Chụp X quang cổ tay là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để phát hiện các bất thường, tổn thương ở vùng cổ tay. Đây là kỹ thuật đơn giản, không xâm lấn, không tốn kém và khá hiệu quả.
Bạn đang đọc: Khi nào cần chụp X quang cổ tay? Quy trình chụp X quang cổ tay
Bác sĩ thường chỉ định người bệnh chụp X quang cổ tay khi nghi ngờ có các tổn thương về xương, khớp vùng cổ tay. Chụp X quang ở cổ tay là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh rất đơn giản với quy trình thực hiện nhanh chóng và chi phí rẻ. Thông qua hình ảnh thu được từ phim chụp X quang, bác sĩ có thể đánh giá và chẩn đoán các tổn thương, bệnh lý vùng cổ tay mà người bệnh đang gặp phải.
Contents
Chụp X quang cổ tay là gì?
Xương cổ tay gồm nhiều xương nhỏ với hình tam giác, hình vuông, hình bầu dục khác nhau. Khi chụp X quang xương cổ tay, phim chụp sẽ thể hiện hình ảnh cấu trúc xương cẳng tay và 8 xương nhỏ. Các xương nhỏ này làm nhiệm vụ kết nối bàn tay với xương dài ở cẳng tay.
Kỹ thuật chụp X quang vùng cổ tay sử dụng bức xạ điện từ của tia X phát ra từ máy chụp X quang. Những tia này có khả năng chiếu xuyên qua vật thể, bao gồm cả các mô và xương của con người, trong đó bao gồm cả các mô và xương vùng cổ tay.
Khi chùm tia bức xạ đi qua cổ tay người bệnh, hình ảnh xương cổ tay sẽ hiển thị trên phim X quang màu trắng, các mô mềm sẽ có màu xám với sắc độ khác nhau. Sự khác nhau về màu sắc này là do khả năng hấp thụ bức xạ của các cấu trúc mô mềm hay xương là khác nhau.
Chụp X quang cổ tay để làm gì?
Giống như chụp X quang tay, chụp X quang cổ tay là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, không có sự xâm lấn nhưng lại cho ra kết quả khá rõ ràng và chính xác. Đây là căn cứ tin cậy để bác sĩ đánh giá các tổn thương, bất thường hay bệnh lý ở vùng cổ tay của người bệnh như:
- Cổ tay bệnh nhân bị sưng, đau không rõ nguyên nhân.
- Cần kiểm tra tình trạng tổn thương ở cổ tay ở các bệnh nhân có sẵn các bệnh lý liên quan đến cổ tay như: Nhiễm trùng, viêm khớp, loãng xương, ung thư xương, u xương hoặc tụ dịch trong khớp xương cổ tay.
- Nghi ngờ hoặc xác định người bệnh bị trật khớp tay, trật xương nguyệt cổ tay.
- Cần xác định vị trí của dị vật trong các mô mềm quanh cổ tay hay dị vật trong xương cổ tay.
- Theo dõi, đánh giá quá trình lành xương sau gãy xương cổ tay hoặc quá trình điều trị các bệnh lý liên quan đến xương cổ tay.
- Trẻ em cũng có thể được chỉ định chụp X quang vùng cổ tay để kiểm tra, đánh giá những bất thường nếu có. Đây cũng là phương pháp giúp xác định tuổi xương và đánh giá sự phát triển thể chất của trẻ.
Việc chụp X quang khi mang thai cần tránh để đảm bảo sự an toàn tối đa của thai nhi. Trong trường hợp bắt buộc phải chụp X quang, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng nghi ngờ mang thai hoặc chắc chắn đang mang thai để bác sĩ có hướng xử lý phù hợp.
Quy trình chụp X quang cổ tay
Quy trình chụp X quang cổ tay diễn ra với các bước như sau:
- Người bệnh không cần nhịn ăn uống hay chuẩn bị gì đặc biệt trước khi chụp X quang vùng cổ tay. Tuy nhiên, người bệnh cần tạm thời tháo bỏ các trang sức trên tay như nhẫn, đồng hồ, lắc tay, vòng tay…
- Kéo tay áo ở vùng cổ tay cao lên để thao tác chụp X quang diễn ra thuận lợi. Người bệnh có thể được yêu cầu thay trang phục chuyên dụng của phòng chụp nếu kỹ thuật viên thấy cần thiết.
- Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh đặt tay lên bàn chụp đúng tư thế.
- Ở tư thế cổ tay nghiêng, người bệnh cần đảm bảo nghiêng cổ tay tạo thành góc 90 độ so với tấm nhận ảnh để các tia trung tâm đi vuông góc. Các kỹ thuật viên cũng sẽ phải điều chỉnh các thông số trong quá trình chụp để thu được hình ảnh rõ nét nhất từ tư thế chụp cổ tay nghiêng.
- Ở tư thế chụp cổ tay thẳng, người bệnh ngồi thấp và đặt tay lên bàn chụp. Người bệnh sẽ được hướng dẫn nắm hờ bàn tay, úp bàn tay xuống để tia trung tâm đi vào giữa cổ tay. Khoảng cách từ bóng phát tia X đến vùng cổ tay cần chụp phải đảm bảo dưới 90cm.
- Ngoài hai tư thế chụp cổ tay thẳng và nghiêng, một số kỹ thuật viên có thể yêu cầu bệnh nhân chụp theo tư thế thẳng sấp, chếch trước, thẳng ngửa, thẳng xoay quay, xoay trong, thẳng xoay trụ hoặc tư thế Stecher… tùy từng trường hợp.
Tìm hiểu thêm: Nhận biết dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi
Lưu ý gì sau khi chụp X quang vùng cổ tay?
Giống như chụp X quang bàn tay, chụp X quang cổ tay là một kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh rất đơn giản. Toàn bộ quy trình chụp có thể chỉ diễn ra trong vòng 10 – 15 phút. Người bệnh chỉ cần chờ đợi thêm ít phút để kỹ thuật viên xử lý hình ảnh và chuyển đến cho bác sĩ. Khi thông tin thu được đã đầy đủ, bác sĩ có thể đánh giá và chẩn đoán chính xác các vấn đề bệnh nhân đang gặp phải ở vùng cổ tay. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân cần được chụp lại một lần nữa hoặc làm thêm các xét nghiệm hình ảnh khác.
Hầu hết các trường hợp, bệnh nhân không gặp tác dụng phụ nào của tia X sau khi chụp X quang tay. Nhiều người lo lắng chụp X quang có hại nhưng bạn hãy yên tâm vì lượng tia X quang rất thấp, không có khả năng gây hại cho cổ tay hay sức khỏe của bạn. Mọi hoạt động làm việc, sinh hoạt đều có thể diễn ra bình thường sau khi chụp X quang.
>>>>>Xem thêm: Mẹ bầu siêu âm nhiều trong 3 tháng đầu có sao không?
Quá trình chụp X quang cổ tay diễn ra một cách nhanh – gọn – lẹ sẽ sớm giúp bạn biết được các vấn đề xảy ra với cổ tay của mình. Chi phí chụp X quang khá rẻ, dao động từ 120.000 đến 150.000 VNĐ/lượt. Vậy nên bạn hãy sẵn sàng thực hiện xét nghiệm hình ảnh này theo chỉ định của bác sĩ khi cần thiết nhé! Và điều quan trọng nhất bạn cần nhớ, dù muốn chụp X quang hay khám chữa bệnh gì, bạn đều nên đến cơ sở y tế uy tín để được đảm bảo kết quả chính xác nhất!