Số lượng người trẻ mắc hội chứng tái cực sớm ngày càng có xu hướng gia tăng. Những người mắc hội chứng này cần được can thiệp điều trị sớm để tránh nguy cơ rối loạn nhịp tim, đe dọa tính mạng.
Bạn đang đọc: Hội chứng tái cực sớm ở tim: Nguyên nhân gây đột tử cần cảnh giác
Cơ tim như những người thợ cần mẫn ngày đêm co bóp để đảm bảo máu được lưu thông đi khắp mọi ngóc ngách trong cơ thể. Cơ tim quản lý nhịp tim bằng các tín hiệu điện từ trong tim. Khi hệ thống điện tim hoạt động bất thường sẽ dẫn đến tái cực sớm. Bạn có biết hội chứng tái cực sớm là gì và nguy hiểm thế nào không?
Contents
Hội chứng tái cực sớm là gì?
Các tín hiệu điện phát nhịp và dẫn truyền xung động giúp cơ tim co bóp đúng cách và bơm máu đi nuôi mọi tế bào trong cơ thể. Hoạt động của điện tim chia thành hai giai đoạn gồm:
- Khử cực: Là giai đoạn tim co bóp.
- Tái cực: Là giai đoạn tim nghỉ ngơi sau khi co bóp.
Khi hệ thống điện tim hoạt động bất thường, quá trình tái cực có thể xảy ra sớm được gọi là tái cực sớm (early repolarization: ER). Tái cực sớm có thể được phát hiện dựa trên hình ảnh điện tâm đồ là hình ảnh các sóng dạng khấc nhỏ đi liền cuối các sóng khử cực thất bình thường.
Hội chứng tái cực sớm là sự nâng cao điểm J trên điện tâm đồ, trước đây được cho là một thực thể lành tính. Nhưng những nghiên cứu trong nhiều năm gần đây cho thấy, tái cực sớm hoàn toàn có thể tiến triển thành loạn nhịp tim và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đột tử do tim. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp bị đột tử do tim có liên quan đến tình trạng rối loạn nhịp tim, phổ biến nhất là rối loạn nhịp thất. Các đặc điểm tái cực sớm liên quan đến đột tử do tim bao gồm biên độ điểm J, đoạn ST nằm ngang hoặc dốc xuống và vị trí các đạo trình bên dưới hoặc bên.
Theo thống kê, có từ 5% đến 15% dân số bị tái cực sớm. Hội chứng tái cực sớm thường thấy ở những vận động viên, người chơi thể thao cường độ cao lâu năm hay những người trẻ tuổi khỏe mạnh.
Hội chứng tái cực sớm ở tim biểu hiện thế nào?
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân tái cực sớm không có triệu chứng đáng chú ý nào hay triệu chứng đặc hiệu. Đa số trường hợp, bác sĩ sẽ vô tình phát hiện ra tái cực sớm qua đo điện tim khi khám sức khỏe tổng quát cho bệnh nhân. Những người bị tái cực sớm được cho là thường có nhịp tim cơ bản thấp.
Khi bệnh nhân bị tái cực sớm dẫn đến nhịp nhanh thất, rung thất (gọi chung là loạn nhịp tim nặng), người bệnh có thể có các triệu chứng thi thoảng chóng mặt hoặc ngất, cảm giác choáng váng từng cơn, khó thở gắng sức, rất mệt mỏi,… Đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng và cần được đi khám ngay.
Ai dễ mắc hội chứng tái cực sớm?
Hội chứng tái cực sớm có thể xảy ra ở bất kỳ ai trong chúng ta, không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Tuy nhiên, nam giới, thanh niên trẻ khỏe, vận động viên thể dục thể thao, người chơi thể thao cường độ cao trong thời gian dài,… là nhóm đối tượng có có nguy cơ tái cực sớm cao nhất.
