Đau nhói giữa ức là biểu hiện thường gặp, khiến nhiều người lo lắng. Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng này, bao gồm bệnh lý tim mạch, vấn đề đường tiêu hóa… Kết hợp dấu hiệu bệnh và kết quả cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây đau nhói giữa ức và phương pháp chẩn đoán bệnh chính xác bạn nên biết
Đau nhói giữa ức thường xuất hiện với tính chất khác nhau, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc liên tục, âm ỉ, đồng thời kèm theo các triệu chứng bất thường khác. Đây đều là những dấu hiệu cần đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau. Chuyên gia sẽ thực hiện thăm khám kỹ càng, khai thác thông tin triệu chứng, tiền sử bệnh lý và chỉ định xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh, đề xuất hướng điều trị phù hợp.
Contents
Tình trạng đau nhói giữa ức
Đau ngực giữa là một triệu chứng đặc trưng cho nhiều vấn đề sức khỏe nhưng thường là dấu hiệu cho vấn đề về bệnh tim mạch. Người bệnh có thể mô tả cơn đau ngực giữa như một cảm giác nặng nề, ép chặt, như có vật đè nặng lên ngực.
Cùng với cảm giác đau, người bệnh có thể xuất hiện khó thở, đặc biệt trong khi hoạt động nặng vận động thể dục thể thao. Các triệu chứng khác như vã mồ hôi, choáng váng, buồn nôn thường là dấu hiệu bệnh lý cần xử trí.
Chính vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào như đau nhói giữa ức, người bệnh cần đến bác sĩ sớm để đảm bảo được điều trị, chăm sóc kịp thời. Bác sĩ thường cần chỉ định thêm các xét nghiệm như ECG, xét nghiệm máu, thăm dò hình ảnh như X-quang ngực thẳng, siêu âm tim sẽ giúp xác định nguyên nhân cụ thể cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch có cơn đau nhói giữa ức, các biện pháp như thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng cũng như khám sức khỏe định kỳ có thể giúp hỗ trợ quá trình điều trị, ngăn ngừa cơn đau ngực tái phát.
Cần nắm rõ cảnh báo về nguy cơ của cơn đau ngực giữa, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường, thường xuyên hút thuốc lá để có sự chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống thường nhật.
Nguyên nhân gây đau nhói giữa ức
Đau ngực giữa là một triệu chứng phổ biến, dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây đau nhói giữa ức, bao gồm cả các bệnh lý về tim mạch và những yếu tố khác, cụ thể:
- Rối loạn nhịp tim: Các vấn đề như nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm có thể gây suy giảm chức năng tống máu của tim, làm đau ngực giữa.
- Hẹp, tắc mạch vành: Đây là nhóm mạch quan trọng cung cấp máu cho cơ tim. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu nuôi tim bị co thắt hoặc tắc nghẽn, dễ gây hội chứng vành cấp với biểu hiện đau nhói giữa ức, thường kèm khó thở.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác nóng rát, ợ hơi, có thể kèm cảm giác đau giữa ngực.
- Co thắt thực quản: Cơ thắt thực quản có thể trở nên thít chặt do một kích thích, gây đau rát, khó chịu khi nuốt.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Các vấn đề hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi có thể gây ra đau ngực, khó thở kèm ho khan hoặc ho có đờm.
- Chấn thương gây gãy xương: Gãy xương ức, xương sườn hoặc xương đòn, tổn thương phần mềm, cơ bắp xung quanh có thể gây đau nhói giữa ức, thường xuất hiện đột ngột sau một va chạm mạnh vào vùng tổn thương.
- Viêm loét dạ dày: Nếu có viêm loét dạ dày, người bệnh có thể cảm giác đau giữa ngực kèm theo các triệu chứng khác như ợ hơi, buồn nôn, chướng bụng do khó tiêu thức ăn.
