Các bệnh về giun sán có thể khiến bạn mắc phải hội chứng Loeffler. Vậy hội chứng Loeffler là gì? Biểu hiện ra sao? Các bác sĩ sẽ chẩn đoán và điều trị hội chứng này như thế nào? Tất cả sẽ được bật mí trong bài viết dưới đây của KenShin.
Bạn đang đọc: Hội chứng Loeffler: Triệu chứng, chẩn đoán và hướng điều trị
Hội chứng Loeffler là một dạng của bệnh phổi tăng bạch cầu ái toan. Vì đây là một hội chứng khá hiếm gặp do vậy mà không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này. Cùng Nhà thuốc tìm hiểu về hội chứng Loeffler ngay nhé.
Contents
Tổng quan về hội chứng Loeffler
Hội chứng Loeffler là một bệnh hô hấp với các triệu chứng thoáng qua, có liên quan đến tăng bạch cầu ái toan trong máu và đám mờ trên phim chụp X quang.
Trong sinh lý bệnh, hội chứng Loeffler được cho là có liên quan đến sự di chuyển của ký sinh trùng qua phổi theo vòng đời của chúng khi tồn tại trong cơ thể người.
Sau khi ăn phải trứng giun đũa, ấu trùng sẽ nở ra trong ruột và bắt đầu xânhập vào bạch huyết mạc treo ruột và tiểu tĩnh mạch để vào tuần hoàn phổi. Chúng cư trú trong các mao mạch phổi và di chuyển qua các thành phế nang để tiếp tục chu kỳ. Cuối cùng, chúng di chuyển lên cây phế quản và bị nuốt vào thực quản, quay trở lại đường ruột và trưởng thành. Quá trình này mất khoảng 10 – 16 ngày tính từ khi ăn trứng giun đũa, giun móc và giun lươn.
Ngoài ra, các ký sinh trùng khác như Ancylostoma duodenale, Strongyloides stercoralis, Necator americanus cũng có chu kỳ tương tự như giun đũa, với sự di chuyển qua thành phế nang của các dạng ấu trùng. Một số trong những ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể vật chủ qua da mà có thể không được ăn qua đường miệng.
Gần đây, các nhà khoa học cũng chỉ ra hội chứng Loeffler có thể liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh (Isoniazid, Penicillin, Tetracyclines, Ethambutol, Clarithromycin), thuốc chống co giật (Phenytoin, Ethambutol, Carbamazepine), thuốc kháng viêm và ức chế miễn dịch (Aspirin, Beclomethasone, Naproxen, Diclofenac, Ibuprofen…), một số loại thuốc khác (Bleomycin, Chlorpromazine, Captopril).
Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng Loeffler được đánh giá là lành tính, tự giới hạn, rất hiếm gặp và đặc biệt là chưa ghi nhận một ca bệnh nào tử vong.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em có tỷ lệ mắc bệnh giun và hội chứng Loeffler cao hơn người lớn. Triệu chứng của bệnh có xu hướng thuyên giảm trong một thời gian ngắn, thường là 3 – 4 tuần sau khi dừng sử dụng thuốc nếu nghi ngờ tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc.
Triệu chứng của hội chứng Loeffler
Các triệu chứng của hội chứng Loeffler thường nhẹ và có thể tự khỏi sau vài ngày, nhiều cũng chỉ khoảng sau 2 – 3 ngày. Ho khan là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo cơn khó thở, thở khò khè. Một số người bệnh có thể bị đau cơ, nổi mày đay và chán ăn.
Sau 6 – 10 ngày khi ăn phải trứng giun, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nêu trên. Thời gian ủ bệnh tương tự cũng đã được mô tả trong hội chứng Loeffler có liên quan đến nhiễm trùng S stercoralis, A duodenale hoặc N americanus. Một vài người bệnh có bệnh sử liên quan đến du lịch – yếu tố nguy cơ tiếp xúc với ký sinh trùng.
Trong trường hợp nghi ngờ hội chứng Loeffler có liên quan đến thuốc, người bệnh cần có bằng chứng sử dụng các thuốc có thể dẫn đến tình trạng tăng bạch cầu ái toan.
Khi đến thăm khám, bác sĩ có thể nghe thấy tiếng thở khò khè hoặc tiếng ran nổ ở người bệnh mắc phải hội chứng Loeffler. Ngược lại, tiếng ran rít khi nghe phổi thường gặp trong trường hợp người bệnh tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc.
