Bệnh động mạch chi dưới là một bệnh lý về mạch máu nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh. Vậy triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh động mạch chi dưới như thế nào? KenShin sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!
Bạn đang đọc: Bệnh động mạch chi dưới là gì? Điều trị bệnh động mạch chi dưới như thế nào?
Bệnh động mạch chi dưới thường xảy ra khi hình thành các mảng xơ vữa trong lòng động mạch, dẫn đến tắc nghẽn dòng máu. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh động mạch chi dưới sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng về tim mạch cũng như cải thiện triệu chứng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Contents
Tìm hiểu về bệnh động mạch chi dưới
Bệnh động mạch chi dưới còn được gọi với cái tên là bệnh động mạch ngoại biên, xảy ra khi dòng máu bị tắc nghẽn do các mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch.
Mảng xơ vữa gồm có cholesterol, chất béo, canxi và các chất khác có trong máu. Khi các mảng xơ vữa này tích tụ trong lòng mạch sẽ thu hẹp, chặn một phần hoặc hoàn toàn lòng động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến các mô ở chân và những bộ phận khác trong cơ thể. Tình trạng này còn được gọi là xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch.
Do dòng máu lưu thông đến chi dưới kém nên người bệnh có thể bị đau chân, đồng thời làm tăng nguy cơ tiến triển vết loét da hở và nhiễm trùng da. Nếu không được điều trị, bệnh động mạch chi dưới có thể diễn tiến nghiêm trọng dần, gây ra hiện tượng hoại tử các mô chân, thậm chí là phải cắt cụt chi dưới.
Triệu chứng của bệnh động mạch chi dưới là gì?
Bệnh động mạch chi dưới thường chỉ xảy ra ở một bên chân. Triệu chứng đặc trưng và đáng chú ý nhất của bệnh lý này là đau chân sau khi đi bộ một quãng đường không quá dài, triệu chứng này được gọi với cái tên là đau cách hồi.
Chân bị đau khi đi bộ được giải thích là các tổ chức cơ của chi dưới không được cung cấp đủ máu và oxy trong quá trình hoạt động thể chất. Cơn đau thường có xu hướng diễn ra ở cùng một vùng chân, chẳng hạn như bắp đùi, đau bất kỳ thời điểm nào mà người bệnh đi bộ và giảm đau khi được nghỉ ngơi trong vài phút. Cơn đau có xu hướng xuất hiện khi bắt đầu đi lại trong khoảng cách tương đương với quãng đường vừa đi bộ.
Ngoài ra, bệnh động mạch chi dưới còn bao gồm các dấu hiệu như sau:
- Xuất hiện các vết lở loét ở chân, bàn chân. Đôi khi, các vết loét này khởi phát từ một vết xước hoặc chấn thương nhỏ.
- Tình trạng lưu thông máu kém ở chi dưới có thể khiến da chân bị khô và nứt nẻ.
- Các vết xước nhỏ hoặc da bị nứt nẻ không được nhận đủ lượng máu, dưỡng chất để tái tạo. Điều này tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào và dẫn đến nhiễm trùng vết thương.
- Nếu các vết loét không được điều trị và bị nhiễm trùng có thể khiến các mô bị hoại tử, chết đi. Tình trạng này xảy ra khi một động mạch chi dưới bị tắc nghẽn khiến các mô chân không được nhận đủ máu và oxy.
Khi chân bị hoại tử nghiêm trọng có thể phải tiến hành cắt cụt chi nếu việc điều trị bằng phẫu thuật và sử dụng thuốc không giúp khôi phục lại lưu lượng máu hiệu quả.
Dấu hiệu chi dưới bị hoại tử bao gồm da bị đổi màu, có mùi hôi thối và chảy ra nhiều dịch mủ do nhiễm trùng.
Yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch chi dưới
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh động mạch chi dưới là béo phì, hút thuốc lá và dinh dưỡng kém. Những đối tượng có mức độ cholesterol trong máu cao do di truyền hoặc chế độ ăn quá nhiều chất béo sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch.
Bên cạnh đó, lối sống lười vận động cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý này, bởi lưu lượng máu sẽ lưu thông kém hơn. Do đó, việc tập luyện thể dục – thể thao thường xuyên đã được chứng minh là giúp cải thiện tuần hoàn máu và nâng cao sức khỏe của động mạch.
Tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ khác. Huyết áp tăng cao sẽ làm tổn thương thành động mạch và khiến chúng dễ bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
Ngoài ra, những người mắc bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ diễn tiến tới bệnh động mạch chi dưới. Bởi bệnh đái tháo đường dễ hình thành mảng xơ vữa và dẫn đến tắc nghẽn động mạch.
Tìm hiểu thêm: Người 40 tuổi huyết áp bao nhiêu là bình thường?
Điều trị bệnh động mạch chi dưới
Tùy theo diễn tiến cụ thể của bệnh động mạch chi dưới mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Điều trị nội khoa
Dựa vào nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc điều trị nhằm kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu, tăng tăng huyết áp, bệnh tiểu đường hay bất kỳ yếu tố nào khác có thể góp phần dẫn đến bệnh động mạch chi dưới. Việc sử dụng những loại thuốc trên cần tuân thủ suốt đời.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, tránh hút thuốc lá và duy trì cân nặng phù hợp để giảm nguy cơ tái phát bệnh động mạch chi dưới.
Điều trị ngoại khoa
Khi sử dụng thuốc điều trị và thay đổi lối sống nhưng không ngăn chặn hoặc hỗ trợ làm giảm triệu chứng bệnh thì bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện phẫu thuật loại bỏ tắc nghẽn, đồng thời ngăn chặn sự hình thành các khối mới.
Bóc tách nội mạc động mạch
Hầu hết các ca bệnh động mạch chi dưới điều trị bằng thủ thuật bóc tách nội mạc động mạch đều thành công. Bác sĩ sẽ làm sạch vùng động mạch bị tắc nghẽn bằng cách cạo hoặc cắt mảng bám xơ vữa.
Trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ và an thần nhẹ nhàng (tiền mê). Sau đó, tiến hành bơm thuốc cản quang vào để bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy vị trí tắc nghẽn trên phim X-quang. Phẫu thuật viên sẽ đưa ống thông vào động mạch đùi và tiến dần đến đoạn động mạch bị tắc. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một loại dụng cụ nội mạc được gắn vào ống thông để loại bỏ mảng bám.
Trong một vài trường hợp, phẫu thuật viên có thể thực hiện đồng thời các thủ thuật khác như nong mạch và đặt stent để phòng ngừa khả năng tắc nghẽn mạch máu trong tương lai.
Nong mạch và đặt stent
Không phải lúc nào phương pháp bóc tách nội mạc động mạch cũng có thể thực hiện được. Trong khi đó, thủ thuật nong động mạch bằng bóng và đặt một stent bằng một ống lưới kim loại đưa vào động mạch có phần đơn giản hơn.
Người bệnh sẽ được gây tê cục bộ trước khi tiến hành thủ thuật này. Bác sĩ sẽ đẩy quả bóng tiến đến đoạn mạch máu bị tắc qua ống thông trong quá trình nong mạch, sau đó dùng dụng cụ bơm phồng quả bóng lên. Tiếp đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt stent tại vị trí đó để cải thiện và duy trì lưu lượng máu lâu dài sau khi can thiệp.
>>>>>Xem thêm: Áp xe má là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Phẫu thuật bắc cầu
Nong mạch và đặt stent có thể không phải là một phương pháp điều trị tốt nhất đối với người bệnh bị tắc nghẽn động mạch lan tỏa hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe khác như tắc nghẽn động mạch từng cơn, chi dưới bị hoại tử do bệnh đái tháo đường, thuyên tắc phổi… đe dọa đến tính mạng.
Thay vào đó, bác sĩ có thể cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật bắc cầu. Phương pháp này cho phép tạo ra một “tuyến đường mới” để giúp máu có thể đi qua vị trí động mạch bị tắc nghẽn nhằm khôi phục lại lưu lượng máu tới chân. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp phẫu thuật bắc cầu là hạn chế được nguy cơ cắt cụt chi dưới do hoại tử.
Tóm lại, bệnh động mạch chi dưới là một tình trạng phổ biến của chứng xơ cứng động mạch với triệu chứng điển hình là xuất hiện cơn đau cách hồi ở chi dưới. Bệnh có thể hạn chế khả năng di chuyển của người bệnh, tăng nguy cơ viêm loét da và hoại tử, thậm chí là cắt cụt chi. Do đó, việc phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị bệnh là cách tốt nhất để bảo tồn chức năng của chân.