉ gây khó chịu, ngứa ngáy cho người mắc phải mà còn khiến vẻ ngoài trở nên kém sắc, ảnh hưởng tới sự tự tin khi giao tiếp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi giới tính.
Contents
Viêm da dầu cánh mũi là gì?
Viêm da dầu hay viêm da tiết bã là một bệnh lý về da rất phổ biến. Nó liên quan tới quá trình sản xuất dầu nhờn trên da, nhất là ở những vùng có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ như dưới cánh mũi, hai bên má, da đầu, sau tai, cung chân mày,…
Khi bị viêm da dầu cánh mũi, tuyến bã nhờn thường hoạt động bất bình thường, khiến cho vùng da này trở nên bóng nhẫy dầu, sưng đỏ và ngứa ngáy. Tình trạng viêm da dầu này có thể lan rộng ra vùng hai bên má, cằm và thậm chí là toàn mặt.
Viêm da dầu cánh mũi thường không gây nguy hiểm cho người mắc phải. Tuy nhiên, bệnh có thể khiến chúng ta cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và làm mất thẩm mỹ cho vẻ ngoài.
Nguyên nhân gây ra viêm da dầu ở cánh mũi
Nguyên nhân gây ra viêm da dầu ở cánh mũi vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng theo các giả thuyết thì có thể bao gồm những yếu tố như:
- Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức hoặc bị rối loạn: Cánh mũi là vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn so với các vùng da khác. Do đó, khi tuyến bã nhờn hoạt động quá mức hoặc bị rối loạn tuyến nhờn sẽ dẫn đến sản xuất quá nhiều dầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm men phát triển gây viêm nhiễm.
- Sự phát triển quá mức của nấm men Malassezia: Nấm men Malassezia là loại nấm thường trú trên da, hoạt động trên tầng thượng bì khiến da bị khô, bong tróc, làm tăng sinh tế bào chết.
- Yếu tố di truyền: Theo các giả thuyết, những bệnh lý da liễu có mối liên hệ với di truyền. Do đó, những người có người thân trong gia đình bị viêm da dầu thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Lối sống và dinh dưỡng không khoa học: Việc thức khuya, căng thẳng, làm việc quá sức, ăn uống quá nhiều thức ăn chiên xào; cay nóng; chứa chất kích thích có thể làm tăng quá trình sản xuất dầu nhờn trên da. Từ đó cũng có nguy cơ mắc viêm da dầu cánh mũi cao hơn.
- Suy yếu hệ miễn dịch: Khi hệ miễn dịch bị suy yếu đi thì hàng rào bảo vệ làn da cũng bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy càng dễ mắc phải viêm da dầu ở cánh mũi, đặc biệt là với những người đang bị HIV, tiểu đường, đang điều trị bệnh bằng hóa chất,…
Ngoài ra, những người có cơ địa nhạy cảm kết hợp sở hữu làn da nhờn cũng được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đối tượng khác.
Dấu hiệu viêm da dầu cánh mũi
Viêm da dầu cánh mũi thường có các dấu hiệu nhận biết rất rõ rệt. Có thể phát hiện bệnh về da này thông qua những triệu chứng như:
- Vùng da chữ T, nhất là vùng xung quanh cánh mũi sưng đỏ nhẹ, có các triệu chứng viêm da.
- Màu da ở vùng mũi sẽ trở nên hồng hoặc đỏ, khi tiếp xúc với các tác nhân như bụi bẩn, ánh nắng thì càng trở nên nổi đỏ nhiều hơn. Đặc biệt là có đường ranh giới rõ rệt so với những vùng da bình thường xung quanh.
- Vùng da hai bên cánh mũi bắt đầu xuất hiện tình trạng đóng vảy trắng hoặc vàng. Tình trạng này lặp đi lặp lại liên tục trong nhiều ngày.
- Da đổ nhiều dầu nhờn kèm theo bong vảy.
- Có thể bị ngứa ngáy, sưng đỏ, châm chích kèm rát nhẹ.
Tìm hiểu thêm: Huyết áp 200 có nguy hiểm không?
Cách khắc phục viêm da dầu cánh mũi
Để khắc phục viêm da dầu cánh mũi hiệu quả và nhanh chóng, chúng ta cần kết hợp giữa các phương pháp điều trị y khoa và tự chăm sóc tại nhà. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến nhất dành cho bạn tham khảo:
Các phương pháp điều trị Tây y
Phương pháp này thường giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Tuy vậy, cần nhận sư tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa trước khi lựa chọn cách điều trị này, bởi việc thoa và uống thuốc tây y có thể gặp một số các tác dụng phụ không mong muốn khác.
Những loại thuốc trị viêm da dầu thoa ngoài da và uống thường được sử dụng đó là:
- Thuốc bôi ngoài da có chứa axit salicylic giúp kích thích làm bong tróc để loại bỏ đi các lớp da chết. Đồng thời còn hỗ trợ kháng viêm, diệt khuẩn.
- Nếu qua các kiểm tra phát hiện có nấm men Malassezia trên da, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng những loại thuốc có tác dụng tiêu diệt nấm.
- Có thể được chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để giúp ngăn ngừa viêm và cân bằng hệ miễn dịch.
- Ngoài ra còn có các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin hoặc vitamin, kem dưỡng da khác để hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn.
Cách tự chăm sóc tại nhà
Để đẩy nhanh quá trình điều trị và phòng ngừa viêm da dầu cánh mũi, bạn có thể tham khảo áp dụng những cách tự chăm sóc tại nhà như sau:
- Luôn giữ vệ sinh da sạch sẽ. Nên tẩy trang, rửa sạch da mặt 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối.
- Không nên cào, gãi mạnh lên da. Bởi hành động này sẽ làm tổn thương da và khiến tình trạng viêm da dầu cánh mũi trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chọn các sản phẩm chăm sóc da lành tính, có chiết xuất từ tự nhiên. Nhất là không chứa hương liệu, hóa chất mạnh, dầu khoáng, cồn hoặc các thành phần gây kích ứng da khác.
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm máu vi sinh là gì? Có ý nghĩa như thế nào?
Viêm da dầu cánh mũi là một vấn đề rất phổ biến và thường gặp khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, nếu nhận biết được bệnh và có cách áp dụng các biện pháp khắc phục đúng hướng thì sẽ giúp cải thiện tình trạng này nhanh chóng. Vậy nên hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu hơn để khắc phục bệnh lý về da này thật hiệu quả nhé!