Bạn đọc đã bao giờ nghe qua khái niệm “Siêu âm qua thóp” ở trẻ em hay chưa? Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại mà có rất nhiều các phương pháp siêu âm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ lại giúp phát hiện ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Siêu âm qua thóp ở trẻ em để làm gì?
Vậy, siêu âm qua thóp ở trẻ em để làm gì? Siêu âm qua thóp được chỉ định khi nào? Để tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp siêu âm qua thóp, mời bạn đọc hãy chú ý theo dõi bài viết dưới đây để nắm thêm các thông tin bổ ích.
Contents
Siêu âm qua thóp ở trẻ em để làm gì?
Siêu âm qua thóp là phương pháp tiếp cận không xâm lấn và không gây đau đớn, sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của não được chỉ định nhiều nhất cho đối tượng là trẻ sơ sinh non tháng để giúp phát hiện ra một số các dị tật bẩm sinh và các bệnh lý như: Viêm não – màng não, não úng thủy, xuất huyết não, nhồi máu não,… Đây là phương pháp giúp chẩn đoán các vấn đề về thần kinh trung ương cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Khi mà các thóp của trẻ lúc này vẫn chưa đóng kín. Đặc biệt là trẻ em sinh thiếu tháng dễ gặp phải các tổn thương ở hệ thần kinh hơn trẻ em bình thường.
Vậy, thóp là gì? Thóp là vị trí chưa khép hết của xương sọ do sọ tạo ra và có tất cả 6 thóp bao gồm: Thóp trước, thóp sau, 2 thóp thái dương và 2 thóp chũm.
Siêu âm thóp có rất nhiều ưu điểm tốt cho trẻ em như dễ làm, không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, có thể thực hiện ngay tại giường bệnh và chi phí thấp. Tuy nhiên, phương pháp cũng sẽ có một số hạn chế nhất định như khó đánh giá vùng hố sau và các mặt lồi của não, việc đánh giá tổn thương trong bệnh lý bất thường di trú tế bào thần kinh và loạn sản vỏ não cũng không dễ dàng. Khi thực hiện siêu âm trẻ cần phải cạo nhiều tóc.
Bác sĩ chỉ định siêu âm qua thóp khi nào?
Nếu trẻ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì rất có thể bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm qua thóp cho trẻ. Cụ thể:
- Trẻ sinh non, thiếu tháng và cần sự chăm sóc đặc biệt. Siêu âm thóp ở trẻ thiếu tháng sẽ giúp loại trừ các biến chứng thần kinh nguy hiểm do sinh non như tổn thương chất trắng quanh não thất do ngạt hay xuất huyết não. So với trẻ đủ tháng thì trẻ sinh non có nguy cơ gặp phải các tổn thương này cao hơn.
- Kích thước đầu của trẻ to bất thường.
- Thóp của trẻ bị phồng.
- Trẻ có các triệu chứng bất thường về thần kinh như rối loạn vận động, hội chứng não-màng não,…
Nếu trẻ phải thực hiện phương pháp này, các bậc phụ huynh hãy lưu ý cho trẻ bú trước khi thực hiện và giữ tâm lý ổn định, không cần quá lo lắng.
Bệnh lý thường gặp trong siêu âm thóp
Bệnh đầu to lành tính
Benign macrocrania hay còn được gọi là bệnh đầu to lành tính, não to lành tính. Đây là bệnh lý do não úng thủy ngoài hệ thống não thất. Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi là đối tượng thường mắc phải bệnh lý này. Bệnh khiến cho vòng đầu của trẻ to bất thường và sau 2 tuổi kích thước mới trở về bình thường. Nguyên nhân gây ra bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên thường là do bố hoặc mẹ đầu bị to ở độ tuổi này. Siêu âm thóp sẽ giúp đánh giá dịch khoang dưới nhện bề mặt não và hệ thống não thất khi trẻ có vòng đầu to. Thông thường, hệ thống não thất sẽ hơi rộng, khoang dưới nhện có kích thước bình thường nhưng cũng có thể > 3.3 mm. Trẻ mắc bệnh lý này vẫn sẽ phát triển bình thường nhưng cũng sẽ có một số trẻ có biểu hiện bị chậm phát triển nhẹ.
Bệnh lý mạch máu do lắng đọng khoáng chất
Bệnh lý mạch máu do lắng đọng khoáng chất – Mineralizing vasculopathy là tình trạng các khoáng chất bị lắng đọng tại các vị trí mạch máu ở vùng nhân bèo, đồi thị. Khoáng chất bị lắng đọng lâu ngày sẽ gây ra tình trạng vôi hóa thành mạch. Trẻ ở thời kỳ chu sinh rất dễ mắc phải tình trạng này và các triệu chứng thường không rõ ràng.
Một số các bệnh lý khác
Thực hiện siêu âm qua thóp cũng giúp phát hiện một số các bệnh lý khác như:
- Não úng thủy: Não bị mất cân bằng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tủy hoặc dòng chảy bị tắc nghẽn.
- Nhồi máu não: Các mạch máu trong não bị tắc nghẽn gây ra sự thiếu oxy. Các tế bào não thiếu oxy sẽ bị hoại tử và hệ thần kinh trung ương bị tổn thương nặng nề.
- Xuất huyết não: Tình trạng máu tràn vào mô não và gây ra các tổn thương cho não.
- Các dị dạng nang, não úng: Dư thừa dịch não thủy có thể khiến cho não bị úng.
- Viêm màng não: Tình trạng viêm ở màng não và khoang dưới nhện gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Tìm hiểu thêm: Tinh trùng sống được bao lâu trong tử cung sau khi xuất tinh?
Siêu âm qua thóp được thực hiện như thế nào?
Thông thường, siêu âm qua thóp sẽ được các bác sĩ thực hiện tại khoa X-quang của bệnh viện hoặc trong một trung tâm X-quang. Phụ huynh có thể ở bên cạnh con trong lúc thực hiện siêu âm để hỗ trợ và trấn an trẻ.
Nếu việc đưa trẻ đến khoa X-quang để thực hiện siêu âm gặp khó khăn thì rất có thể một máy siêu âm cầm tay sẽ được mang tới tận nơi để thực hiện siêu âm cho trẻ và đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) thường là đơn vị thực hiện việc này.
Siêu âm thóp cũng có thể được thực hiện trên lưng hoặc bụng của bé, thậm chí là qua vòng tay của các bậc phụ huynh nếu cần thiết. Để thực hiện siêu âm, các bác sĩ sẽ bôi một lớp gel trong, ấm lên da đầu của bé. Loại gel này có tác dụng truyền sóng âm thanh. Tiếp đến, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò trên gel. Quá trình thăm khám thường sẽ mất từ 15 đến 30 phút để máy phân tích dữ liệu và cho ra kết quả siêu âm chính xác.
>>>>>Xem thêm: Phân biệt hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh
Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc một số thông tin về siêu âm qua thóp ở trẻ em. Phụ huynh hãy lưu ý, điều quan trọng khi thực hiện siêu âm đó chính là kết quả siêu âm phụ thuộc rất nhiều vào chuyển động, do đó, nếu trẻ khóc hoặc liên tục hoạt động sẽ làm cho quá trình kiểm tra bị chậm lại và kết quả không được chính xác. Để việc siêu âm diễn ra tốt đẹp, bố mẹ hãy cho trẻ ăn hoặc ngậm núm vú giả, cầm đồ chơi yêu thích giúp trẻ thoải mái trong quá trình siêu âm. Lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện siêu âm cũng là một việc quan trọng, phụ huynh nên tham khảo và tìm hiểu trước khi cho con thực hiện.