Hội chứng bỏng rát miệng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng chúng lại tác động tiêu cực đến tâm lý và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Vậy nên nắm rõ nguyên nhân và cách thức can thiệp, hỗ trợ là điều rất có ý nghĩa đối với việc cải thiện chất lượng sống cho mỗi bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Hội chứng bỏng rát miệng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách can thiệp
Hội chứng bỏng rát miệng là một dạng đau mạn tính và nếu không điều trị sớm, chúng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người bệnh. Đặc biệt, vấn đề sức khỏe này còn kéo theo nguy cơ căng thẳng, trầm cảm do sang chấn thần kinh trong thời gian dài.
Contents
Tổng quan về hội chứng bỏng rát miệng
Hội chứng miệng bỏng rát được hiểu là hiện tượng vùng miệng luôn có cảm giác nóng rát, khó chịu. Tình trạng này kéo dài liên tục và có thể xuất hiện một cách cục bộ như vòm miệng, trong má, lợi, lưỡi, môi hoặc trên phạm vi toàn khoang miệng.
Khảo sát thực tế cho thấy cảm giác bỏng rát miệng xuất hiện rõ rệt nhất ở phần trước miệng, vòm trên, đầu lưỡi và mặt trong môi. Khi mắc phải hội chứng đang xét, vị giác của người bệnh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Họ có thể không cảm nhận được vị của thức ăn hoặc cảm nhận một cách sai lệch, cường điệu hóa.
Triệu chứng nổi bật
Để mô tả về cảm giác của người bệnh, giới chuyên gia chia sẻ rằng bệnh nhân như vừa nếm qua một món ăn/thức uống nóng. Có điều với mỗi chúng ta, cảm giác khó chịu này thường xảy ra chóng vánh, thoáng qua còn với người bệnh, nó xuất hiện thường trực 24/7.
Những triệu chứng điển hình của hội chứng rối loạn giác quan này bao gồm:
- Bỏng rát lưỡi, nướu, mặt trong của má, phía sau cổ họng, mặt trong của môi và vòm miệng. Khi ăn uống, mức độ biểu hiện càng nặng nề hơn.
- Có cảm giác châm chích hoặc tê bì vùng lưỡi nhưng xuất hiện một cách ngẫu nhiên và không thường xuyên.
- Khó nuốt, miệng khô khốc như thiếu nước.
- Họng thường xuyên có hiện tượng viêm nhiễm, sưng đau.
- Xuất hiện vị lạ trong miệng ngay cả khi không ăn uống.
Căn nguyên phát sinh
Có rất nhiều nguyên nhân đứng đằng sau các biểu hiện bệnh của hội chứng này. Trong đó đáng nói nhất phải kể đến:
- Nhiễm nấm: Nếu người bệnh bị nhiễm vi nấm Candida, hình thành những khoang trắng trong mặt lưỡi và khoang miệng thì tác nhân gây hại này có thể làm biến tính cơ quan thụ cảm ở nơi chúng sinh sôi, nảy nở. Từ đó sinh ra dị cảm bất thường và làm phát sinh hội chứng miệng bỏng rát.
- Mắc phải bệnh lý nội tiết: Nghiên cứu cho thấy những người bị bệnh nội tiết như: Suy giáp, tiểu đường, cường giáp,… có nguy cơ bỏng rát vùng miệng cao hơn hẳn người bình thường.
- Liken phẳng vùng miệng: Đây là một bệnh lý tự miễn xảy ra ở khoang miệng. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ trực tiếp tấn công vào các tế bào niêm mạc miệng. Kết quả tạo ra những vết sưng loét bề mặt (dấu hiệu điển hình là các mảng trắng đỏ nằm rải rác trên lưỡi, dưới môi và bên trong má). Nếu hiện tượng trên xảy ra thường xuyên với mật độ dày đặc thì hội chứng miệng bỏng rát cũng có thể “xuất đầu lộ diện”.
- Khô miệng: Với những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc qua đường tiêm, uống thì hiện tượng khô miệng sẽ rất dễ xảy ra. Khi đó vùng niêm mạc sẽ có 2 xu hướng, một là hạn chế sự đáp ứng kích thích, hai là nhạy hơn trước tác động của yếu tố môi trường. Và hội chứng rát bỏng vùng miệng phát sinh trong trường hợp thứ hai.
