Chụp X quang bàn chân là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có đủ thông tin và căn cứ tin cậy để đánh giá, xác định các vấn đề liên quan đến xương, khớp ở bàn chân của người bệnh. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ thuật chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng.
Bạn đang đọc: Chi tiết về kỹ thuật chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng
Có thể nói, với sự tiến bộ của khoa học, việc chẩn đoán, điều trị các bệnh lý bên trong cơ thể thuận lợi hơn rất nhiều. Kỹ thuật chụp X quang ra đời giúp các bác sĩ đánh giá, xác định các vấn đề xảy ra với xương, khớp, mô mềm mà mắt thường không nhìn thấy được một cách dễ dàng. Điển hình như kỹ thuật chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng giúp bác sĩ tìm ra các bất thường, tổn thương hay bệnh lý ở vùng bàn chân của người bệnh.
Contents
Chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng là gì?
Chụp X quang chân bao gồm chụp X quang khớp gối, chụp X quang xương đùi, chụp X quang cẳng chân và chụp X quang bàn chân. Dù vị trí được chụp khác nhau nhưng nguyên lý chụp X quang trong các trường hợp này đều giống nhau. Chụp X quang bàn chân sử dụng máy chụp X quang có khả năng phát ra tia X – tia bức xạ mạnh có khả năng đi xuyên qua các cấu trúc xương, mô mềm ở bàn chân con người. Từ đó, tia X tái hiện lại hình ảnh cấu trúc bên trong bàn chân lên tấm lưu hình ảnh, thường là phim X quang.
Trên phim chụp X quang, các xương bàn chân có thể chặn bức xạ cao nên thường hiển thị bằng màu trắng. Các mô mềm có khả năng chặn ít bức xạ từ tia X hơn nên hiển thị trên phim là màu xám đen. Thông qua hình ảnh có được từ chụp X quang, các bác sĩ có thể đánh giá, chẩn đoán các tổn thương, bệnh lý xảy ra bên trong bàn chân.
Chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng để làm gì?
Chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị các bất thường hay bệnh lý ở bàn chân như:
- Nứt hoặc gãy xương bàn chân: Chụp X quang không những giúp xác định tình trạng gãy, vị trí gãy mà còn biết được mức độ nghiêm trọng của tình trạng gãy xương bàn chân.
- Chụp X quang bàn chân giúp bác sĩ đánh giá tình trạng tổn thương các khớp ngón chân, khớp mắt cá chân, khớp cổ chân…
- Xác định các bệnh xương khớp ở bàn chân như viêm khớp, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp…
- Phát hiện các dị vật ở vùng mô mềm quanh xương, khớp bàn chân hay dị vật trong các xương, khớp bàn chân.
- Đánh giá kết quả trong và sau quá trình điều trị các vấn đề về xương, khớp ở bàn chân thông qua việc so sánh hình ảnh chụp X quang trước và sau điều trị.
Ai cần chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng?
Người thường được bác sĩ chỉ định chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng thường là bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến xương, khớp ở bàn chân như:
- Người có nghi ngờ gãy xương bàn chân sau chấn thương hoặc tai nạn.
- Người bị đau, sưng khớp ở khu vực bàn chân.
- Người bị đau mắt cá chân, khó đi lại.
- Người có các triệu chứng bất thường ở bàn chân nhưng không có nguyên nhân như: Bàn chân sưng đau, nóng đỏ, khó cử động các khớp, khó vận động một hoặc nhiều khớp…
- Người bị nghi ngờ viêm xương, nhiễm trùng xương, ung thư xương.
Quy trình chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng
Chụp X quang bàn chân là một kỹ thuật đơn giản, không mất nhiều thời gian thực hiện, không xâm lấn, không đau đớn, không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Quy trình chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng cụ thể như sau:
- Người bệnh được hướng dẫn cởi bỏ các trang sức, phụ kiện đeo ở chân tạm thời.
- Khi chụp X quang, người bệnh mặc quần ống rộng cần kéo ống quần lên đầu gối để thuận tiện cho quá trình chụp. Nếu mặc quần ống bó, người bệnh sẽ được thay trang phục phù hợp.
- Ở tư thế chụp bàn chân thẳng, người bệnh được yêu cầu ngồi trên bàn chụp hoặc nằm ngửa trên bàn chụp. Chân người bệnh co gối nhẹ để bàn chân sát mặt bàn và nằm giữa tấm cản tia X thu hình ảnh.
- Với tư thế chụp X quang bàn chân nghiêng trong, mặt trong cổ chân cần chụp phải ép sát phim chụp. Lòng bàn chân vuông góc với mặt phẳng bàn. Với tư thế chụp X quang bàn chân nghiêng ngoài, người bệnh sẽ đặt chân ngược lại sao cho mặt ngoài cổ chân, nơi có mắt cá chân đặt sát mặt bàn và giữa phim chụp. Lòng bàn chân vẫn vuông góc với mặt phẳng bàn.
- Trong quá trình chụp phim X quang, kỹ thuật viên có thể yêu cầu bệnh nhân di chuyển, thay đổi tư thế hoặc góc đặt chân. Điều này nhằm mục đích thu được nhiều thông tin hình ảnh nhất, phục vụ quá trình đánh giá, chẩn đoán bệnh của bác sĩ. Sau mỗi lần điều chỉnh tư thế dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên, bệnh nhân cần giữ im chân để hình chụp không bị mờ nhòe, hạn chế việc phải chụp lại.
Tìm hiểu thêm: Hội chứng thần kinh gian cốt sau là gì? Có chữa được không?
Lưu ý sau khi chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng
Sau khi quá trình chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng hoàn tất, người bệnh cần đợi ít phút để kỹ thuật viên xử lý phim chụp. Khi đã có phim chụp, bác sĩ sẽ căn cứ vào thông tin hình ảnh ghi được để đánh giá và chẩn đoán bệnh. Cũng có trường hợp, người bệnh được chỉ định chụp X quang thêm một lần nữa hoặc chỉ định làm các xét nghiệm hình ảnh khác nếu bác sĩ thấy cần thiết.
Sau khi chụp X quang, người bệnh không cần kiêng khem bất cứ điều gì. Mọi hoạt động đi lại, sinh hoạt đều diễn ra bình thường. Chụp X quang chân sẽ không có tác dụng phụ, không gây đau đớn hay không có biến chứng. Tuy nhiên, việc chụp X quang khi mang thai không tốt cho thai nhi. Người bệnh cần thông báo về việc nghi ngờ hoặc chắc chắn mang thai cho bác sĩ ngay trước khi được chỉ định chụp X quang chân.
>>>>>Xem thêm: Chu vi vòng bụng thai nhi là gì? Làm sao để tính chu vi vòng bụng thai nhi?
Tóm lại, chụp X quang bàn chân thẳng nghiêng là kỹ thuật quan trọng và cần thiết để giúp bác sĩ đánh giá, chẩn đoán các bất thường ở khu vực bàn chân của người bệnh. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này an toàn, chi phí rẻ nên mọi bệnh nhân đều nên yên tâm, vui vẻ hợp tác với bác sĩ để thực hiện. Điều quan trọng, bạn hãy chọn một cơ sở y tế uy tín để khám và chụp X quang chân một cách an toàn, chính xác.