Chẩn đoán hội chứng Loeffler
Trên thực tế, triệu chứng gây ra bởi hội chứng Loeffler thường mơ hồ, không đặc hiệu và thoáng qua, chính vì thế, việc chẩn đoán cần phải kết hợp với các xét nghiệm hỗ trợ sau:
- Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Kết quả khi phân tích tế bào máu ngoại vi cho thấy bạch cầu ái toan trong máu tăng nhẹ, thường là 5 – 20%. Nếu bạch cầu ái toan chiếm 40% thì cần nghĩ ngay nguyên nhân gây bệnh là do thuốc.
- Xét nghiệm soi phân: Trong vòng từ 6 – 12 tuần kể từ sau lần nhiễm ký sinh trùng tiên phát, ký sinh trùng và trứng có thể được tìm thấy trong phân của người bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng ở phổi tại thời điểm này đã tự giới hạn hoặc đã biến mất hoàn toàn.
- Mức độ immunoglobulin E (IgE) có thể tăng cao.
- Phân tích dịch dạ dày hoặc đờm: Trong một số trường hợp, tại thời điểm có các triệu chứng ở phổi có thể tìm thấy ấu trùng trong dịch dạ dày hoặc đờm.
- Soi dịch rửa phế quản phế nang có thể thấy số lượng bạch cầu ái toan tăng cao.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang ngực cho thấy có đám mờ di chuyển so với vị trí trước đó 12 – 20 ngày. Tuy nhiên, các tổn thương phổi quan sát được trên phim, trong vòng 2 – 4 ngày có thể biến mất hoàn toàn. Trong trường hợp bệnh tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc, các bất thường trên X-quang có thể được giải quyết hoàn toàn trong vài tuần sau khi dừng sử dụng thuốc nghi ngờ.
- Phân tích mô học: Tổn thương phổi cho thấy tăng tính xâm nhập bạch cầu ái toan xảy ra ở tiểu phế quản, phế quản, các khoảng kẽ và phế nang. Tuy vậy, ở phổi thường không tìm thấy các dạng ký sinh.
Tìm hiểu thêm: Tụ dịch vết mổ sau sinh có nguy hiểm không?
Điều trị hội chứng Loeffler
Việc theo dõi và điều trị hội chứng Loeffler có thể được thực hiện ngoại trú và người bệnh không cần phải nhập viện. Người bệnh hoàn toàn không cần kiêng khem đặc biệt và vẫn có thể hoạt động thể lực và duy trì chế độ dinh dưỡng như bình thường.
Các triệu chứng ở hầu hết người bệnh mắc hội chứng Loeffler thường tự giới hạn, chính vì thế, việc điều trị đặc hiệu hội chứng này là không cần thiết.
Người bệnh cần ngừng sử dụng thuốc đang sử dụng nếu nghi ngờ loại thuốc đó là tăng bạch cầu ái toan ở phổi. Trong trường hợp nghi ngờ nguyên nhân gây ra hội chứng này là do nhiễm ký sinh trùng thì người bệnh cần tẩy giun sán bằng cách sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trong trường hợp bệnh thuyên giảm chậm hoặc có biểu hiện trầm trọng hơn, trong cả hai tình huống nêu trên, các bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bằng liệu pháp corticosteroid đường toàn thân. Phương pháp này sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt đồng thời giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, để dự phòng cũng như ngăn ngừa tình trạng tái nhiễm, mỗi người cần chủ động nâng cao ý thức vệ sinh, rửa tay với xà phòng, xây dựng nhà tiêu có hệ thống xử lý phân hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi kết hợp với các chiến dịch tuyên truyền giáo dục về xoá bỏ việc sử dụng nhà vệ sinh lạc hậu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Đối với trẻ em, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, bỏ thói quen cắn móng tay và móng chân. Đối với những trường hợp được xác định là tăng bạch cầu ái toan ở phổi do thuốc, cần tránh sử dụng loại thuốc đó trong tương lai.
>>>>>Xem thêm: Vắc xin BCG tiêm khi nào? Tác dụng của vắc xin BCG là gì?
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh hội chứng Loeffler mà KenShin muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về hội chứng này. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho chính mình bạn nhé.