Theo kết quả nghiên cứu, mỗi năm ở nước ta có khoảng hơn 5.100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới. Biết được nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung sẽ giúp chúng ta chủ động phòng tránh căn bệnh này một cách hiệu quả.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung phụ nữ nào cũng cần biết
Trong số các bệnh lý ung thư sinh dục ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung là bệnh có tỷ lệ người mắc và tỷ lệ bệnh nhân tử vong cao thứ 2. Muốn biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả, trước hết, chúng ta cần biết rõ các nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
Contents
Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?
Theo nghiên cứu, ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư có tỷ lệ người mắc cao thứ 7 trên thế giới. Bệnh có tỷ lệ mắc khá cao ở các nước đang phát triển và chậm phát triển – nơi tỷ lệ nữ giới tiêm phòng HPV chưa cao và việc tầm soát ung thư cổ tử cung chưa phổ biến. Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân trong độ tuổi 30 đến 45 là cao nhất.
Bệnh xảy ra khi các tế bào trong cổ tử cung của nữ giới phát triển bất thường. Ung thư thường xảy ra ở vùng chuyển tiếp giữa các tế bào biểu mô gai ở cổ ngoài và tế bào biểu mô tuyến ở cổ trong. Các tế bào ung thư có thể nhân lên nhanh chóng một cách không kiểm soát và xâm lấn sang các khu vực xung quanh hay di căn sang các vị trí khác của cơ thể. Tế bào bình thường biến đổi thành tế bào ung thư thường trải qua một quá trình khá chậm, có thể là 10 đến 15 năm.
Có hai dạng ung thư cổ tử cung gồm:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy bắt nguồn từ các tế bào ở lớp biểu mô vảy của cổ tử cung và thường chiếm 80% – 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung.
- Ung thư biểu mô tuyến bắt nguồn từ lớp biểu mô tuyến của cổ tử cung, thường chiếm từ 10% – 20% các trường hợp mắc bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung
Trước khi tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, chúng ta cùng điểm qua một số triệu chứng bệnh thường gặp. Một số dấu hiệu ung thư cổ tử cung dưới đây sẽ giúp cảnh báo sớm căn bệnh nguy hiểm này:
- Người bệnh có hiện tượng xuất huyết âm đạo một cách bất thường giữa các kỳ kinh, sau khi quan hệ, chảy máu sau khi đã mãn kinh hoặc phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bất thường.
- Tình trạng tăng tiết dịch âm đạo bất thường ở nữ giới.
- Phụ nữ bị đau vùng chậu ngay cả khi không đến kỳ kinh nguyệt.
- Cảm giác đau tử cung khi quan hệ tình dục.
- Thói quen tiểu tiện bị thay đổi không rõ nguyên nhân.
- Người bệnh có thể bị sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân.
Điều đáng nói là các triệu chứng trên đây thường không có biểu hiện ở người mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Vì vậy, những phụ nữ không có thói quen khám phụ khoa hay tầm soát ung thư định kỳ thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Ung thư cổ tử cung phát triển thế nào?
Dù nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là gì, bệnh cũng phát triển qua các giai đoạn như:
- Giai đoạn I: Các tế bào ung thư xuất hiện và phát triển tại cổ tử cung.
- Giai đoạn II: Tế bào ung thư phát triển lan ra bên ngoài cổ tử cung và có sự xâm lấn vào các mô xung quanh. Tuy nhiên, sự xâm lấn này chưa đến phần dưới của âm đạo hay các mô lót trong khung chậu.
- Giai đoạn III: Các tế bào ung thư xâm lấn đến phần dưới của âm đạo hay các mô lót trong khung chậu.
- Giai đoạn IV: Các tế bào ung thư đã xâm lấn bàng quang, thành bụng, trực tràng và di căn sang các vị trí khác.
Tìm hiểu thêm: Gãy chỏm xương quay là do đâu? Cách điều trị thế nào?
Bệnh ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn càng sớm càng hiệu quả điều trị càng cao. Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung lại có thể mang lại hiệu quả đến 90% nếu như được áp dụng từ giai đoạn sớm, khi tế bào ung thư còn khu trú ở cổ tử cung. Thậm chí tỷ lệ thành công sẽ lên đến 100% nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn tiền ung thư.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là gì?
Hầu hết trường hợp mắc ung thư cổ tử cung xuất phát từ nguyên nhân nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus – virus gây u nhú ở người). HPV là một nhóm bao gồm hơn 200 virus và một phần trong số này lây truyền qua đường sinh dục. Nhóm những virus HPV này lại được phân thành nhóm nguy cơ thấp và nhóm có nguy cơ cao. Có khoảng 16 type HPV nằm trong nhóm gây nguy cơ cao và HPV16, HPV18 là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung của hơn 70% trường hợp.
Khi virus này xâm nhập, hệ thống miễn dịch của cơ thể con người sẽ kích hoạt để loại bỏ chúng trong đa số trường hợp. Theo thống kê, có khoảng hơn 90% virus HPV bị cơ thể loại bỏ một cách tự nhiên trong năm đầu sau khi nhiễm và 70% bị loại bỏ trong năm thứ hai. Tất cả mọi người trong độ tuổi sinh hoạt tình dục đều nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó đều bị ung thư cổ tử cung.
>>>>>Xem thêm: Suy đa tạng có chữa được không? Điều trị suy đa tạng như thế nào?
Điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh?
Ngoài nguyên nhân gây bệnh chính là virus HPV, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung như:
- Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao gấp 2 lần những phụ nữ khác. Ngoài ra, khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác như ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư mũi, ung thư thực quản…
- Phụ nữ quan hệ tình dục sớm, sinh con trước 17 tuổi, quan hệ với nhiều người, quan hệ không an toàn có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.
- Phụ nữ sinh nở trên 5 lần cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
- Người không chú ý việc vệ sinh vùng kín, vệ sinh sai cách làm tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa trong đó có ung thư cổ tử cung.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch sẽ giảm khả năng phòng vệ với virus HPV và tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Uống thuốc tránh thai thời gian dài trên 5 năm cũng tăng nguy cơ bị bệnh.
Khi đã biết nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, bản thân mỗi phụ nữ sẽ biết cách phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh. Quan hệ tình dục an toàn, tiêm vắc xin HPV, kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ, xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung… là những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu phụ nữ nào cũng nên áp dụng. Và ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, phụ nữ nên đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân cũng như được điều trị bệnh sớm nhất.