- Sử dụng răng giả: Các loại răng giả nếu làm từ chất liệu không đảm bảo hoặc kích thước không phù hợp thì chúng có thể tác động tiêu cực lên vùng má, môi và lưỡi của người sử dụng. Khi đó, độ nhạy của niêm mạc tăng lên và hiện tượng bỏng rát có thể bùng phát.
- Thiếu hụt vi chất: Sự thiếu hụt vitamin và muối khoáng được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn cảm giác ở khoang miệng. Những vi chất có mối liên quan trực tiếp đến hội chứng này bao gồm: Kẽm, sắt, vitamin B1, vitamin B6, vitamin B2, vitamin B9 và vitamin B12.
- Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp: Bỏng rát miệng là tác dụng phụ thường gặp ở người bệnh sử dụng thuốc điều trị huyết áp cao. Và tình trạng này sẽ cải thiện dần dần khi bệnh nhân ngưng dùng thuốc.
- Vệ sinh răng miệng sai cách: Khi đánh răng, nếu bạn chà xát quá mạnh tay ở khu vực tiếp cận niêm mạc miệng thì sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng đang xét. Ngoài ra, việc lấy tưa lưỡi sai cách hoặc lạm dụng thuốc súc miệng họng cũng gây ra tác động tương tự.
- Rối loạn thần kinh cảm giác vùng miệng: Rối loạn thần kinh là nguyên nhân nguyên phát của hội chứng miệng bỏng rát. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm gặp, tính phổ biến không cao.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân ám ảnh chuyên biệt
Phương thức can thiệp
Để đưa ra các phương pháp can thiệp hiệu quả đối với hội chứng miệng bỏng rát, chuyên gia y tế cần xác định rõ nguyên nhân làm phát sinh vấn đề sức khỏe này. Cụ thể, với bỏng rát miệng nguyên phát thì hiện nay không có phương thức điều trị đích mà chỉ có thể giảm nhẹ bằng cách kiểm soát triệu chứng. Với bỏng rát miệng thứ phát, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp với từng nguyên nhân để cải thiện tình hình.
Cụ thể dưới đây là một số loại thuốc/sản phẩm hỗ trợ được dùng trong điều trị hội chứng miệng bỏng rát thứ phát:
- Capsaicin;
- Amitriptyline, Nortriptyline (được dùng với mục đích giảm đau liên quan đến thần kinh);
- Thuốc nội tiết tố nữ;
- Nước súc miệng;
- Sản phẩm chuyên dùng để thay thế nước bọt;
- Vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B);
- Clonazepam với liều lượng thấp.
Bên cạnh cách can thiệp vừa nêu thì người bệnh có thể áp dụng thêm một số biện pháp dưới đây để cải thiện dần triệu chứng bệnh:
- Nói không với đồ uống có chứa ethanol bao gồm: Rượu, bia, nước lên men hoa quả, nước súc miệng có cồn.
- Tránh xa đồ ăn cay, nóng và những thực phẩm có tính axit mạnh như: Chanh, cam, cà chua, cóc, khế,…
- Ngậm nước đá để làm dịu tức thời cảm giác khó chịu ở miệng họng.
- Không sử dụng sản phẩm chứa tinh dầu the mát, cay ấm (có trong bạc hà, quế).
- Không hút thuốc lá đồng thời duy trì lối sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ.
- Giảm căng thẳng bằng cách luyện tập thể thao và các bộ môn giúp tĩnh tâm như thiền định, tập yoga,…
- Tham gia các hoạt động xã hội để giảm thiểu sự chú ý đến hội chứng. Có thể gia nhập các hội nhóm hỗ trợ giảm đau nếu muốn.
>>>>>Xem thêm: Có nên thông tuyến lệ cho trẻ sơ sinh hay không?
Khi được can thiệp tích cực, các dấu hiệu điển hình của hội chứng bỏng rát miệng sẽ dần thuyên giảm. Tuy nhiên, mức độ thuyên giảm như thế nào, có biến mất hoàn toàn hay không còn lệ thuộc vào nguyên nhân, cách thức điều trị và khả năng đáp ứng của cơ địa người bệnh.