Cách chẩn đoán hội chứng tái cực sớm
Khi người bệnh đến khám và có những dấu hiệu gợi ý bất thường về nhịp tim, bác sĩ sẽ chỉ định làm điện tâm đồ. Khi thấy các triệu chứng bất thường trên điện tâm đồ, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và các triệu chứng có liên quan đến tình trạng loạn nhịp tim. Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và chỉ định một số kỹ thuật khám cận lâm sàng khác như:
- Siêu âm tim: Siêu âm tim là dùng sóng siêu âm tần số cao phát ra từ máy siêu âm để có được những hình ảnh động về tim và những cấu trúc liên quan. Có thể siêu âm tim qua thành ngực, qua thực quản, siêu âm Doppler, siêu âm tim ba chiều, siêu âm tim gắng sức.
- Chụp cộng hưởng từ tim: Đây là phương pháp xét nghiệm hình ảnh hiện đại nhất, sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết về tim và cấu trúc liên quan.
- Holter ECG: Holter ECG là điện tâm đồ lưu động hay còn được biết đến với các tên khác như 24-hour EKG (điện tâm đồ liên tục 24 giờ), Holter monitoring (máy theo dõi nhịp tim Holter). Xét nghiệm Holter ECG giúp ghi lại liên tục những dòng điện trong tim khi bệnh nhân thực hiện các hoạt động bình thường trong vòng 24 – 48 giờ.
- ECG gắng sức: Hay điện tâm đồ gắng sức là người bệnh sẽ được yêu cầu hoạt động gắng sức như đi xe đạp lực kế, lăn thảm,… để thúc đẩy tim làm việc tối đa trong lúc đo điện tâm đồ.
Dựa trên các kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể phân biệt hội chứng tái cực sớm với các bệnh lý về tim có triệu chứng tương tự và đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác. Ngoài ra, các bác sĩ cũng đánh giá nguy cơ tái cực sớm của người bệnh thông qua khảo sát, thăm dò hoạt động điện trong tim. Từ đó mới có căn cứ để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm LDL là gì? Có quan trọng không?
Điều trị hội chứng tái cực sớm thế nào?
Nếu sau khi khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra, người bệnh được đánh giá nguy cơ thấp hoặc không có nguy cơ loạn nhịp tim, họ sẽ không cần điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân được đánh giá có nguy cơ cao, họ sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị đặc hiệu. Tùy từng trường hợp bệnh cảnh cụ thể, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị và phương pháp chữa tái cực sớm khác nhau. Một số phương pháp điều trị chứng tái cực sớm phổ biến như:
- Cấy thiết bị khử rung tim (ICD) dưới da ở vùng ngực gần tim. Thiết bị này giúp kiểm soát các xung điện bất thường, giúp ổn định nhịp tim, điều trị rối loạn nhịp tim.
- Một phương pháp chữa hội chứng tái cực sớm khác cũng đang được áp dụng là triệt phá loạn nhịp bằng sóng cao tần. Phương pháp này cho hiệu quả cao trong việc giảm hoặc loại bỏ bất thường điện học trong tim.
- Bác sĩ cũng sẽ chỉ định người bệnh dùng các loại thuốc như Quinidine có tác dụng giảm các hoạt động bất thường của điện tim có thể gây loạn nhịp.
- Một số trường hợp, người bệnh sẽ được thực hiện thủ thuật cắt bỏ ống thông dùng nhiệt để loại bỏ đường dẫn điện bất thường của tim.
>>>>>Xem thêm: Burpees là gì? Cách tập burpees an toàn, hiệu quả
Hội chứng tái cực sớm có thể là lành tính nhưng cũng có thể dẫn đến loạn nhịp tim và những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng khác, đe dọa tính mạng trong một số trường hợp. Vì vậy, mỗi chúng ta cần chú trọng kiểm tra sức khỏe và kiểm tra điện tim đồ định kỳ. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, chúng ta nên chủ động đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để phát hiện sớm chứng tái cực sớm nếu có.