Phát ban nhiệt là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh vào mùa hè. Mặc dù phát ban nhiệt không gây nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh lâu lành và dễ gặp biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Phát ban nhiệt và cách điều trị hiệu quả
Phát ban nhiệt là bệnh tổn thương da bởi nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có thể là do nóng trong người. Vậy điều trị phát ban nhiệt như nào hiệu quả?
Contents
Phát ban nhiệt là bệnh gì?
Phát ban nhiệt là căn bệnh ngoài da khá quen thuộc với nhiều người, còn được gọi là rôm sảy hay ban đỏ. Tình trạng này thường gặp nhiều nhất ở trẻ em ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở giai đoạn sơ sinh.
Khi mắc bệnh này, trên da của bạn sẽ xuất hiện các nốt phát ban màu đỏ li ti giống mụn nước. Các vết này thường xuất hiện trên da ở các vùng như trán, cổ, vai, ngực, các nếp gấp của cơ thể khi thời tiết nắng nóng.
Phát ban nhiệt có thể phân loại thành 3 dạng:
- Phát ban hạt kê (ban hạch): Là những bóng nước li ti thành từng đám, không viêm, không đỏ và không gây ngứa, thường biến mất sau vài giờ.
- Phát ban kê đỏ (rôm sảy): Là dạng thường gặp nhất, bóng nước xuất hiện thành chùm hoặc rời rạc lấm tấm đỏ trên da. Ban kê đỏ gây rát ngứa, châm chích rất khó chịu.
- Phát ban kê sâu (kê mủ): Hiếm gặp nhưng nguy hiểm nhất, thường tái phát nhiều lần tạo thành các mảng mụn cứng, màu đậm, ít ngứa nhưng dễ khiến người bệnh bị kiệt sức.
Nguyên nhân gây ra phát ban nhiệt
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng phát ban nhiệt là do thời tiết quá nóng, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi khiến lỗ chân lông bị bịt kín làm làn da bị kích ứng nổi phát ban. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân sau cũng có thể gây ra phát ban nhiệt:
- Mặc quá nhiều quần áo khiến cơ thể bị nóng;
- Bị sốt;
- Hoạt động ra nhiều mồ hôi;
- Phát ban nhiệt do nóng trong người.
Phát ban nhiệt không gây đau đớn nhưng sẽ gây ngứa rất khó chịu. Đặc biệt do bệnh này thường gặp ở trẻ em nên trẻ thường sẽ quấy khóc nhiều vì ngứa, sẽ gãi các chỗ phát ban làm rách ra và dễ gây nhiễm trùng.
Cách điều trị phát ban nhiệt tại nhà hiệu quả
Đối với người lớn bị phát ban nhiệt thì chỉ cần giữ cơ thể thoáng mát thì tình trạng sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Còn đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thì cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc trẻ:
Làm mát cho trẻ: Cha mẹ nên di chuyển trẻ vào phòng có máy lạnh hoặc nơi râm mát để giảm ảnh hưởng của nhiệt độ. Nới lỏng quần áo cho trẻ hoặc thay cho trẻ những bộ đồ thấm hút mồ hôi tốt, rộng rãi, thoáng mát. Có thể sử dụng khăn ẩm lau cho trẻ để làm mát và dịu da. Chú ý sau khi tắm cho trẻ thì nên lau nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các bọng nước phát ban.
Hạ sốt, bù nước và điện giải: Một số trẻ khi bị phát ban nhiệt sẽ bị sốt kèm theo. Vì vậy cha mẹ cần hạ sốt cho trẻ bằng thuốc hạ sốt, chườm ấm không quá 10 phút/giờ cho trẻ. Bên cạnh đó cha mẹ có thể bù nước và điện giải cho trẻ bằng nước hoa quả, Oresol. Theo dõi tình trạng của trẻ để kịp thời xử lý nếu cơn sốt không hạ sau khi đã thực hiện các biện pháp hạ sốt cho trẻ.
Không tự dùng kem bôi da, tắm nước lá: Hiện nay rất nhiều cha mẹ tự ý sử dụng các loại kem bôi da cho trẻ nhưng không có chỉ định của bác sĩ. Việc làm này có thể không giúp tình trạng phát ban nhiệt giảm nhẹ mà còn có thể khiến tình trạng này nặng thêm. Bên cạnh đó nhiều gia đình còn sử dụng các phương pháp tắm nước lá theo dân gian để điều trị nhưng cũng có thể khiến da trẻ bị nhiễm trùng, tốt nhất cha mẹ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các phương pháp này.
Cắt móng tay cho trẻ: Trẻ em bị phát ban thường cảm thấy ngứa và khó chịu. Khi đó trẻ sẽ gãi ngứa nhiều hơn. Nếu móng tay của trẻ quá dài thì rất dễ làm xước da và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dễ bị nhiễm trùng khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng mẹ và bé: Rất nhiều trẻ bị phát ban nhiệt do nóng trong mà nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng không phù hợp. Trẻ ăn nhiều đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ cay nóng rất dễ bị nóng trong và phát ban nhiệt. Bên cạnh đó, nếu trẻ sơ sinh đang bú mẹ thì người mẹ cũng phải chú ý không ăn đồ cay nóng để tránh ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Có thể bổ sung thêm vào thực đơn của trẻ các loại rau xanh, hoa quả chứa nhiều vitamin C như cam, chanh,…
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây viêm lợi ở trẻ em 1 tuổi và cách điều trị
Trên đây là một số biện pháp điều trị phát ban nhiệt, tuy nhiên nếu cha mẹ thấy trẻ có các biểu hiện như vùng phát ban lan rộng, trẻ quấy khóc nhiều và đặc biệt có dấu hiệu loét, chảy nước ở chỗ phát ban thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Phòng ngừa phát ban nhiệt ở trẻ
Để phòng ngừa phát ban nhiệt ở trẻ, cách tốt nhất là cha mẹ giữ cho trẻ không bị quá nóng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Thường xuyên kiểm tra cơ thể trẻ, nhất là những khi thời tiết nắng nóng. Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi, hãy cởi bớt đồ cho trẻ và lau mồ hôi giúp làn da trẻ luôn khô thoáng.
- Vào mùa hè nắng nóng, nên cho trẻ ở trong phòng điều hòa. Nếu ra ngoài chơi thì chọn nơi râm mát, không cho trẻ chơi dưới ánh nắng.
- Nên mặc đồ cho trẻ rộng rãi, hạn chế mặc đồ bó sát vào mùa hè. Chất liệu quần áo của trẻ nên chọn loại thấm hút mồ hôi tốt.
- Trên cơ thể trẻ có một số vùng da rất dễ bị ẩm như các nếp gấp chân, tay, bẹn, vùng cổ, vùng quấn tã,… Cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra các khu vực này và giữ khô ráo nhất có thể.
- Hạn chế sử dụng phấn rôm vì dễ gây kích ứng và làm bít lỗ chân lông, khiến làn da nóng và dễ bị phát ban hơn.
>>>>>Xem thêm: Nhồi máu cơ tim có tái phát không?
Phát ban nhiệt không phải là tình trạng bệnh lý quá nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều ảnh hưởng trong cuộc sống. Đặc biệt là trẻ em khi bị phát ban sẽ rất bứt rứt và khó chịu. Trên đây là những thông tin về phát ban nhiệt và cách điều trị hiệu quả mà KenShin muốn chia sẻ đến bạn. Nếu tình trạng này kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đến bệnh viện để kiếm tra và được các bác sĩ hỗ trợ.