- Hội Chứng Boerhaave: Một trạng thái hiếm khi thực quản bị rách, thường biểu hiện ba triệu chứng đặc trưng là nôn ói, đau nhói giữa ức và khí phế thũng dưới da.
Đau nhói giữa ức là một triệu chứng thường gặp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định nguyên nhân cần quá trình đánh giá, kết hợp của yếu tố lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán từ các chuyên gia y tế.
Chẩn đoán cần thực hiện khi đau ngực
Nguyên tắc quan trọng trong việc chẩn đoán đau ngực là sự kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng và các phương pháp chẩn đoán hỗ trợ, điều này giúp bác sĩ đưa ra quyết định chính xác về nguyên nhân cơn đau nhói giữa ức, từ đó lập kế hoạch điều trị phù hợp.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá chi tiết về cơn đau, bao gồm cường độ, thời lượng, vị trí, yếu tố kích thích hoặc giảm nhẹ cơn đau. Đồng thời, bác sĩ cần khai thác, đánh giá về các yếu tố nguy cơ, tiền sử y tế cá nhân và gia đình cũng như thuốc đã sử dụng, va chạm, tai nạn gần đây nếu có.
Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra triệu chứng giống đau ngực. Chuyên gia sẽ đánh giá tình trạng huyết áp, nhịp tim để đảm bảo sức khỏe tổng thể cũng như khám tình trạng da bên ngoài để xem xét dấu hiệu nổi mề đỏ, bầm tím hoặc biến đổi có thể liên quan đến vấn đề bệnh lý.
Tìm hiểu thêm: Đau lưng cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng quan trọng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau ngực, bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): Điện tâm đồ là một công cụ quan trọng trong việc chẩn đoán đau ngực. Bằng cách đánh giá các sóng điện tim, bác sĩ sẽ xác định xem có sự bất thường nào trong hoạt động điện tim không. Nếu có bất thường, đây có thể là dấu hiệu của vấn đề tim mạch.
- Xét nghiệm men tim: Xét nghiệm này giúp đánh giá mức độ tổn thương cho cơ tim bằng cách đo lượng enzyme tim tiết ra khi cơ tim bị tổn thương. Kết quả của xét nghiệm men tim có thể giúp xác định liệu có sự tổn thương cơ tim hay không.
- X-quang ngực thẳng: Hình ảnh từ chụp X-quang không chỉ giúp phát hiện bất thường về cấu trúc phổi mà còn gợi ý về vấn đề tim mạch. Bóng tim quá to hoặc các biểu hiện của bệnh lý tim mạch có thể được nhìn thấy qua phương pháp này.
- Siêu âm tim: Siêu âm tim là một phương pháp hữu ích để đánh giá chính xác về chức năng co bóp của tim, các biến đổi cấu trúc của van tim và những vấn đề khác liên quan đến tim mạch.
- Nội soi tiêu hóa: Đối với những trường hợp đau ngực không phải do vấn đề tim mạch, nội soi tiêu hóa là một phương pháp giúp đánh giá bệnh lý đường tiêu hóa. Nó cho phép quan sát trực tiếp cấu trúc trong dạ dày và thực quản như viêm loét hoặc dấu hiệu trào ngược, một trong những nguyên nhân gây đau ngực.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết về phổi, tim và các mạch máu lớn trong ngực.
>>>>>Xem thêm: Cách thực hiện bài tập Kegel cho bà bầu giúp quá trình sinh con dễ dàng hơn
Thông qua bài viết trên, KenShin xin gửi tới quý độc giả thông tin tổng quan về triệu chứng đau nhói giữa ức. Mong bạn đọc đã có kiến thức bổ ích về tình trạng này bao gồm nguyên nhân cũng như phương pháp chẩn đoán bệnh kết hợp dấu hiệu lâm sàng và kết quả cận lâm sàng. Xác định chính xác nguyên nhân gây đau ngực cùng những triệu chứng bất thường khác sẽ giúp bác sĩ xây dựng phương án điều trị tối ưu.